Ở DÂN THƯƠNG, ĐI DÂN NHỚ
Anh Sáu Khải và tôi là bạn đồng niên, cùng hoàn cảnh xuất thân trong gia đình nông dân ở miền quê Nam Bộ, cùng tham gia kháng chiến, cùng được đi tập kết ra miền bắc. Trong gần 10 năm cuối đời của anh Sáu, mối quan hệ giữa anh và tôi ngày càng mật thiết. Chúng tôi gắn bó với nhau cùng một số cán bộ lão thành chí cốt để chỉ đạo thực hiện việc bảo tồn và tôn tạo toàn bộ các căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy Nam Bộ và T.Ư Cục miền nam trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Tôi nhớ 62 năm trước, anh được cử đi tham gia công tác giảm tô và cải cách ruộng đất tại xã Cát Lại, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Chứng kiến cảnh sống thiếu đói của bà con nông dân, anh Khải rất đau lòng. Mặc dù lương bổng ngày ấy chỉ có “ba cọc ba đồng”, song anh đã dốc sạch túi lấy tiền mua dây khoai lang rồi vận động bà con nông dân trồng khoai cứu đói. Dân thương đến nỗi, anh còn được một gia đình nhận làm con nuôi. Rồi khi anh Sáu Khải cưới vợ, đám cưới của anh và chị được tổ chức ở nơi anh đang tham gia công tác cải cách ruộng đất. Kế thừa tập tục truyền thống tốt đẹp của người dân Nam Bộ “của ít lòng nhiều”, mỗi khi ra thăm lại nơi công tác cũ, anh Sáu đều mang theo những thứ đặc sản của quê anh làm quà tặng như: thịt bò, bánh tráng, cá đồng, chuối, mít, xoài...
Vĩnh biệt anh!
TRẦN HỮU PHƯỚC,
Cán bộ lão thành quận 1, TP Hồ Chí Minh
BÁC SÁU ĐÃ CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ, TẠO THÊM ĐỘNG LỰC CHO TÔI
Cách đây gần 20 năm, ngày 25-12-1998, tôi vinh dự nằm trong danh sách 395 học sinh, sinh viên Củ Chi đón nhận học bổng của Quỹ Bảo trợ giáo dục và đào tạo Củ Chi do Thủ tướng Phan Văn Khải trao tặng. Tôi nhớ mãi lời Thủ tướng căn dặn hôm ấy: “Củ Chi dù còn nghèo nhưng phải có truyền thống hiếu học và phải học giỏi. Phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; trung thành với Tổ quốc; sống có lý tưởng vì lý tưởng là cái gốc ở mỗi con người. Đừng để bất kỳ em nào có khả năng học tập mà không được đi học...”. Nhớ lời dạy ấy, tôi nỗ lực vượt khó vươn lên. Sau bốn năm học, năm 2002 tốt nghiệp ngành Ngữ văn, tôi xin trở về Trường THPT Quang Trung công tác, góp phần vào công tác khuyến học, khuyến tài, cùng các thầy cô tiếp tục chăm lo giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó trên quê hương Củ Chi. Bác Sáu luôn dõi theo từng bước trưởng thành của chúng tôi. Mỗi lần lễ, Tết, nếu khỏe, Bác đều gọi thầy trò chúng tôi đến nhà, hỏi thăm chuyện học, việc làm, lì xì... rất gần gũi, ấm áp, thân tình.
NGUYỄN VĂN CẢI,
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung
KHẮC GHI LỜI KÊU GỌI ĐÓNG GÓP CHO TỔ QUỐC
Năm 2002, tôi cùng hàng trăm kiều bào trên toàn thế giới có dịp được gặp mặt chú Sáu Khải và được chú tiếp ở Khu du lịch Làng Tôi ven sông Sài Gòn. Tất cả chúng tôi đều rất cảm động về tấm chân tình của chú dành cho kiều bào xa quê hương trở về Tổ quốc. Hôm nay, nghe tin chú mất, chúng tôi vô cùng đau đớn, ai nấy đều rơi nước mắt. Tổ quốc Việt Nam mất đi một người lãnh đạo vì nước, vì dân, dân tộc Việt Nam mất đi một người con ưu tú. Tuy nhiên, nhớ những gì chú dặn dò, khắc ghi lời kêu gọi đóng góp cho Tổ quốc của chú năm ấy, kiều bào chúng tôi quyết tâm nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng đồng bào cả nước xây dựng quê hương vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng và Nhà nước ta đề ra. Dù xa quê hương nhưng những kiều bào chúng tôi vẫn nhớ: “Ngàn năm ghi nhớ công ơn Đảng/Muôn thuở không quên đức Bác Hồ”. Lúc này đây, về dự lễ tang, nhớ chú Sáu vô cùng, chú Sáu ơi! Vĩnh biệt chú!
LÊ NGỌC LÂM,
Kiều bào Nhật, tạm trú quận 3, TP Hồ Chí Minh
THỦY CHUNG, NGHĨA TÌNH, NHIỆT HUYẾT
Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm Giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước, đoàn lão thành cách mạng của Quận ủy Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác Hồ và đến thăm Chính phủ. Đoàn chúng tôi đã được Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp đón thân tình như người thân trong nhà lâu ngày gặp lại. Với giọng nói hiền lành, chậm rãi, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thông báo tình hình thế giới, trong nước, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Sau đó, Thủ tướng chụp chung tấm hình lưu niệm với đoàn và tặng mỗi người một chiếc bình thủy có hình bó hoa đỏ, ông ngụ ý nhắc nhở chúng tôi: “Trong lòng phải nóng bỏng, đầy nhiệt huyết như nước trong bình thủy, bên ngoài phải bao dung độ lượng, trong sáng, thủy chung như hình bó hoa in trên bình thủy”. Tôi đã cất chiếc bình thủy trong một nơi trang trọng của gia đình, dòng họ để mỗi lần nhìn lại nhớ đến người Thủ tướng có đức, có tài. Đã hơn 10 năm, bây giờ Thủ tướng Phan Văn Khải đã về cõi vĩnh hằng, chiếc bình thủy vẫn còn đó như nhắc nhở chúng tôi về một kỷ niệm khó phai mờ. Cầu chúc Thủ tướng yên nghỉ!
Đại tá LÊ HOẰNG,
Đảng viên 65 năm tuổi Đảng (Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh)
NHÀ LÃNH ĐẠO LUÔN QUAN TÂM GIÁO DỤC
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải như một người cha, người đồng chí, người anh lớn của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Dù biết đồng chí tuổi cao sức yếu song nghe tin đồng chí mất, cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vẫn bàng hoàng. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã có nhiều đóng góp tích cực, quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới. Đồng chí cũng là người ban hành văn bản, chính sách quan trọng phát triển kinh tế đất nước, đồng thời quan tâm đến giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Là Chủ tịch danh dự Hội đồng quản lý Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhờ uy tín của đồng chí, các tổ chức, cá nhân đã có chung tay góp sức cho quỹ và quỹ hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Đồng chí từng dặn dò: Nhà trường cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng nghiên cứu khoa học để cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao, có các công trình khoa học công nghệ chuyển giao cho cộng đồng, xã hội.
GS, TS HUỲNH THÀNH ĐẠT,
Ủy viên T.Ư Đảng Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
TRÂN TRỌNG NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ANH VỚI ĐẤT NƯỚC
Chúng tôi là những sinh viên cùng được cử sang học tại Trường đại học Kinh tế quốc dân Plê-kha-nốp (Mát-xcơ-va, Liên Xô trước đây) với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vào những năm 1960 - 1965, giai đoạn rất khó khăn của đất nước. Chúng tôi đã cùng nhau học tập và tiếp thu những kiến thức về kinh tế để sau này về phục vụ đất nước. Sau này khi trở về nước công tác, tuy mỗi người làm việc ở mỗi ngành với nhiệm vụ khác nhau, chúng tôi vẫn thường mỗi năm tổ chức gặp mặt một lần vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Và lần này, những người cựu sinh viên Trường Plê-kha-nốp chúng tôi lại cùng nhau tụ tập lại đây để cùng thắp hương và bày tỏ lòng thương nhớ vô hạn tới anh Khải, đồng thời vô cùng trân trọng những đóng góp của anh với đất nước. Chúng tôi tự hào rằng, Trường đại học Kinh tế quốc dân Plê-kha-nốp đã có được một sinh viên thành đạt, trưởng thành và đóng góp cho đất nước một nhà lãnh đạo tài ba, rất được nhân dân yêu mến như anh Khải. Hôm nay, trước anh linh của anh Khải, chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục sống và làm việc, trong những tháng năm còn lại, sao cho xứng đáng là những sinh viên của Trường Plê-kha-nốp như người anh cả của trường.
TRẦN HỮU THẮNG,
Cựu sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân Plê-kha-nốp