Sức xuân ở Đàng Hạ

Xa lắm rồi những năm tháng đói khổ, lẻ loi, biệt lập, xuân 2023 này, sức sống mới đã bừng lên ở Đàng Hạ (Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa). Cộng đồng ở nơi đây nay đã hòa nhập với đời sống văn minh và những gian lao khổ cực thuở nào của thế hệ cha ông họ đã thành một phần ký ức.
0:00 / 0:00
0:00
Nơi sinh sống của người Đàng Hạ đang đổi thay, tiến bộ mỗi ngày.
Nơi sinh sống của người Đàng Hạ đang đổi thay, tiến bộ mỗi ngày.

Thức dậy từ… gốc tích độc đáo

Cả thế kỷ nay, nói đến người dân ở Đàng Hạ là nói đến những bí ẩn về gốc gác hình thành nên ngôi làng này. Cứ ngỡ đời sống lầm lũi mãi kiểu "hái lượm", tự cung, tự cấp, nhưng từng phận người đã biến đổi theo thời gian.

Nhắc về lịch sử làng, hoài niệm cuồn cuộn chảy trong đầu ông Nguyễn Bảy. Ngót 80 tuổi, ông Bảy như cuốn "lịch sử sống" ở Đàng Hạ. Ông bảo rằng, ngay cả người được cử ra quản lý làng hiện nay cũng gọi ông mỗi khi có người muốn biết gốc tích người Đàng Hạ. Trước đây, người Đàng Hạ chỉ biết lên núi đốn củi, đốt than mang đổi lấy lương thực. Khi không đốn được củi thì kiếm củ khoai, củ sắn ăn. Phụ nữ thì canh thủy triều xuống rồi túa ra bờ biển bắt ốc. Nghèo đến mức, có những mùa xuân, món ăn thịnh soạn nhất của họ cũng chỉ là đĩa ốc luộc. Trẻ em thì mấy năm mới được mua một bộ quần áo mới. Ai bị ốm đau chủ yếu chữa bệnh bằng những thứ thuốc lá kiếm được từ rừng. Ngay cả nước sinh hoạt hằng ngày cũng khó khăn, để có nước ngọt, người Đàng Hạ tìm nơi cát mịn, đào xuống khi nào nếm thử, thấy mát lành thì dùng. Người Đàng Hạ đưa ra lý giải nhuốm màu huyền thoại rằng, dòng nước ngọt ấy được phát hiện ra là do ngày xưa Vua Gia Long bị quân Tây Sơn đuổi theo nên lạc vào vùng đất này. Khát nước nên vua cho quân đào lớp cát mỏng lên. Kỳ diệu thay, nước ngọt trong vắt trào ra.

Người Đàng Hạ cũng không rõ ai nghĩ ra câu ca "Sơn Đừng là Sơn Đừng cùi/Đi chợ bằng gùi, đầu đội nón mo" nhưng các thế hệ tiếp nối nhau ở làng luôn khắc ghi. Câu ca ấy đặc tả những gian khó thuở sơ khai của làng.

"Hơn 30 năm trước, chỉ lèo tèo bảy nóc nhà được dựng tạm bốn mùa gió thổi thông thốc. Mãi đến năm 1999 thì được địa phương hỗ trợ làm bảy căn nhà xây. Mình cũng không biết chính xác mình dân tộc gì, người làng cũng thế. Chỉ biết các thế hệ đi trước dặn lại, con trai thì lấy họ Đinh, con gái thì lấy họ Trần. Mãi về sau này làm một số giấy tờ, nhiều người đổi họ nên tôi cũng chuyển sang họ Nguyễn luôn" - ông Bảy cho biết.

Tổ tiên của người Đàng Hạ đến nay vẫn không biết phát tích từ đâu. Người làng truyền kể nhau về một nhóm người xưa kia từ vùng đất xa xôi dạt vào quần tụ. Hoặc cũng có thể là một nhóm người từ Bình Định kéo nhau đến dựng chòi sinh sống mà thành làng.

Vươn đến văn minh

Từ trong bộn bề gian khó, người dân Đàng Hạ bước vào cuộc sống văn minh. Những đôi chân to bè của cánh đàn ông không còn bấu vào núi khi chấm dứt việc đốn củi, đốt than. Những đôi tay cần mần, sạm đen của phụ nữ Đàng Hạ cũng không phải tứa máu khi ráng sức cào xuống cát kiếm con ốc, con còng về ăn nữa.

Nhiều người già ở Đàng Hạ tự tin, xuân 2023 này sự ấm no đã hiện hữu dần y từng ngôi nhà rồi. Điện thắp sáng, nước sạch… đều có đầy đủ. Người dân đã biết ra khơi đánh bắt cá. Người có điều kiện thì triển khai luôn việc nuôi trồng kiểu lồng bè.

Đã qua tuổi lục tuần, chứng kiến bao thăng trầm của làng lại đang được nhân dân bầu chọn đứng ra làm đại diện cộng đồng ở Đàng Hạ, ông Võ Thành Trung chia sẻ: "Chính tôi cũng chẳng biết gốc gác mình. Hiện cả làng có 50 hộ gia đình. Ở đây chúng tôi sống như một đại gia đình, nỗi buồn nhà này cũng là của nhà khác. Không ganh ghét, đố kỵ nhau gì cả. Xuất thân từ đâu, từ vùng đất nào dạt tới đây không còn quan trọng. Trong làng, người khỏe mạnh giúp người yếu. Mùa xuân về thì nhà nọ tìm đến nhà kia thăm hỏi, chúc mừng nhau khi có niềm vui mới, thành quả mới".

Trước đây, tuy ở cạnh biển nhưng người Đàng Hạ vẫn sợ ra khơi, sợ những trận cuồng nộ của đại dương. Nhưng rồi trải qua những tháng năm dài được biển bao bọc, giờ người Đàng Hạ đã tự tin ra khơi. Xem biển là người mẹ thiên nhiên vĩ đại nhất. Sau những ngày bám biển, nhiều trai tráng Đàng Hạ vỡ lẽ ra rằng, tự lúc nào biển đã trở thành một phần ký ức, cho nên đi xa, nhớ xóm, làng cũng nghĩa là nhớ biển. Bởi vậy, người Đàng Hạ quy ước với nhau tuyệt đối không có hành động nào làm ảnh hưởng đến biển. Thấy một cọng rác thải cũng nhặt ngay. Cả những hộ nuôi trồng ven bờ cũng xem việc bảo vệ môi trường biển là lẽ sống của mình.

Quen ở nhà xây từ nhiều năm nay nhưng ông Đinh Văn Trớt vẫn nhớ như in những ngày tháng cũ để nhắc nhở mình không ngừng vươn lên. Nhìn những chiếc ghe lững thững lướt sóng ra biển, ông Trớt tự tin, cứ đà này người Đàng Hạ sẽ ấm no thôi. Xưa sống biệt lập, không muốn học hỏi, không biết đi biển nhưng giờ biết hết rồi. Người Đàng Hạ không còn lẻ loi, u tịch nữa.

Lũ trẻ ở Đàng Hạ bây giờ ham học như trẻ em ở thị trấn, thành phố, các thầy giáo, cô giáo bớt phải nhọc công sớm tối vận động. Các em lớn dần lên với ý nghĩ và niềm tin về mọi điều tốt đẹp đang vẫy gọi phía trước chứ không trôi trong cuộc sống kiểu đánh bắt, hái lượm thuở ông cha mình.

"Em nào đến tuổi đi học thì được đưa đến trường. Các đợt tiêm chủng thì nhân viên y tế đến hướng dẫn tận tình đi tiêm. Việc chăm sóc sức khỏe rất được chú trọng. Mỗi năm học, một học sinh ở Đàng Hạ còn được Nhà nước cấp 140kg gạo, hỗ trợ tiền xe cộ đến trường. Nhiều em trưởng thành, học nghề còn đến các thành phố lớn để công tác. Ngày xuân, người cao tuổi được chính quyền địa phương tặng quà chu đáo" - ông Võ Thành Trung bộc bạch.

Khi cái ăn đã lo xong, chỗ ở đã được xây kiên cố, người Đàng Hạ đưa hát bội thành "đặc sản" tinh thần không thể thiếu trong mùa xuân. Mỗi khi tiếng hát cất lên với âm thanh trầm bổng, ấm nồng, hào sảng, những bước chân lại rầm rập thêm xích về gần nhau. Giữ vai trò "hạt nhân" trong các cuộc hát bội là ông Nguyễn Bảy. Ông Bảy bảo rằng, tổ chức hát ở đình Đàng Hạ, làng khác cũng háo hức sang xem. Sau hát bội thì đầu năm tổ chức cúng ở đình cầu cho mưa thuận gió hòa. Đời sống tinh thần phong phú cùng với sự chịu thương, chịu khó của người Đàng Hạ sẽ làm nên những mùa xuân rực rỡ.