Tài năng trẻ Đỗ Thị Ánh Nguyệt “mơ vàng” Olympic cùng đội tuyển bắn cung quốc gia

NDO -

Gắn bó với nghiệp cung thủ chưa lâu, nhưng cô gái 19 tuổi Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã gặt hái được nhiều thành công đáng mơ ước. Trong đó, nổi bật là HCV SEA Games, cùng suất chính thức dự Olympic vào mùa hè 2021.

Nữ cung thủ tài năng Đỗ Thị Ánh Nguyệt.
Nữ cung thủ tài năng Đỗ Thị Ánh Nguyệt.

Bắn cung là môn thể thao chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam, không chỉ yêu cầu nhiều trang thiết bị đặc thù mà còn đòi hỏi ý chí quyết tâm, sự bền bỉ, nhẫn nại nếu muốn trở thành vận động viên (VĐV) thi đấu chuyên nghiệp.

Trong quá trình luyện tập, thi đấu, các VĐV luôn phải đứng vững, giữ thăng bằng bản thân dù trong hoàn cảnh thời tiết nào. Bên cạnh đó, mỗi lần bắn cung đúng kỹ thuật cũng cần lực tay lên tới gần 20 kg, là thách thức ngay cả với các nam VĐV.

Bén duyên với thể thao đỉnh cao ở độ tuổi khá trẻ, thế nhưng bắn cung lại không phải bộ môn chuyên nghiệp đầu tiên mà Đỗ Thị Ánh Nguyệt lựa chọn gắn bó. Nổi bật với chiều cao tốt (1m65) cùng sự nhanh nhẹn, không ngạc nhiên khi cô gái trẻ gốc Hưng Yên nhận được sự chú ý và tuyển chọn từ huấn luyện viên (HLV) Đào Văn Kiên, Phó Trưởng bộ môn bóng chuyền - bóng rổ, phụ trách môn bóng rổ (thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) Hà Nội) hồi giữa năm 2016.

Sau quãng thời gian vài tháng luyện tập chăm chỉ và nghiêm túc với bóng rổ, Ánh Nguyệt bỗng bất ngờ chuyển hướng sang một bộ môn hoàn toàn khác biệt là bắn cung. Càng ngạc nhiên hơn khi chính các HLV đội bóng rổ là những người nhìn nhận ra điểm phù hợp của cô gái trẻ sinh năm 2001. Như bản thân Ánh Nguyệt từng chia sẻ, quyết định thay đổi đó đã “mang đến trải nghiệm thực sự thú vị”, vì bóng rổ rất năng động, sôi nổi, trong khi bắn cung là môn thể thao tương đối “tĩnh”, cần sự tập trung cao độ.

Không khiến các HLV thất vọng, Đỗ Thị Ánh Nguyệt tỏ ra thích nghi rất nhanh với bộ môn mới, đặc biệt ở nội dung cung một dây, vốn đòi hỏi kỹ thuật cùng nền tảng thể lực rất tốt. Bên cạnh tố chất phù hợp, Ánh Nguyệt còn may mắn nhận được sự hướng dẫn, động viên quý báu từ phía ban huấn luyện và đồng đội, giúp cô ngày một tiến bộ hơn.

Càng tập luyện càng thấy đam mê, những lần tập bắn luôn mang lại cho Ánh Nguyệt nhiều cảm xúc phấn khích, cũng chính là động lực để cô đặt quyết tâm chinh phục đỉnh cao danh hiệu ở môn thể thao Olympic này. “Bắn cung rèn cho em tính kiên trì, trạng thái tĩnh để biết cách đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cả trong thi đấu lẫn cuộc sống. Em phải luyện tập để duy trì sự bình tĩnh trong từng hơi thở, kiên trì nhắm trúng đích cho tới mũi tên cuối cùng”, Ánh Nguyệt chia sẻ.

Thành công liên tiếp tới với Ánh Nguyệt chỉ trong thời gian khá ngắn. Rất nhanh chóng, nữ VĐV người Hưng Yên được gọi vào đội tuyển quốc gia, sau đó xuất sắc giành Huy chương Đồng nội dung sở trường cung một dây nữ tại Giải vô địch bắn cung châu Á, đồng thời “ẵm” luôn tấm vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020 (đã chính thức được dời sang năm 2021).

Thành tích rất đáng tự hào ấy như liều thuốc tinh thần rất lớn, động viên Ánh Nguyệt tiếp tục “bay cao”, đoạt tấm Huy chương Vàng SEA Games 30 ở ngay lần đầu tranh tài tại đấu trường thể thao lớn nhất khu vực.

Tài năng trẻ Đỗ Thị Ánh Nguyệt “mơ vàng” Olympic cùng đội tuyển bắn cung quốc gia -0
 Hai cung thủ đã đoạt vé dự Olympic 2021 là Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (hàng dưới, từ trái sang) cùng các đồng đội tại Đội tuyển bắn cung quốc gia.

Ánh Nguyệt đã có những bước tiến “thần tốc”. Chỉ trong gần hai năm, kể từ khi “nhập môn” bắt đầu học những thao tác cơ bản “vỡ lòng” cho tới khi đoạt vé dự đấu trường thể thao mơ ước với mọi VĐV là Olympic, thành tích mà nhiều cung thủ đi trước phải mất vài năm hoặc tới hơn chục năm để đạt được. Cá nhân Ánh Nguyệt không khỏi bất ngờ khi sớm giành được những thành quả ấy, nhưng đồng thời cũng cho rằng đó là nguồn động viên, khích lệ to lớn để cô tự tin hơn trên bước đường sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, hướng tới những tấm huy chương tại các giải đấu quốc tế trong tương lai.

Thành công tới sớm nhưng cô gái trẻ sinh năm 2001 luôn tâm niệm bản thân còn cần học hỏi, phấn đấu và nỗ lực hơn nữa để tiếp tục phát triển khả năng của mình: “Em vẫn còn cả chặng đường dài phía trước để thực hiện những mục tiêu khác ở cấp độ Olympic, châu lục hay Đông - Nam Á... Cá nhân em cũng cần hoàn thiện rất nhiều về chuyên môn, bản lĩnh thi đấu nên vẫn phải rèn luyện hằng ngày, hằng giờ”.

Thời điểm hiện tại, các VĐV đã dần trở lại với nhịp tập luyện quen thuộc, ngành TDTT và Liên đoàn bắn cung Việt Nam đang hy vọng các quốc gia trong khu vực mau chóng khống chế được dịch Covid-19, để các thành viên đội tuyển bắn cung quốc gia có thể sớm “xuất ngoại” tập huấn, chuẩn bị kỹ càng cho đấu trường Olympic vào mùa hè 2021. 

Với sự đầu tư bài bản và đúng hướng của ngành thể thao, những tài năng bắn cung nước nhà, điển hình như Đỗ Thị Ánh Nguyệt, được kỳ vọng sẽ tỏa sáng tại những sân chơi tầm cỡ quốc tế, mang về thêm những thành tích vẻ vang cho Tổ quốc. Tấm HCV môn bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 chính là minh chứng rõ nét nhất thành quả cho sự khổ luyện và quyết tâm của các VĐV đỉnh cao, là tấm gương để các VĐV Việt Nam tự tin hơn trên hành trình chinh phục danh hiệu thế giới.