Phổ biến ở các nước châu Âu nhưng di sản công nghiệp là khái niệm mới ở Việt Nam. Nhìn lại nhiều thập kỷ trước, do chưa có kế hoạch bảo tồn và chuyển đổi hợp lý, một số nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất cũ không được lưu giữ và đã biến mất trong tiến trình phát triển của đất nước.
Di sản công nghiệp là một yếu tố của di sản văn hóa
Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy Dệt 8-3… đã bị phá bỏ; Nhà máy đóng tàu Ba Son ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Nhà máy Dệt Nam Định cũng không còn, thay vào đó là các tòa nhà, trung tâm thương mại, khu đô thị... Đây đều là những công trình mang dấu ấn lịch sử, kiến trúc và phương thức lao động, sản xuất một thời.
Trong danh sách chín cơ sở công nghiệp phải di dời trong 5 năm tới, Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm… là những công trình có giá trị về kiến trúc, công nghệ. Những di sản công nghiệp này là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử của đất nước, lưu giữ ký ức đô thị và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân. Một số nhà máy, công ty còn được xem là biểu tượng cho quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Hà Nội và Việt Nam.
Theo kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, đại diện của Việt Nam trong mạng lưới di sản công nghiệp châu Á, di sản công nghiệp là những giá trị còn lại của văn hóa công nghiệp bao gồm tòa nhà, máy móc, xưởng, nhà máy, kho và cửa hàng… Cùng với các cộng sự, nhóm đã thực hiện khảo sát hiện trạng một số nhà máy, công ty trong diện di dời trên địa bàn thành phố, trong đó ba nhà máy mang giá trị di sản rõ nét.
Cụ thể, Nhà máy xe lửa Gia Lâm (đường Nguyễn Văn Cừ), Nhà máy thuốc lá Thăng Long (đường Nguyễn Trãi) và Nhà máy Bia Hà Nội (đường Hòang Hoa Thám). Theo kết quả khảo sát, phần diện tích còn lại của Nhà máy xe lửa Gia Lâm khoảng 20ha. Đây là nhóm nhà được xây dựng năm 1988, do Chính phủ Ba Lan hỗ trợ. Nhà máy xe lửa Gia Lâm được coi là di sản công nghiệp đại diện cho chủ nghĩa quốc tế-tình hữu nghị-mô hình sản xuất lấy công nghiệp nặng làm chủ đạo. Đây cũng là cơ sở đường sắt duy nhất tại Việt Nam đáp ứng tàu khổ ray 1.435mm vào tận các xưởng.
Nhà máy Bia Hà Nội được xây dựng đầu thế kỷ 20 nhưng kiến trúc hiện tại của ba tòa biệt thự đang là văn phòng làm việc vẫn còn nguyên trạng, theo phong cách biệt thự Pháp. Hiện trạng kết cấu nhà xưởng 1 và 2 xây dựng những năm 1930-1940 vẫn còn tốt. Dưới góc nhìn của di sản, đây được coi là những khảo sát đầu tiên về hiện trạng và giá trị của các nhà máy cũ. Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc, lịch sử, xã hội, việc bảo lưu, tái thiết và chuyển đổi di sản công nghiệp là hết sức cần thiết và phù hợp.
Trong bối cảnh Hà Nội đang thiếu quỹ đất để xây dựng các không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, thay vì đập bỏ, xây dựng những cao ốc hiện đại, các đại đô thị hay chung cư cao tầng, thành phố nên tận dụng, cải tạo, tái sử dụng một phần hoặc toàn bộ các cơ sở công nghiệp này thành các không gian sáng tạo, điểm du lịch hay các trung tâm nghệ thuật, giải trí hấp dẫn.
Như vậy, những ký ức về Hà Nội sẽ tiếp tục được lưu giữ, là bằng chứng sống động cho các giai đoạn phát triển của Thủ đô. Các không gian sáng tạo cũng là cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp văn hóa, là nhân tố thúc đẩy sự tương tác, liên kết giữa con người với thành phố.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cho biết: Khái niệm di sản công nghiệp đối với Việt Nam còn khá mới mẻ. Đầu tháng 2 năm nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, nội dung và hoạt động liên quan phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo là lĩnh vực mới mẻ đối với Thủ đô. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm cho nên các cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa được triển khai sâu rộng.
Hướng đi mới từ tái thiết di sản công nghiệp
Chuỗi hội thảo “Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - Đổi mới và bền vững” do Quỹ Văn hóa Pháp, Viện Goethe, Viện Pháp, UNESCO Việt Nam phối hợp Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Doanh nghiệp xã hội bền vững Việt Nam VSSE… tổ chức trong bối cảnh thành phố quyết định di dời chín cơ sở công nghiệp cũ ra khỏi nội đô. Trùng hợp là hội thảo diễn ra trong không gian sáng tạo 282 Workshop (Long Biên), vốn được chuyển đổi từ nhà máy sản xuất mũ cối thành không gian đa chức năng, kết nối cộng đồng.
Từ góc độ chuyên môn, ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam chưa có mô hình tái thiết di sản công nghiệp nào thành công và cụ thể. Xu hướng ban đầu là chuyển đổi cơ sở công nghiệp thành các khu đô thị, thương mại. Tuy nhiên, mô hình tái tạo di sản công nghiệp là hướng đi mới cho sự phát triển bền vững, cần thiết đối với các thành phố của Việt Nam, đồng thời đáp ứng tiêu chí phát triển văn hóa, bảo đảm sự cân bằng về môi trường và phát triển kinh tế-xã hội.
Tham khảo mô hình chuyển đổi thành công các trung tâm nghệ thuật, không gian sáng tạo từ nhà máy, cơ sở công nghiệp cũ một số nước trên thế giới, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn gợi ý mô hình Trung tâm nghệ thuật Pier 2 của thành phố Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc). Đây là khu phức hợp các nhà kho cũ của tổ hợp nhà máy nằm cạnh bến cảng.
Năm 2006, chính quyền thành phố cho phép xây dựng, cải tạo thành một tổ hợp văn hóa về thiết kế và sáng tạo với 12 khu vực khác nhau, tập trung nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại, tổ chức triển lãm ấn tượng. Trung tâm nghệ thuật quốc gia Cao Hùng cũng được xây dựng trên cơ sở một căn cứ quân sự cũ, là nơi kết nối địa phương với văn hóa, nghệ thuật thế giới. Đây cũng là biểu tượng cho sự đổi mới và phát triển của Đài Loan với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hỗ trợ mạnh mẽ sự sáng tạo và hoạt động của nghệ sĩ.
Theo kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội), Hà Nội đang thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, phục vụ công cuộc phát triển sáng tạo bền vững, bên cạnh một bộ phận cấu trúc cũ của thời kỳ cách mạng công nghiệp không được sử dụng, cải tạo một cách hợp lý. Đề xuất mô hình Không gian văn hóa-sáng tạo cộng đồng cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhóm kiến trúc sư đề xuất phương án cải tạo, tổ chức công năng sử dụng gồm ba hạng mục chính: Bảo tàng ngành đường sắt, Không gian sáng tạo cộng đồng, Công viên cây xanh và nghệ thuật.
Không gian bảo tàng sẽ là nơi trao đổi, kết nối giữa các thế hệ với nhau, một thế hệ vẻ vang, đấu tranh bảo vệ Thủ đô, sản xuất, kiến tạo đất nước. Có thể thấy, nếu được bảo tồn đúng cách và có phương án quản lý, đầu tư hiệu quả, các giải pháp, mô hình đề xuất có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kinh tế, bảo tồn và phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân.
Bên cạnh các không gian đa chức năng hoạt động ổn định như Hanoi Creative City, Vicas Art Studio, Tổ chim xanh, Toong… có nhiều không gian sáng tạo mở ra rồi phải đóng lại, hoặc di chuyển địa điểm do thiếu mặt bằng, cơ sở hạ tầng. Nhìn tổng thể, Hà Nội có hơn 100 nhà máy phải di dời khỏi nội đô. Những cơ sở công nghiệp cũ này là nguồn tài nguyên phù hợp cho sự phát triển các không gian sáng tạo, mở ra cơ hội phát triển các trung tâm về văn hóa, thời trang, điện ảnh, thiết kế… thúc đẩy công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo.
Tuy nhiên, cho đến khi có phương án sử dụng nguồn quỹ đất này, nên làm rõ khái niệm di sản công nghiệp, nhìn nhận di sản công nghiệp như một yếu tố của di sản văn hóa nói chung, từ đó có cơ chế cho các di sản công nghiệp. Thành phố cần khảo sát hiện trạng, đánh giá tiềm năng các nhà máy, xưởng sản xuất cũ để có phương án bảo tồn, chuyển đổi và khai thác phù hợp.
Là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, đặt văn hóa là trọng tâm trong chiến lược phát triển cũng như động lực để phát triển công nghiệp văn hóa, nếu giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế và yếu tố văn hóa từ tái tạo các di sản công nghiệp, hy vọng Hà Nội sẽ có nhiều đột phá về sáng tạo, tạo bản sắc riêng từ những khoảng không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, từ đó hỗ trợ các cộng đồng sáng tạo, khởi nghiệp, ươm mầm tài năng nghệ thuật.