Việc sử dụng KPI đồng thời mang lại ba lợi ích cho người lãnh đạo - người giao nhiệm vụ, lẫn người được giao nhiệm vụ. Công cụ này (i) bảo đảm sự công khai, minh bạch giữa người giao việc và người nhận việc; (ii) giúp định hướng trách nhiệm và định lượng được khối lượng công việc để giúp kiểm tra, đối chứng sau này và (iii) tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy các cá nhân ở cùng một vị trí cải thiện hiệu quả hoạt động, từ đó thúc đẩy hoạt động của cả tổ chức. Ba yếu tố này làm tăng hiệu quả, năng suất và hình thành văn hóa làm việc (chuyên nghiệp) tại các cơ quan, tổ chức.
Một cách làm hay nhưng đang khó thực hiện trong khối nhà nước bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trong khi đây là một trong những lãnh vực cần đánh giá kết quả đầu ra hơn bao giờ hết. Khi các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp phải đặt và đeo bám kết quả đầu ra mỗi ngày, mỗi tuần; thì những cơ quan quản lý hay cấp phép (cho họ) lại đủng đỉnh hơn, và ít có các công cụ để đánh giá kết quả.
Một thí dụ điển hình nhất là thủ tục đầu tư, kinh doanh. Một mặt, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang thúc đẩy nhanh các chương trình thông minh, chuyển đổi số; mặt khác, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về dịch vụ của các cơ quan, sở ngành của thành phố lại giảm, từ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ([1]), chỉ số về hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) ([2]).
Hay như loạt vấn đề vẫn ngang nhiên tồn tại từ năm này qua các năm khác tồn đọng tại thành phố. Từ các vấn đề trọng điểm phát triển đô thị như: ngập nước ở TP Hồ Chí Minh vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, dù đã liên tục được đầu tư nhiều nghìn tỷ trong nhiều năm qua; hay tuyến Metro 1 đã lỡ hẹn với người dân thành phố được nhiều năm. Những dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, bất động sản đang đình đốn vì vướng các thủ tục, mà không ít vấn đề trong đó có thể giải quyết trong thẩm quyền của thành phố.
Quả bóng trách nhiệm được chuyền qua chuyền lại. Các cam kết nhất quán để giải quyết vấn đề chưa rõ, và cũng không có biện pháp kỷ luật cụ thể nếu sự việc cứ để đó, không được xúc tiến giải quyết.
Chương trình hành động của người đứng đầu, đặc biệt là trước khi được bổ nhiệm giao nhiệm vụ - mà Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa ban hành thực hiện - là một biện pháp quan trọng. Điều này không chỉ giúp đo lường hiệu quả làm việc và mức độ hoàn thành mục tiêu, mà nó còn tăng sự tương tác giám sát giữa người dân và chính quyền, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa người giao nhiệm và người nhận nhiệm vụ. Đặc biệt là nó sẽ giúp xây dựng nền tảng cho mô hình nhà nước phúc lợi mà TP Hồ Chí Minh nhắm tới, với cách dịch vụ công tiện lợi và nhanh chóng phục vụ cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đề ra chương trình hành động cùa người đứng đầu rõ ràng, công khai, minh bạch và có thể định lượng hiệu quả là một nhiệm vụ không dễ dàng. Thay đổi văn hóa chính trị để chuyển đổi chương trình hành động thành một cam kết giá trị và lâu dài với việc áp dụng các bộ KPI cụ thể để đánh giá hoạt động, khen thưởng - kỷ luật và lựa chọn bổ nhiệm cán bộ lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, "hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân", nếu không có sự khởi đầu thì TP Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ tới, như bao lần vùng đất này đã tiên phong trong cách nghĩ và cách làm.
Chính quyền của dân, do dân và vì dân sẽ luôn phải là một chính quyền phải đặt mục tiêu chất lượng dịch vụ công lên hàng đầu và có trách nhiệm giải trình cho người dân, doanh nghiệp về các kế hoạch, dự án, chính sách của mình - dù có thành công hay thất bại!
******:
([1]) https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/tphcm-no-luc-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-1491867212
([2]) https://thoibaonganhang.vn/sipas-2019-ty-le-nguoi-dan-to-chuc-hai-long-voi-co-quan-hanh-chinh-dat-8445-101922.html