Cuộc họp đã nghe các ý kiến phân tích, tư vấn của các chuyên gia về việc điều chỉnh 44 điểm di sản trong 3 tuyến du lịch thành 41 điểm; điều chỉnh thứ tự một số điểm tham quan cho phù hợp với lộ trình; thay đổi, bổ sung một số điểm mới như Hồ sen xã Nâm N’đir, nhà may mắn (huyện Krông Nô), thác Lưu Ly (huyện Đắk Song), trang trại ca cao (huyện Đắk Mil)…
Trên cơ sở trao đổi, các chuyên gia đã đưa ra nhiều phương án khắc phục những hạng mục, công trình chưa phù hợp tại các điểm di sản, nhất là phương án khắc phục Dự án đầu tư tại điểm số 8 (núi lửa Nâm Kar), thuộc huyện Krông Nô.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đánh giá cao những ý kiến tư vấn của các chuyên gia, đồng thời đồng chí nhấn mạnh, công tác tái thẩm định danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần này có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông.
Do đó, các địa phương, sở, ngành cần nhận thức rõ từng phần việc liên quan, tiếp thu những ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhanh chóng có phương án phù hợp trong việc khắc phục, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất, hạng mục tại các điểm di sản theo tiêu chí của UNESCO để sẵn sàng phục vụ cho công tác tái thẩm định danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông diễn ra vào tháng 7/2023.
Công viên địa chất Đắk Nông được công nhận là công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vào tháng 7/2020. Với chủ đề chính là “Xứ sở của những âm điệu”, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch công viên địa chất với 44 điểm di sản.
Từ khi được công nhận đến nay, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều tiềm năng, giá trị di sản trong vùng công viên địa chất chưa được khai thác, phát huy tương xứng, nhiều điểm di sản xuống cấp hoặc không còn phù hợp.