Tôi không hiểu vì sao các nhà biên kịch, các đạo diễn hay các diễn viên "bắt" các nhân vật khóc nhiều thế? Tôi không hiểu các nhân vật của chúng ta có mắc căn bệnh của cô Tấm trong chuyện cổ tích không, cứ hơi gặp chút khó khăn là khóc. Vả lại, phim truyền hình của chúng ta phần lớn là phim hiện thực, chứ ít có phim cổ tích mà sao các nhân vật lại dễ khóc đến vậy?
Tôi nói điều này để phân tích một điều, vì sao khán giả không thích nước mắt? Cuộc sống hôm nay do áp lực công việc, áp lực đời thường, áp lực sức khỏe và các mối quan hệ phức tạp khiến khán giả không muốn thấy nước mắt nữa. Và một điều các nhà làm phim nên chú ý, diễn viên của chúng ta không như diễn viên Hàn Quốc, diễn khóc cũng không bằng, thật không nên bắt chước.
Ngược lại, khán giả thích những nhân vật mạnh mẽ, có quyết tâm, có nghị lực vượt khó khăn, vượt lên nỗi đau để đương đầu với mọi thử thách. Vì cuộc sống là một chuỗi những ngày khó khăn vất vả nên khán giả cần có những con người có sức vươn lên để truyền cho họ nghị lực và niềm tin vào hiện tại và tương lai. Ngày trước, phim Trên từng cây số hay 17 khoảnh khắc mùa xuân của Nga được khán giả nín thở theo dõi hằng ngày vì họ cảm nhận trí thông minh, lòng dũng cảm của các chiến sĩ tình báo. Hay phim Ô-sin (Oshin) của Nhật Bản sở dĩ thu hút đông người xem bởi các tác giả đã xây dựng nên hình ảnh người phụ nữ từ nghèo khó, phải đi ở, vươn lên thành bà chủ. Ô-sin là biểu tượng đi lên của nước Nhật. Song có thể do tầm nhận thức của khán giả hay do các diễn viên đóng Ô-sin thời đi ở đạt hơn chăng nên danh từ riêng Ô-sin của Nhật Bản đã trở thành danh từ chung cho những người Việt giúp việc ở thời đại ngày nay? Dù nói thế nào đi chăng nữa, đa số các phim được khán giả yêu thích đều xây dựng được những nhân vật đầy nghị lực. Nhìn sang các phim truyền hình Hàn Quốc, có thể kể ra Ước mơ vươn tới một ngôi sao, Anh em nhà bác sĩ, Nàng Dae Chang Kum hoặc với phim Trung Quốc, có thể kể các phim như Bằng chứng thép, Ðại nghiệp kiến quốc...
Nhiều bộ phim truyền hình của ta có quá nhiều cảnh bạo lực. Nói điều này có thể có nhiều người không đồng tình, song thực tế, tôi nói chuyện với nhiều nhà làm phim của Nga, của Pháp hoặc của Hàn Quốc về phim truyền hình Việt Nam, họ đều nói một ý chung là, phim truyền hình của ta khác phim truyền hình của Mỹ là ít có những cảnh rùng rợn... Nhưng phim của ta lại có những yếu tố bạo lực theo kiểu khác.
Trước hết, nói về ánh mắt. Nhiều diễn viên khi diễn nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, đều thể hiện ánh mắt rất "dữ tợn" - những đôi mắt "mang hình viên đạn"...
Thứ hai, nói về ngôn ngữ. Xem phim thấy nhiều tiếng nhiếc móc, tiếng cãi lộn, tiếng quát nạt, tiếng nói bóng gió, tiếng chủ - tớ, tiếng đối đáp xã giao dạo này bị đời thường hóa nhiều quá. Các bạn hãy để ý, cái TV của mỗi gia đình đặt ở vị trí trang trọng trong nhà mình mà đến giờ phim Việt Nam, cứ phát ra những ngôn ngữ như vậy, liệu có nguy hiểm không?
Một điều nữa tôi muốn chia sẻ với các bạn, tại sao trước đây, khán giả nhớ đến những nhân vật như nàng E-xte trong phim Người giàu cũng khóc, nhớ Ô-sin trong phim cùng tên, nhớ nhiều nhân vật khác trong các phim truyền hình của Hàn Quốc, Trung Quốc, còn phim của chúng ta làm cũng khá nhiều nhưng khán giả lại ít nhớ nhân vật nào? Chúng ta ít có nhân vật nào cao thượng, ít có nhân vật nghị lực, ít có nhân vật chân thực, gần gũi với người xem. Ðó là lời trước hết, thuộc về các nhà biên kịch thiếu vốn sống và vốn văn hóa.
Ðiều nữa, đó là về đề tài. Trong xu hướng xã hội hóa, nhiều hãng phim tư nhân tham gia làm phim. Song hầu hết các hãng phim này chỉ quanh quẩn làm lại những phim của nước ngoài, nhất là Hàn Quốc (Tính đến nay có khoảng 20 phim làm lại từ kịch bản nước ngoài). Và nội dung chủ yếu của các phim này thường là tình yêu tay ba với bối cảnh thành phố, bãi biển... Thiết nghĩ, Trung tâm sản xuất phim THVN là nơi có thế mạnh làm các bộ phim về các vấn đề xã hội như tam nông, tham nhũng... Khán giả cần những bộ phim về những người thầm lặng hy sinh nơi biên giới hải đảo, những tấm gương đạo đức cao đẹp như tình mẹ con, tình cảm gia đình, những gương xây dựng cuộc sống mới. Ðó là sở trường của trung tâm. Không nên vì nhu cầu thương mại mà đổi sở trường lấy sở đoản.