Trong năm 2018, Báo Nhân Dân điện tử có loạt bài phản ảnh hoạt động đưa rước khách sai vị trí tại bến phà Hai Hạt (Những chuyện xem thường pháp luật ở Cà Mau). Từ phản ảnh của báo, chính quyền huyện Đông Hải phối hợp các cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh Bạc Liêu tiến hành cưỡng chế, thực hiện rào chắn tại vị trí bến tự phát (ngày 1-11-2018).
Việc cưỡng chế nhằm buộc ông Nguyễn Văn Út (chủ bến phà ở ấp Thuận Lợi, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) di dời bến đối lưu đến vị trí được quy hoạch tại Quyết định số 1486/QĐ-UBND ngày 21-8-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, về phê duyệt quy hoạch vị trí bến khách ngang sông Gành Hào (huyện Đông Hải), đồng thời buộc ông Út thực hiện chia cữ hoạt động 15 ngày/1 tháng đúng với vị trí bến đối lưu (bến Mười Chì-PV) đã được cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cấp phép.
Động thái cứng rắn của chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã nhận được sự ủng hộ và đồng tỉnh của đông đảo người dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, thời gian gần đây, hoạt động đưa rước khách ngang sông không đúng vị trí quy hoạch của ông Nguyễn Văn Út đã tái diễn và tình hình diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Đây cũng là lần thứ hai ông Út và gia đình tổ chức phá dỡ việc rào chắn của cơ quan chức năng.
Cụ thể, tại vị trí bến tự phát bị cơ quan chức năng cưỡng chế và cắm cọc rào chắn vào đầu tháng 11-2018, ông Út và người nhà tự ý phá hủy các cọc sắt, cọc bê-tông và cho phương tiện đưa rước khách trở lại. Phát hiện vụ việc bất thường nêu trên, tối 17-7-2020, ông Đặng Hoàng Thoại (ngụ ấp Thuận Lợi A, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) đã trình báo chính quyền và cơ quan chức năng, đồng thời dùng điện thoại cá nhân của mình để ghi hình lại cảnh gia đình ông Út phá hủy tài sản của Nhà nước để cung cấp cho cơ quan chức năng. Phát hiện có người ghi hình, ông Út và người nhà đã hành hung và đánh ông Thoại. Theo trình báo của người bị hại, ngoài bị nhiều vết thương trên người phải nhập viện điều trị dài ngày, ông Thoại còn bị hỏng chiếc điện thoại đắt tiền và bị mất chiếc đồng hồ đeo tay (hiệu ROLEX).
Sau khi phá hủy các rào chắn, ông Út tái diễn hoạt động đưa rước khách ngang sông Gành Hào mà không thực hiện đưa khách đối lưu đúng vị trí bến đã được cấp phép. Vụ việc vi phạm của ông Út chưa bị “sờ gáy” thì trưa 16-8-2020, quá trình lùi phà, một hành khách trên phà của ông Út bất ngờ té xuống sông và chìm luôn chiếc xe máy. Tuy nhiên, theo trình báo của người dân, ông Út và người nhà đã bỏ mặc và không hỗ trợ trục vớt người và phương tiện.
Ngoài những sự vụ vừa nêu, vào chiều 21-8 vừa qua, quá trình đưa khách ngang sông, phà của ông Út còn để xảy ra va chạm với một chiếc phà ở bến gần đó. Chủ phà bị va chạm là ông Đặng Ô Rê và ông Phạm Chí Công (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) trình báo vụ việc đến công an và chính quyền xã An Phúc (huyện Đông Hải).
Tiếp nhận trình báo của người dân, ngày 22-8 vừa qua, công an xã phối hợp Cảnh sát giao thông Công an huyện Đông Hải tiến hành mời các bên liên quan đến làm việc và dựng lại hiện trường vụ va chạm. “Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, phía ông Ô Rê và ông Công đã điều động phà đến vị trí va chạm. Tuy nhiên, phía ông Út thì bất hợp tác, khiến việc xử lý vi phạm đối với ông Út gần như bế tắc” - Chủ tịch UBND xã An Phúc Bùi Chí Nguyện thông tin và cho biết: Các vụ việc vi phạm của ông Út thời gian gần đây đã được UBND xã lập biên bản bước đầu và chuyển toàn bộ hồ sơ về UBND huyện thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Liên quan đến bến phà tự phát ở Hai Hạt, trước đó vào ngày 22-5-2020, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu tổ chức đối thoại với ông Nguyễn Văn Út về việc ông Út khiếu nại quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND huyện Đông Hải. Theo UBND huyện Đông Hải, bến phà Hai Hạt không nằm trong quy hoạch bến khách ngang kênh xáng tại vị trí đập Mười Chì, nên thời điểm ông Út xây dựng bến phía bờ xã An Phúc, chính quyền xã đã lập biên bản, buộc dừng thi công. Ông Út không chấp hành nên năm 2018, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải quyết định cưỡng chế bến phà Hai Hạt xây dựng trái phép tại xã An Phúc. Tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Minh Ứng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, cũng khẳng định: Việc cưỡng chế bến phà Hai Hạt tại xã An Phúc của UBND huyện là cần thiết, chính xác.
Từ những phản ảnh của người dân, chính quyền và cơ quan chức năng huyện Đông Hải cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử lý các hành vi sai phạm có liên quan, tránh để vụ việc ngày thêm phức tạp, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự tại địa phương và tạo nên dư luận không tốt trong xã hội, quần chúng, nhân dân. Trong một xã hội sống và làm việc theo pháp luật, không ai chấp nhận những việc làm xem thường pháp luật?
Liên quan đến vụ việc trên, Báo Nhân Dân điện tử sẽ tiếp tục thông tin khi nhận được phản hồi từ chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu.