Tái diễn tình trạng chặt phá rừng thông tại nhiều địa phương

Thời gian gần đây, liên tục tái diễn tình trạng chặt phá rừng thông tại nhiều địa phương với tính chất nghiêm trọng và có dấu hiệu tội phạm hình sự. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhưng tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra yêu cầu cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường rừng thông bị cưa hạ trái phép tại Tiểu khu 144B, địa bàn Phường 8, thành phố Đà Lạt.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường rừng thông bị cưa hạ trái phép tại Tiểu khu 144B, địa bàn Phường 8, thành phố Đà Lạt.

Hiện nay, nạn chặt phá rừng vẫn đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng và chưa có điểm dừng. Các cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn một cách triệt để tình trạng phá rừng. Tình trạng này đang ngày càng có dấu hiệu trắng trợn và nguy hiểm hơn.

Vừa qua, cơ quan chức năng huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) khám nghiệm hiện trường vụ triệt hạ hàng trăm cây thông thuộc lô 14, 16, khoảnh 4, tiểu khu 264 (Mê Linh, Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. Tại hiện trường, hàng loạt cây thông bị cưa hạ nằm ngổn ngang dưới đất. Qua kiểm đếm ban đầu của cơ quan chức năng, tổng diện tích rừng bị phá là 1.372 m2 với 143 cây thông 3 lá bị cưa hạ, tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 16,879 m3; đối tượng rừng sản xuất là rừng trồng (năm 1997).

Tương tự, một vụ phá rừng diễn ra tại lô 1, khoảnh 3, tiểu khu 343B thuộc địa phận xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ngày 28/2, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, đơn vị chủ rừng phát hiện một số cá nhân có địa chỉ tại thôn 6, xã Quỳnh Tân tự ý xâm phạm vị trí kể trên để khai thác rừng trồng thông, keo với mục đích lấn chiếm đất.

Nguồn gốc là rừng sản xuất, được đầu tư từ ngân sách nhà nước thuộc Dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng, triển khai từ năm 2000. Sau khi ngang nhiên xâm phạm lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, các đối tượng đã dùng dụng cụ tiến hành đào bới, chặt hạ, cắt khúc cây thông nhựa rồi bốc xếp, đưa lên xe đi tiêu thụ.

Thời điểm phát hiện ghi nhận 1,31 ha diện tích bị khai thác, khối lượng gỗ thông 5,832 m3 với tổng số 181 gốc đã bị cắt. Trong số này có 3,572 m3 đã được bốc xếp lên xe ô-tô, số còn lại nằm rải rác tại hiện trường, qua kiểm đếm cụ thể ghi nhận 7,47 m3 bị khai thác.

Nạn chặt phá rừng còn có sự tham gia, cấu kết của một số cán bộ kiểm lâm với lâm tặc chuyên chặt phá cây rừng.

Hiện diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng giảm, trong đó có rừng thông. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là do người dân chưa có nhận thức đúng đắn về quy hoạch đất rừng hợp lý, người dân sống ở khu vực chung quanh vẫn có thói quen lên rừng chặt cây làm nhà, bán gỗ, đốn củi một cách thiếu ý thức.

Không chỉ vậy, nạn chặt phá rừng còn có sự tham gia, cấu kết của một số cán bộ kiểm lâm với lâm tặc chuyên chặt phá cây rừng. Tình trạng chặt phá rừng chủ yếu là rừng tự nhiên, trong khi nhu cầu, thói quen về sử dụng gỗ rừng tự nhiên tại một bộ phận dân cư chưa thay đổi, nguồn gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu có xu thế giảm; khai thác gỗ bất hợp pháp trở nên "siêu lợi nhuận".

Bên cạnh đó, sức ép về phát triển kinh tế, xã hội, nhất là nhu cầu đất để trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp có giá trị kinh tế ngày càng cao. Tại những nơi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật đều cho thấy còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm; các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, việc xử lý người có hành vi vi phạm và người có trách nhiệm quản lý thiếu nghiêm túc.

Theo báo cáo mới nhất của chương trình lương thực thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai, nhất là tình trạng mưa bão và lũ quét, lũ lụt. Việt Nam là đất nước có nhiều đồi núi nhưng hiện nay lại không thể làm tăng được mầu xanh của rừng, mà số lượng còn có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng.

Chính vì thế nước ta thường xuyên phải chịu những cơn lũ đầu nguồn, lũ quét và tình trạng sạt lở đất. Nạn chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn những năm gần đây khiến cho Việt Nam liên tục phải gánh chịu các trận lũ lụt, phá hủy hàng nghìn héc-ta nông sản của bà con nông dân và thiệt hại cả về tính mạng con người. Không giống các loại cây rừng khác, cây thông vừa có giá trị kinh tế, vừa mang giá trị cảnh quan và môi trường.

Cây mọc thẳng, tán rộng, mầu xanh tươi, rễ chắc, ít bị sâu bệnh, phát triển tốt, khả năng chống chịu gió bão, lửa rừng và giữ đất rất tốt; tuổi thọ sinh lý của cây đến gần trăm năm. Chính bởi vậy cây thông có thể tạo nên cảnh quan đẹp cũng như có thể tác động tích cực, lâu dài đến môi trường. Từ những ưu thế này, không ít quốc gia chọn cây thông để phát triển các cánh rừng sinh thái, cảnh quan, tạo thành những "vành đai sinh thái xanh".

Ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để rừng được bảo vệ tốt hơn, trong đó có rừng thông, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương, người dân trong công tác tuyên truyền; chủ động nắm chắc tình hình và phối hợp cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương để lập kế hoạch kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi, đối tượng vi phạm; ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, như tiếp tục đầu tư flycam, camera gắn bìa rừng, ven rừng, sử dụng ảnh viễn thám trong hoạt động kiểm tra, theo dõi biến động tài nguyên rừng…; đồng thời tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động của lực lượng kiểm lâm; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm.

Đối với hành vi phá rừng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể căn cứ Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp để xử lý. Nếu đủ yếu tố xử lý hình sự thì có thể căn cứ Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức phạt tù cao nhất cho hành vi hủy hoại rừng có thể lên đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng; pháp nhân thương mại phạm tội bị phạt đến 7 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến 3 năm…

Luật sư NGUYỄN VĂN TUẤN, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)