Mới đây, khi đọc bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành y tế càng được củng cố. Ở phần II của bài viết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thông tin: Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển cho nên chúng ta đã có điều kiện để chăm sóc tốt hơn những người có công, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo phần mộ các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Tôi cho đây là dấu ấn rất lớn của giai đoạn kiến thiết nước nhà.
Thật vậy, Quảng Bình là vùng đất chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh; là “túi bom, tuyến lửa” trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhiều gia đình có con, em là liệt sĩ; nhiều gia đình khác có người thân chết, tàn phế vì bom đạn ngay cả sau khi đã hòa bình, thống nhất. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phần lớn người dân được tiếp cận với hệ thống y tế.
Tổng Bí thư nhận định việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là vấn đề lớn còn nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục; đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt. Đồng chí viết: Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ một số nhiệm vụ trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em; đổi mới cơ chế tài chính y tế, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế; phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, phát triển hình thức khám chữa bệnh trực tuyến; nâng cao năng lực, chủ động phòng chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng.
Hội Đông y tỉnh Quảng Bình hiện có tám chi hội trực thuộc ở các huyện, thành phố với 134 phòng chẩn trị. Công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất của hội. Ý thức được trách nhiệm trước người bệnh, cán bộ, hội viên, lương y trong tỉnh đã không ngừng rèn luyện y đức, nâng cao y thuật để từng bước mang lại hiệu quả cao trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí, tư vấn sức khỏe cho người nghèo và gia đình chính sách được các hội đông y, các phòng chẩn trị hết sức chú trọng. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, các chi hội đã tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Ngoài công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, các hội viên Hội Đông y coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách sử dụng những cây thuốc nam để chữa các chứng bệnh thông thường, giúp người dân chủ động phòng bệnh. Từ những việc làm thiết thực, cụ thể trong công tác chuyên môn cũng như các hoạt động từ thiện nhân đạo, nhiều năm qua tổ chức Hội Đông y các cấp đã tạo được niềm tin đối với người dân ở các địa bàn.