Hoạt cảnh khởi đầu với nghi lễ đoàn rước của triều đình đưa tặng phẩm của nhà vua tới cho các quan. Tại tư gia, viên quan tam phẩm được nhận tặng phẩm dậy từ sáng sớm, chuẩn bị từ quần áo, mũ mão cân đai… Khi nhận xong vật phẩm vua ban, các vũ công múa hát nghênh đón.
Đây là phần diễn xướng của các bạn trẻ thuộc Ỷ Vân Hiên, đơn vị chuyên nghiên cứu về trang phục cổ, thực hiện. Anh Nguyễn Đức Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên cho biết: “Qua sự tư vấn của nhiều nhà nghiên cứu, GS sử học, chúng tôi đã quyết định lựa chọn lễ ban quạt trong các sách đã được ghi chép để hoạt cảnh hóa. Đây là một nghi lễ được các sách chép diễn ra trong dịp Tết Đoan Dương xưa, dành cho tầng lớp quý tộc cung đình. Vào dịp này vua sẽ ban rất nhiều vật phẩm cho các quan như rượu nếp, yến, nhiều thứ khác trong đó có quạt để mang tính chất ban ân tứ của vua và tránh nóng. Điều này cũng thể hiện tính lễ giáo và sự coi trọng của bậc quân tử đối với bề tôi”.
Anh Nguyễn Đức Lộc chia sẻ, những nghi thức này chủ yếu được ghi chép trong một số sách lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Triều hội điển, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Lịch triều hiến chương loại chí, nhưng chỉ đề cập đến chứ không hề có những ghi chép cụ thể về các nghi thức, nghi lễ. Đây cũng là khó khăn lớn đối với nhóm nghiên cứu. “Chúng tôi đã tìm tòi, nghiên cứu từ các tài liệu lịch sử, từ tranh vẽ cổ, nhất là một số tranh của các giáo sĩ phương Tây, giáo sĩ người Pháp khi họ đến Thăng Long vào thời Lê Trung Hưng và mô tả lại. Ngoài ra, nguồn tư liệu tham khảo khác vô cùng quý giá đối với chúng tôi là các bức tượng được tạo nên vào thời kỳ này, cùng các trang phục cổ được khai quật từ một số di chỉ”.
Anh Nguyễn Đức Lộc cho biết, đây cũng là lần đầu tiên Ỷ Vân Hiên ra mắt những dự án nghiên cứu của chúng tôi về trang phục thời Lê Trung Hưng, từ trang phục các quan, cho đến áo vũ công, áo cho lính nghi vệ, từ áo cho đến mũ: mũ đinh tự, áo đa la, áo vũ công... “Những mẫu trang phục này được chúng tôi nghiên cứu trong thời gian rất dài và cố gắng thực hiện gần nhất với lịch sử” – anh chia sẻ.
Ngoài ra, một số dạng áo cổ rất phổ biến cũng được Ỷ Vân Hiên giới thiệu trong nghi lễ ban quạt như áo giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm. Trang phục của quan được làm từ tơ sống, đặt riêng từ các làng nghề…
“Thông qua nghi lễ này, chúng tôi mong muốn công chúng trong nước và quốc tế và nhất là các bạn trẻ có thể hiểu thêm, yêu thêm văn hóa của dân tộc, và có thể nhìn thấy, nghe thấy trực tiếp để hiểu hơn về lịch sử” – anh Nguyễn Đức Lộc nói.
Nhận xét về màn tái hiện nghi lễ ban quạt thời Lê Trung Hưng của các bạn trẻ ở Ỷ Vân Hiên, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng, những người làm chương trình đã rất khiêm tốn, khi chỉ cho rằng đây là “Một thoáng phong tục của nghi lễ cung đình trong dịp Tết Đoan ngọ”. “Ở đây họ đã lẩy ra được một loạt nghi thức lễ tiết cung đình nhân dịp Tết Đoan Ngọ ở thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17, 18. Nghi lễ này thể hiện dụng ý của triều đình Lê Trịnh thời Lê Trung Hưng, là gắn kết bậc trưởng thượng là nhà vua, nhà Chúa với đội ngũ quan chức của triều đình để cùng chung lo việc nước. Việc này vừa có ý nghĩa úy lạo vừa mang lại những giá trị vật chất cụ thể: Ban quạt cho các quan giữa tiết trời nóng bức”, GS nhận xét.
Là người cố vấn về mặt lịch sử cho nhóm phục dựng nghi lễ, GS Lê Văn Lan cũng đã có những tư vấn quý giá: “Lúc đầu kịch bản ghi ông quan được ban thưởng là quan nhất phẩm. Tôi có lưu ý các bạn ấy là chức quan nhất phẩm rất lớn, rất hiếm, cho nên không có chuyện thưởng cho quan nhất phẩm đâu. Cuối cùng các bạn ấy hạ xuống quan tam phẩm. Khi đó phải thay đổi hết toàn bộ quần áo, màu sắc, vì điều này đã được quy định rất rõ ở trong Lễ nghi chí, quan nhất phẩm, nhị phẩm, tam phẩm mặc áo màu gì…”
“Rõ ràng ở đây các bạn ấy đã chịu khó nghiên cứu và thể hiện ra một cách cẩn trọng và cũng có những sự bay bổng của nghệ thuật. ôi tin rằng ở đây là một thể nghiệm nghệ thuật có tấm lòng, có trí tuệ và sẽ được đón nhận”. GS Lê Văn Lan kết luận.