Tài chính và quản trị cho chuyển dịch năng lượng công bằng

NDO - Chiều 29/7, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng”.
0:00 / 0:00
0:00
Toạ đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng”.
Toạ đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng”.

Những kết quả bước đầu trong của quá trình chuyển dịch năng lượng thời gian qua đã chứng minh một điều rằng, tài chính không phải là một yếu tố cản trở chuyển đổi năng lượng công bằng.Các giải pháp về quản trị mới chính là yếu tố then chốt cho chuyển dịch năng lượng công bằng.

Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, ngừng đầu tư sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai điện sạch và loại bỏ điện than vào những năm 2040. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, khi vừa thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, vừa bảo đảm đạt mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế.

Tọa đàm tập trung vào vấn đề tài chính cho phát triển trong chuyển dịch năng lượng công bằng, với thảo luận chuyên sâu về bối cảnh rộng hơn của tài chính cho phát triển, vai trò của tài chính trong nước và quốc tế, bài học kinh nghiệm quốc tế và những đổi mới chính sách trong nước có thể hỗ trợ chuyển dịch năng lượng công bằng. Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trình bày những khuyến nghị chính sách giúp thu hút nguồn tài chính cần thiết cho chuyển dịch năng lượng, bài học từ kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á và vai trò của các ngân hàng phát triển xanh trong việc thúc đẩy hành động vì khí hậu.

Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng, đã có bài trình bày: “Cơ hội và thách thức đối với phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam theo hướng quản trị và phát triển bền vững theo thông lệ ESG”, tiếp theo là phần trình bày: “Tài chính cho chuyển dịch năng lượng: Vai trò của các ngân hàng phát triển xanh trong việc thúc đẩy hành động vì khí hậu - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” của đồng diễn giả Tiến sĩ Thomas Marois và Giáo sư Uli Volz của Trường SOAS, Đại học London.

Phiên thảo luận tiếp theo tập trung vào chính sách thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào chuyển dịch năng lượng công bằng. Tài chính là yếu tố quan trọng trong việc đạt được chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong đó, khả năng sinh lời và khả năng dự báo là những yếu tố then chốt trong tài chính. Thiếu 2 yếu tố này sẽ hạn chế nguồn tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo chứ không phải ngược lại.

Một số vấn đề về quản trị như thị trường minh bạch, cạnh tranh, thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, môi trường pháp lý, quy định về xây dựng, truyền tải và phân phối cho các nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng trong huy động tài chính. Khi các công cụ tăng tốc quản trị được đưa ra, tài chính sẽ đến từ đầu tư công thông qua thuế, phát hành trái phiếu trong nước; nguồn tài chính tư nhân quốc tế; nguồn tài chính từ khu vực tư nhân trong nước.

Kinh nghiệm các nước cho thấy phần lớn nguồn vốn cần thiết sẽ đến từ các nguồn trong nước, các ngân hàng phát triển nội địa có thể cung cấp tài chính trong nước dài hạn cho các dự án phức tạp và chậm tiến độ. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong ba thập kỷ tới khi giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng chuyển đổi từ điện than sang điện từ năng lượng mặt trời, gió và các hệ thống tái tạo khác. Để năng lượng tái tạo cân bằng cacbon, nhu cầu điện có thể tăng gấp 5 lần vào năm 2050.

Trong bối cảnh Việt Nam vừa thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, vừa bảo đảm đất nước đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, quản trị và tài chính là giải pháp mang lại hiệu quả cho chuyển dịch năng lượng công bằng. Tọa đàm lần này là sự kiện đầu tiên trong một chuỗi hội thảo, hội nghị bàn tròn mà UNDP dự định tổ chức cùng với Chính phủ Việt Nam, để chia sẻ các lựa chọn chính sách trong quá trình thúc đẩy phát triển sâu rộng hệ thống tài chính.

Cuộc tọa đàm này cũng sẽ đóng vai trò là xúc tác quan trọng để các đại biểu trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ, đóng góp những ý tưởng thúc đẩy việc tìm kiếm một mô hình tối ưu cho Việt Nam cũng như cho các nước đang phát triển có trình độ tương đồng về huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng công bằng nói riêng và mục tiêu bao trùm về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu nói chung trong thời gian tới. Đồng thời, với quy mô đầu tư cần thiết và cam kết của Chính phủ trong việc duy trì cân bằng tài khóa và ổn định kinh tế vĩ mô, rõ ràng phần lớn vốn cần thiết sẽ đến từ các nguồn trong nước.