Nghịch lý phá rừng để… trồng rừng

Những năm qua, phong trào trồng rừng mới phát triển mạnh ở Bắc Kạn. Hoạt động này giúp xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú, nên thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, quỹ đất trồng cơ bản đã được phủ kín lại dẫn tới một hiện tượng éo le: phá rừng tự nhiên trái phép để… trồng rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trường vụ phá rừng tự nhiên xảy ra tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn trong tháng 4/2023.
Hiện trường vụ phá rừng tự nhiên xảy ra tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn trong tháng 4/2023.

Tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 417.539ha, trong đó có 27.593ha rừng đặc dụng, 83.465ha rừng phòng hộ và 306.481ha rừng sản xuất. Đất lâm nghiệp chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên của Bắc Kạn. Đến cuối năm 2022, tổng diện tích đất có rừng là hơn 356.475ha.

Giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm Bắc Kạn trồng mới 10.000ha rừng. Từ năm 2020 đến nay, con số này ước đạt 5.000ha. Hiện tại, diện tích rừng trồng của tỉnh đã có hơn 101.247ha. Phần lớn các khu vực này được quy hoạch là rừng sản xuất, và những nơi đủ điều kiện để trồng rừng cũng đã phủ kín cây xanh.

Việc trồng rừng mới phần lớn là triển khai trồng lại sau khai thác và trồng phân tán. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc trồng rừng sản xuất rất lớn, mà quỹ đất để trồng rừng không còn, hiện tượng phát, phá rừng tự nhiên (vốn đã được cấp sổ đỏ cho người dân hoặc giao cấp xã quản lý) để trồng rừng mới đã diễn biến phức tạp.

Ngày 15/2, Tổ tuần tra của UBND xã Hoàng Trĩ (Ba Bể) tiến hành kiểm tra khu vực rừng Khuổi Bốc, giáp ranh với thôn Phiêng Đén, xã Tân Lập và thôn Lũng Noong, xã Nam Cường (Chợ Đồn). Tổ đã phát hiện người dân xã Nam Cường lấn chiếm, phát, phá rừng để trồng cây lâm nghiệp với diện tích 6,7ha, thuộc quyền quản lý của UBND xã Hoàng Trĩ.

Ngày 20/3, cán bộ chuyên môn, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn của hai xã Nam Cường và Hoàng Trĩ tiến hành kiểm tra tại khu vực rừng Lũng Noong, xã Nam Cường, (Chợ Đồn) tiếp tục phát hiện thêm hai lô đất rừng sản xuất bị phát mới với diện tích khoảng 1,4ha. Điều đáng nói là các đối tượng phát, phá rừng trái phép đều là những người dân sinh sống lân cận với mục đích trồng rừng làm kinh tế.

Khi tổng kết thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Bắc Kạn đánh giá: Các vụ phá rừng tập trung vào diện tích rừng tự nhiên có trữ lượng thấp hoặc rừng chưa có trữ lượng để lấy đất trồng rừng và trồng cây nông nghiệp khác vẫn còn ở mức cao, diễn biến phức tạp. Điều này khiến Bắc Kạn thường xuyên nằm trong nhóm các tỉnh có số vụ phá rừng cao trong cả nước, dù diện tích bị thiệt hại không lớn. Người dân phát, phá thủ công ở nhiều diện tích nhỏ, trung bình khoảng vài nghìn m2.

Tháng 12/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông Hoàng Phúc Thành, thôn Bản Lù, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới vì hành vi phá rừng tự nhiên ở Bản Lù trái phép, với diện tích bị thiệt hại là 3.809m2. Ông Thành bị phạt tiền hơn 137 triệu đồng, là số tiền rất lớn so đời sống của người dân ở Tân Sơn - xã nghèo, khó khăn bậc nhất của huyện Chợ Mới. Tang vật tịch thu là một cưa xăng và một con dao phát.

Bắc Kạn có rất nhiều vụ việc có tính chất, mức độ tương tự như vụ việc trên. Người dân bị phạt vì vi phạm, song cơ quan nhà nước cũng không thu được tiền phạt do người dân quá khó khăn. Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, từ năm 2017-2022, Bắc Kạn đã phát hiện và xử lý 2.983 vụ vi phạm (bình quân 497 vụ/năm), so giai đoạn năm 2011-2016 (bình quân là 650 vụ/năm) đã giảm 153 vụ/năm. Với 14 chuyên án đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng Công an đã thụ lý, điều tra, xử lý 184 vụ án về các tội: Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; hủy hoại rừng. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính 117 vụ (giảm 113 vụ so giai đoạn 2011-2016). Mặc dù số vụ việc vẫn còn cao nhưng tính chất, mức độ của các vụ việc đã giảm dần.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là việc chính sách và nguồn lực hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên trong giai đoạn đóng cửa rừng hiện nay chưa phù hợp, kịp thời; chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân, chủ rừng. Một số hộ gia đình người dân sống gần rừng thiếu đất sản xuất, canh tác, chưa có nhiều hoạt động sinh kế từ rừng, hưởng lợi từ hoạt động bảo vệ rừng còn thấp, nên đã gây áp lực xâm hại đến rừng tự nhiên.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, tỉnh đã giao khoán bảo vệ hơn 58.645ha rừng phòng hộ, hơn 16.638ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, tỉnh mới chỉ bố trí được kinh phí để chi trả tiền giao khoán bảo vệ đối với diện tích chuyển tiếp thuộc các xã khu vực I (hơn 7.948ha). Những diện tích giao khoán các xã khu vực II, khu vực III vẫn bế tắc về kinh phí.

Trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước đang đóng cửa rừng tự nhiên, người dân được giao đất có rừng tự nhiên, nhưng chỉ được khai thác, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, cho nên thu nhập của người dân sống gần rừng thấp. Kinh phí khoán từ nguồn của Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, nhưng hiện tại chương trình này đã kết thúc và vẫn đang chờ chương trình giai đoạn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số có hợp phần dành cho khoán bảo vệ rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện chương trình này chưa triển khai cụ thể nên cũng chưa có kinh phí. Để khoán bảo vệ hết toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, Bắc Kạn cần đến khoảng 100 tỷ đồng/năm. Một con số rất lớn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, mức khoán bảo vệ hiện tại không tương xứng với công sức người dân và thời giá. Người dân sống gần rừng, giữ rừng, nhưng lại chưa được hưởng lợi từ rừng, dẫn tới mâu thuẫn giữa việc phát triển kinh tế với mục tiêu giữ rừng tự nhiên. Do vậy, tỉnh kiến nghị Trung ương cần nghiên cứu xây dựng chính sách khoán bảo vệ phải tương xứng để người dân yên tâm giữ rừng; đồng thời có quy định cụ thể phân loại rõ ràng những diện tích rừng nào được phép cải tạo, trồng bổ sung để người dân có cơ hội làm giàu từ rừng, từ đó phát triển kinh tế.