Thúc đẩy hợp tác với các nước châu Âu là một trong ba ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Thủ tướng Keir Starmer. Chính sách đó đã được triển khai quyết liệt với hàng loạt cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa ông Starmer và các nhà lãnh đạo EU thời gian gần đây.
Mới nhậm chức chưa đầy hai tháng, song chuyến công du lần này đánh dấu lần thứ năm tân Thủ tướng Anh gặp người đồng cấp Đức Olaf Scholz và lần thứ ba gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Mặc dù loại trừ khả năng đảo ngược quyết định Brexit, tái gia nhập thị trường chung châu Âu hay liên minh thuế quan EU, song London khẳng định quyết tâm chữa lành mối quan hệ đổ vỡ với EU. Ông Starmer nhấn mạnh, Xứ sở Sương mù đang đứng trước cơ hội “nghìn năm có một” để nối lại sợi dây gắn kết với châu Âu.
Thúc đẩy hợp tác với các nước châu Âu là một trong ba ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Thủ tướng Keir Starmer. Chính sách đó đã được triển khai quyết liệt với hàng loạt cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa ông Starmer và các nhà lãnh đạo EU thời gian gần đây.
Chuyến công du đến Đức và Pháp của ông Keir Starmer đã thành công khi đạt được mục tiêu xây dựng lại lòng tin và thắt chặt hợp tác với hai đối tác quan trọng tại châu Âu. Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Anh cùng người đồng cấp Đức Olaf Scholz nhất trí khởi động cuộc đàm phán về một thỏa thuận song phương bao trùm hàng loạt lĩnh vực quan trọng như thương mại, quốc phòng, khoa học công nghệ, năng lượng...
Thỏa thuận tham vọng này được kỳ vọng sẽ hoàn tất vào cuối năm nay, mở đường cho quá trình Anh xích lại gần hơn với Đức và các nước thành viên EU. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí triển khai kế hoạch hành động chung để giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp, đập tan các băng nhóm buôn người đến hai nước này. Trong khi đó, tại Paris, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, đồng thời tuyên bố mở rộng hơn nữa mối quan hệ thân thiết giữa London và Paris trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, di cư và năng lượng.
Đối với Anh, cài đặt lại quan hệ với EU là bước đi cần thiết. Mặc dù không còn là thành viên của khối, song London có mối liên kết không thể tách rời với Liên minh Cờ xanh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Không chỉ là những cường quốc có tiếng nói quan trọng tại châu Âu, Đức và Pháp còn là đối tác thương mại lớn thứ hai và thứ tư của Anh, khi chiếm lần lượt 8,5% và 6% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Xứ sở Sương mù. Hơn nữa, thực tế cho thấy, Brexit đã kéo theo những hậu quả đáng kể đối với nền kinh tế Anh.
Giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học King’s College London Jonathan Portes cho rằng, ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng nhất của Brexit là tạo ra các rào cản thương mại đáng kể, tác động tiêu cực hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU. Theo Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS), năm 2023, xuất khẩu của nước này sang EU giảm 11,5 tỷ bảng so với năm trước đó. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với hai quốc gia đầu tàu EU sẽ góp phần quan trọng giúp London dỡ bỏ rào cản trong hoạt động giao thương với các đối tác châu Âu.
Bên cạnh đó, hợp tác với các nước thành viên EU cũng là chìa khóa quan trọng để Anh giải quyết dòng người di cư bất hợp pháp. Theo Bộ Nội vụ Anh, số người di cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh qua eo biển Manche trong nửa đầu năm 2024 đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Đây cũng là thách thức chung của Anh và Đức, khi London và Berlin đều đang phải chịu những áp lực gia tăng liên quan biện pháp trấn áp tình trạng di cư bất hợp pháp sau các vụ tấn công bằng dao gây chấn động dư luận hai nước thời gian qua. Thủ tướng Starmer thừa nhận, dòng người di cư bất hợp pháp là vấn đề nhức nhối tại Anh và nước này không thể “đơn thương độc mã” vượt qua thách thức này nếu không kề vai sát cánh bên các đối tác EU.
London có thể sẽ phải đối mặt nhiều rào cản trong nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong quá khứ, đưa quan hệ Anh-EU bước sang giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng, đây là bước đi cần thiết, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên.