Tái hiện vinh quang ngày trở về

Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, đoàn quân chiến thắng đã tiến về giải phóng Thủ đô trong niềm hân hoan chào đón của người dân. Vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022), với trưng bày "Khúc ca khải hoàn", Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tái hiện không khí hào hùng mà xúc động của ngày trở về mùa thu năm ấy.
0:00 / 0:00
0:00
Tái hiện hình ảnh các chiến sĩ về giải phóng Thủ đô trong niềm hân hoan của người dân.
Tái hiện hình ảnh các chiến sĩ về giải phóng Thủ đô trong niềm hân hoan của người dân.

Không gian của di tích Nhà tù Hỏa Lò những ngày này rực rỡ cờ, hoa. Cổng chính được thiết kế với những đường cong uốn lượn lấy cảm hứng từ lá cờ Việt Nam. Một bức tranh khổ lớn, dài 7m khắc họa hình ảnh các chiến sĩ trở về tiếp quản Thủ đô trong không khí vui tươi, tràn ngập cờ, hoa đón chào của người dân Hà Nội.

Kỷ niệm "ngày về chiến thắng", trưng bày "Khúc ca khải hoàn" đã giúp người xem ôn lại cả một chặng đường lịch sử. Sau 80 năm chịu gông cùm thực dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Không từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã lập tức quay trở lại nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, có nhiều hành động khiêu khích tại Hà Nội. Ðảng, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp đấu tranh mềm dẻo, nhưng "càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới". Trước cuộc chiến không thể tránh khỏi, từ ngày 19/12/1946, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với tinh thần: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Phần 1 của trưng bày có tiêu đề "Bền bỉ kháng chiến" tóm tắt lại bối cảnh lịch sử dẫn đến Toàn quốc kháng chiến và cuộc chiến anh dũng, bền bỉ của quân, dân Thủ đô tại nội thành Hà Nội nhằm giam chân địch. Suốt 60 ngày chiến đấu chỉ với vũ khí thô sơ, lực lượng ít ỏi, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tạm biệt Hà Nội với lời thề "Ra đi hẹn một ngày về".

"Ngày về chiến thắng" là nội dung của phần trưng bày thứ hai. Sau những năm kháng chiến gian khổ, thắng lợi của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân ra khỏi miền bắc Việt Nam. Ðầu tháng 10/1954, đội hành chính và đội trật tự đã bàn giao các cơ quan, công sở, công trình công cộng. Ðến 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Trưng bày giới thiệu những hình ảnh, những câu chuyện khi người Hà Nội chuẩn bị cho ngày giải phóng. Các mẹ, các chị thức thâu đêm để may cờ đỏ sao vàng, băng-rôn, khẩu hiệu. Thanh niên nam, nữ hăng hái dựng cổng chào, giăng đèn kết hoa trên đường phố. Sáng sớm 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa…

Ở nội dung cuối cùng - "Hà Nội của ta", trưng bày khẳng định, sau gần 70 năm giải phóng, Hà Nội đang ngày một giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhưng ký ức về Thủ đô anh hùng vẫn còn mãi với thời gian. Những thế hệ công dân Thủ đô sinh sau ngày giải phóng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh, luôn ghi nhớ, biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, sự toàn vẹn của Hà Nội - Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình.

Những hình ảnh, hiện vật tại trưng bày càng sống động hơn khi Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò bắt đầu lễ khai mạc bằng hoạt cảnh tái hiện câu chuyện những chiến sĩ bộ đội trở về trong sự hân hoan chào đón của người dân Thủ đô 68 năm về trước. Những bà mẹ, những cô gái trong trang phục áo dài thướt tha cầm hoa đón mừng, những thanh niên Thủ đô cầm đàn hát vang ca khúc "Tiến về Hà Nội" của nhạc sĩ Văn Cao… Tất cả tạo nên một bầu không khí hào hùng và xúc động. Ðại tá Dương Niết, nguyên Phó Giám đốc Học viện Phòng không-Không quân, 68 năm trước cũng chính là người tham gia tiếp quản Thủ đô. Năm ấy, ông đang là chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn 102, Ðại đoàn 308. Ðầu tháng 10, Ðại đoàn 308 tập kết tại Phùng (nay thuộc huyện Ðan Phượng, Hà Nội) và được lệnh vào tiếp quản các vị trí thực dân Pháp đóng quân, để bảo vệ nhân dân, cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đón đại quân chiến thắng trở về. Ngày 7/10/1954, ông nằm trong số 214 cán bộ, chiến sĩ được Trung đoàn lựa chọn vào Thành đợt đầu. Có mặt tại khai mạc trưng bày hôm nay, ông rưng rưng chia sẻ: "Chúng tôi trở về được người dân đón tiếp rất nồng hậu. 68 năm trôi qua, cứ đến ngày này, nhất là khi được xem những hình ảnh tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội, tôi bồi hồi xúc động như được sống lại năm tháng hào hùng đó. Tôi mong rằng, nhân dân Thủ đô tiếp nối truyền thống đáng tự hào năm xưa để xây dựng thành phố ngày một giàu đẹp hơn".