Vở diễn “Mê Đê” được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng theo phương thức đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dựa trên nguyên tác của nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại lừng danh Ơ-ri-pít.
Dưới “bàn tay” dụng công của dàn tác giả chuyển ngữ, kịch bản và đạo diễn gạo cội (Dịch giả Hoàng Hữu Đản; Kịch bản cải lương Lê Chức-Triệu Trung Kiên; Đạo diễn NSƯT Lê Chức; Âm nhạc NSND Trọng Đài; Thiết kế mỹ thuật NSƯT Doãn Bằng; Biên đạo múa Thành Trung), câu chuyện kịch xoay quanh hình tượng trung tâm là nàng Mê-Đê, con gái cưng của Vua Pelias - nhân vật chính của vở kịch - thiếu nữ lụy tình luyến ái đến mức từ bỏ cả danh phận quý tộc hoàng gia cao quý của mình, tự nguyện phản bội lợi ích và truyền thống của dòng tộc, thậm chí giết cả em trai mình để giúp người tình (chàng Ja-đông, người được giao nhiệm vụ quyến rũ Mê-Đê để tìm cơ hội trả thù cho Vua cha).
Vở diễn bắt đầu từ việc sau khi lấy được “bộ lông cừu vàng” - biểu tượng của niềm tin và sức mạnh ở Vương quốc do Vua Pelias trị vì, đem tới địa danh Iolcos để giúp Ja-đông trả thù Vua Pelias. Nàng công chúa Mê-Đê phải cùng chồng (chàng Ja-đông) và hai con trai tháo chạy đến Vương quốc Cô-ranh để ẩn thân.
Tại đây, hai người chung sống rất hạnh phúc; nhưng sau đó Ja-đông vì muốn khôi phục địa vị của bản thân, đã phản bội, ruồng bỏ người vợ bao năm “đầu gối tay ấp” để lấy một nàng công chúa con Vua Crê-ông (trị vì Vương quốc Cô-ranh). Để bảo vệ bản thân và con gái, Vua Crê-ông quyết định đuổi mẹ con Mê-Đê ra khỏi xứ sở của mình.
Nhưng chỉ trong vòng một ngày ở lại (nhờ ân sủng của Vua Crê-ông), xuất phát từ “năng lượng phản kháng” tích tụ qua nỗi đau khổ do bị phản bội và lòng thù hận quá lớn, nàng Mê-Đê đã hành động tạo nên tấn bi kịch khiến ngàn đời sau nhân loại còn kinh sợ! Nàng Mê-Đê quyết tâm trả thù với toàn bộ sức lực và tinh thần của mình, khiến Đức Vua Crê-ông cùng công chúa (ái nữ được cưng chiều bậc nhất) trúng độc mà chết.
Không những thế, Mê-Đê còn tự tay đâm chết hai con đẻ của mình, để kết thúc những khổ đau tột cùng...
Một câu chuyện được viết cách đây 2.600 năm (thời đế chế Hy Lạp cổ đại) nhưng vẫn gần gũi và còn nguyên giá trị thời đại (về sự tử tế, ngọn lửa trả thù và “nhân tình thế thái”) với công chúng Việt Nam hôm nay.
Từ “Mê Đê”, có thể liên tưởng ngay đến truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy mà “trái tim lầm chỗ để trên đầu” dẫn đến mất nước! Đó là bài học xương máu về “tình yêu mù quáng, sự phản bội, lòng tham, sự ích kỷ, ghen tuông, thù hận...”, lâu nay vẫn luôn là nguồn cơn dẫn đến những bi kịch của nhân loại.
Bi kịch kinh điển nàng Mê-Đê kể từ khi ra đời đã được các quốc gia trên thế giới dàn dựng nhiều lần suốt hàng nghìn năm qua, với nhiều dạng thức, loại hình sân khấu khác nhau. Song, đây là lần đầu tiên “Mê Đê” được dàn dựng và thể hiện bằng ngôn ngữ Cải lương trên sân khấu Việt Nam.
NSƯT Lê Chức cho biết: “Vở diễn được dàn dựng theo hướng tôn trọng gần như tuyệt đối tính nguyên bản của tác phẩm”. Đây cũng là cách dàn dựng phù hợp nhất đối với tác phẩm được tôn vinh là một trong 100 tác phẩm kịch kinh điển của mọi thời đại.
Vẫn luôn gắn bó và đồng hành cùng sân khấu Việt, nhưng hơn 20 năm qua, khán giả mới gặp lại NSƯT Lê Chức ở vai trò đạo diễn. Sự trở lại lần này của ông cùng “Mê Đê” khiến không ít khán giả bất ngờ ở những mảng, miếng sân khấu được xử lý chắc tay và tinh tế.
Xem vở diễn, người ta vẫn bắt gặp sự xuất hiện của dàn đồng ca (y như trong các vở kịch Hy Lạp cổ đại; tương tự như dàn đế trong sân khấu chèo Việt Nam), nhưng ở đây, yếu tố tĩnh tại truyền thống đã bị phá vỡ khi dàn đồng ca còn trực tiếp tham gia vào các tình huống kịch, trở thành nhiều “phiên bản Mê-Đê” dẫn dắt các hành động-xung đột kịch tính; từ đó khắc họa sâu hơn và làm thăng hoa hơn những diễn biến nội tâm nhân vật.
Tập trung khai thác diễn xuất nhân vật nên vở diễn được đặt trong không gian thoáng đãng với thiết kế tối giản gồm những dải lụa cùng cột trụ, bục đá trắng. Sự xuất hiện của ánh trăng và “Ngôi sao Thiên mệnh” cùng sự biến hóa của những dải lụa trên sân khấu đã góp phần tạo hiệu ứng thị giác và làm sâu sắc hơn những tình tiết của vở diễn.
Góp phần mang đến thành công của vở diễn không thể không nói đến những diễn viên tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam, nhất là nghệ sĩ Như Quỳnh (vai nàng Mê-Đê) với giọng ca chắc khỏe cùng lối diễn có chiều sâu, giàu nội lực.
Bên cạnh đó là sự “vào” vai khá “ngọt” của các nghệ sĩ: Minh Hải (Ja-đông), Xuân Thông (Vua Crê-ông), Thu Hiền (công chúa), Đức Hảo (Vua xứ A-ten)... Ngay sau đêm ra mắt tối 12/4 (tại Rạp Kim Mã), Mê Đê tiếp tục được công diễn để ủng hộ Đoàn thể thao khuyết tật tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 tại Campuchia.