Những cứ liệu lịch sử đã khẳng định, vào thời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), miền đất Ái Châu chính thức mang tên Thanh Hóa. Cùng với dòng chảy lịch sử, đây là nơi kết tinh bề dày văn hóa qua nhiều triều đại: Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn tới thời đại Hồ Chí Minh với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thời kỳ hàn gắn các vết thương chiến tranh, thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển. Do đó, để bảo đảm vừa khắc họa được chiều dài lịch sử, vừa tái hiện được chiều sâu văn hóa của mảnh đất giàu truyền thống này trong 90 phút bằng ngôn ngữ nghệ thuật là cả thách thức lớn đối với những người thực hiện chương trình. Có lẽ bởi thế mà đạo diễn Lê Quý Dương, người đã ghi dấu ấn với việc dàn dựng hơn 50 sự kiện, lễ hội văn hóa, nghệ thuật lớn trong nước và quốc tế, đã được ban tổ chức "chọn mặt gửi vàng" ở vai trò tác giả kịch bản, tổng đạo diễn chương trình. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức một hội đồng cố vấn gồm các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu để trao đổi, bàn luận và phản biện chương trình trên tinh thần khách quan, khoa học. Với chủ đề "Tỏa sáng cùng non sông đất nước", chương trình muốn khẳng định những đóng góp to lớn của mảnh đất địa linh nhân kiệt trong lịch sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.
Chương trình là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật trong sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại, từ đó để lại dấu ấn về tính hoành tráng, nhiều sáng tạo mới lạ, độc đáo. Với chủ đề: "Tỏa sáng cùng non sông đất nước", chương trình được dàn dựng trên không gian sân khấu quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa với chiều dài hơn 100 m, phục vụ hàng nghìn khán giả. Ở vị trí trung tâm sân khấu là hình ảnh mặt trống đồng với đường kính 15 m nhằm tôn vinh Thần trống đồng hiện được thờ ở ngôi đền lâu đời nhất xứ Thanh mang tên Ðồng Cổ.
Hai bên sân khấu là hình ảnh các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như: Thành Nhà Hồ, tượng đài Lê Lợi, Cầu Hàm Rồng, các khu công nghiệp hiện đại... Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc sừng sững tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa. Từ đây, chương trình mở ra bằng những thanh âm mạnh mẽ của "Chuyện kể trống thần" với tiết tấu cuồn cuộn, dồn dập, chắc khỏe của hình thức trình tấu trống đồng ăn khớp nhịp nhàng của bộ gõ. Ðể rồi sau đó, mạch chương trình được kết nối xuyên suốt với ba chương và các trường đoạn liền mạch: Ðịa linh nhân kiệt, Truyền thống anh hùng, Khát vọng thịnh vượng.
Ở đó, những loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo cổ, ngâm, vịnh, tế, cáo được đan xen một cách tinh tế với ca, múa, nghệ thuật âm nhạc trống đồng trên cơ sở ứng dụng mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động, kỹ thuật cơ học sân khấu, âm thanh, ánh sáng, trình chiếu vi-đê-ô... tạo nên một bức tranh đa sắc mầu, giàu giá trị nghệ thuật.
Ở chương một, người xem đặc biệt ấn tượng với trường đoạn Hồn thiêng sông núi khi tác giả dàn dựng thành màn trình tường của nghệ thuật tuồng với sự xuất hiện của 12 vị tướng quân tượng trưng hồn thiêng sông núi hiển hiện trong tiếng trống hào hùng; hay ở trường đoạn Gọi tên quê hương, tác giả đã khéo léo vận dụng nghệ thuật diễn kể và nói lối của chèo truyền thống để dàn dựng cảnh thầy đồ dạy học trò, từ đó lý giải và khẳng định gốc gác tên gọi Thanh Hóa. Ở chương hai, trường đoạn Bài ca giữ nước tạo dấu ấn bởi đại cảnh sân khấu tuồng được dàn dựng hoành tráng kết hợp võ thuật trên nền trống trận với múa cờ, kiếm, long đao, giáo, côn lửa, trống đồng. Chương ba mang lại nhiều cảm xúc với trường đoạn Khát vọng hòa bình và cũng là đại cảnh khép lại chương trình với dàn hợp xướng thể hiện những ca khúc hay nhất về Thanh Hóa kết hợp màn múa của các diễn viên, chở ước mơ, hy vọng về sự trỗi dậy mạnh mẽ... 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo được sử dụng ba lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tương đương số năm kỷ niệm cũng là điểm nhấn tạo độ rực rỡ, hoành tráng và bất ngờ cho người xem...