Tận dụng cơ hội từ chuỗi cung ứng toàn cầu

Với xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước tham gia. Trong khi đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế chính sách với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn, cung cấp nhiều mặt hàng đa dạng, chất lượng ngày càng cao và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, theo đánh giá, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự nắm bắt, tận dụng các cơ hội, vẫn đang dò dẫm tìm đường tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất bảng mạch điện tử ở Nhà máy Nippon Mektron (Khu công nghiệp Thăng Long II tại huyện Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). (Ảnh TRẦN HẢI)
Sản xuất bảng mạch điện tử ở Nhà máy Nippon Mektron (Khu công nghiệp Thăng Long II tại huyện Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). (Ảnh TRẦN HẢI)

Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng bối cảnh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực, cũng như cải tiến năng suất lao động, kỹ thuật, nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của chuỗi cung ứng trên thị trường thế giới.

Cần thay đổi tư duy, nhận thức

Từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn trên thế giới quan tâm và dần chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%; vốn thực hiện cũng đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ,…

Kết quả nêu trên cho thấy, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, được các quốc gia, tập đoàn tin tưởng lựa chọn, trở thành địa chỉ mới trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. Một số tập đoàn lớn trên thế giới như Apple hay Amazon tuy chưa đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhưng luôn coi đây là khu vực để đặt hàng cung ứng linh kiện, nguyên liệu, thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để Việt Nam vươn lên và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu.

Mặc dù vậy, những cơ hội lớn thường đi cùng với nhiều thách thức khi chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các sản phẩm công nghiệp cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ.

Tuy nhiên trong đó, chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia, khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba,… Điều này cho thấy, sau gần 40 năm phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng với tỷ lệ doanh nghiệp thật sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất thấp.

Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh cho biết, trong số hơn 800 nghìn doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động thì có tới 96%-98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này thường thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng về nguồn lực tài chính còn nhiều hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực, tay nghề lao động chưa thật sự tốt và khó đáp ứng nhu cầu trong tiếp nhận, chuyển giao khoa học-công nghệ của các tập đoàn khi chuyển dịch đến Việt Nam.

Những điểm yếu này nếu không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp, khó kiểm soát được các dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư nước ngoài thâu tóm thị trường và doanh nghiệp trong nước, đầu tư “núp bóng”,... Bên cạnh đó, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu hút dòng vốn dồi dào, kéo theo nhu cầu về nguồn năng lượng rất lớn, nhưng với Việt Nam, đây vẫn là vấn đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công thương (Bộ Công thương) Nguyễn Văn Hội, quá trình này đang vấp phải không ít khó khăn do tư duy, nhận thức, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách đôi lúc còn thiếu sự minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, các chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhân lực chất lượng cao, song mức độ đầu tư vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế của chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn một điểm yếu cố hữu là thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau khi tham gia chuỗi cung ứng, cho nên không mở rộng được nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu tại chỗ, hầu hết phải tự tìm ra chiến lược riêng cho mình trên thị trường.

Tận dụng cơ hội từ chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1

Bốc xếp container hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). (Ảnh ĐỨC ANH)

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Việc tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu hiện đã không còn là xu hướng mà trở thành nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo nhiều chuyên gia, để đón đầu xu hướng đó, Việt Nam cần có đối sách, giải pháp kịp thời, đồng bộ, phù hợp, nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro, cũng như tận dụng tốt cơ hội của xu thế chuyển dịch, giúp Việt Nam có lợi thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngay trên sân nhà, nhất là khi nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thật sự cần để vươn ra thị trường quốc tế và cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài theo đúng nguyên tắc thị trường.

Một vấn đề quan trọng khác là cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tập trung phát triển nguồn nhân lực và khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu thực tiễn; hướng tới sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn, tạo nên sản phẩm có giá trị, đứng ở vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu... Và “xanh hóa” trong sản xuất chính là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu đề ra của đầu chuỗi cung ứng về giảm phát thải carbon ra môi trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa bền vững, tạo thêm lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.

Những nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố chính, song theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, sự hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng và mang tính quyết định. Thời gian tới, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách với các thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành phải được cải cách, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời cần đổi mới trong cách tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể.

Các biện pháp hỗ trợ mang tính chất miễn, giảm được thực hiện quá dài cũng nên thu hẹp dần về quy mô hay cường độ, thay vào đó là những biện pháp kiến tạo cho doanh nghiệp tự phát triển. Các chính sách cần tập trung giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm và chuyển dịch năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các ngành công nghiệp mới trong tương lai như: chất bán dẫn, chip điện tử, năng lượng sạch, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo,…

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập vào những thị trường mới; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam,…

Ngoài ra, về lâu dài, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh có năng lực liên kết với các tập đoàn công nghệ trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia hội nhập chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; có chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp trong nước đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Những chính sách đủ mạnh mới có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ được cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu, nâng cao tính độc lập tự chủ và khẳng định được vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế ■