Tái chế không thể giúp thế giới thoát khỏi khủng hoảng nhựa

NDO -

Ngày 3/12, các chuyên gia cho biết, tái chế sẽ không thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu và họ kêu gọi các công ty giảm sản xuất nhựa và chuyển nhiều sản phẩm hơn sang bao bì có thể tái sử dụng.

Thu gom chai nhựa để tái chế tại bãi rác nằm ở ngoại ô Agartala, thủ phủ của bang Tripura, đông bắc Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Thu gom chai nhựa để tái chế tại bãi rác nằm ở ngoại ô Agartala, thủ phủ của bang Tripura, đông bắc Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Loại bỏ nhựa sử dụng một lần và hướng tới các hệ thống cho phép tái sử dụng là một trong những giải pháp mà các chuyên gia tin rằng có thể giảm bớt vấn nạn này, nhưng một điều cần thiết nữa là thay đổi căn bản đối với hệ thống sản xuất.

Phát biểu trong một hội thảo, ông Rob Kaplan, Giám đốc điều hành của Circulate Capital, công ty đầu tư vào các thị trường mới nổi, cho biết: “Chúng ta sẽ không thể chỉ tái chế hoặc giảm thiểu sử dụng nhựa. Đó là vấn đề của cả hệ thống và cần phải kết hợp các giải pháp thượng nguồn và hạ nguồn".

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, thế giới có khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Nhưng chưa đến 10% tổng số nhựa này được tái chế, nguyên nhân chủ yếu là do việc thu gom và phân loại quá tốn kém. Phần lớn rác thải nhựa còn lại bị đổ hoặc chôn trong bãi chôn lấp hoặc đốt cháy.

Vào tháng 10, Reuters cho biết, các công ty hàng tiêu dùng lớn như Unilever, Coca-Cola và Nestle đã bắt đầu đầu tư vào các dự án đốt chất thải nhựa làm nhiên liệu trong lò nung xi măng.

Trong khi đó, sản lượng nhựa được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Nhiều chuyên gia cho rằng, sản lượng nhựa quá mức này là nguyên nhân dẫn đến số lượng rác thải khổng lồ mà hành tinh đang phải đối mặt.

"Tái chế không thể cạnh tranh được với sản xuất thừa", ông Von Hernandez điều phối viên của chiến dịch Giải phóng khỏi nhựa, một liên minh toàn cầu kêu gọi chấm dứt ô nhiễm nhựa, cho biết.

"Vì vậy, những gì chúng ta cần là giới hạn trong sản xuất nhựa nguyên sinh", ông nói khi phát biểu cùng với ông Kaplan trong hội thảo.

Mặc dù không có cơ quan quản lý hoặc hiệp ước toàn cầu nào cho ngành nhựa, các diễn giả của hội thảo cho biết, người tiêu dùng cá nhân có thể giúp thúc đẩy những thay đổi cần thiết trong hành vi của doanh nghiệp và quy trách nhiệm cho các công ty thông qua vòng đời của các sản phẩm nhựa và nơi chúng kết thúc.

Ông Hernandez nói: “Người dân và người tiêu dùng có thể buộc các công ty này tiết lộ số liệu về nhựa và khí thải carbon toàn cầu của họ, giảm lượng nhựa mà họ đang sản xuất và phân phối ra thị trường, đồng thời cải tổ hệ thống phân phối của họ".