Sức trẻ và âm hưởng "nhạc đỏ" qua Giải Âm nhạc Cống hiến 2015

Cánh màn nhung của Lễ trao Giải Âm nhạc Cống hiến 2015 (Giải Cống hiến) khép lại, đánh dấu chặng đường mười năm giải thưởng song hành cùng nền âm nhạc nước nhà. Tại điểm đến của hành trình ấy, người xem nhận ra sức trẻ của những nhân tố mới và âm hưởng "nhạc đỏ" qua giải thưởng.

Nguyễn Trần Trung Quân đoạt Giải nghệ sĩ mới của năm và An-bum của năm.
Nguyễn Trần Trung Quân đoạt Giải nghệ sĩ mới của năm và An-bum của năm.

Trong xu thế bão hòa giải thưởng âm nhạc thời gian gần đây, Cống hiến vẫn được xem là một trong số ít những giải thưởng còn giữ được uy tín và chỗ đứng đối với người làm nghề. Bởi đó không phải cuộc thi mà là sự đánh giá, ghi nhận của báo giới đối với những nhạc sĩ, ca sĩ, tổ chức có đóng góp tích cực cho âm nhạc đại chúng. Mỗi mùa Cống hiến là một bữa tiệc âm nhạc đặc sắc, mang đến cái nhìn sinh động, chân thực về diện mạo của nền âm nhạc nước nhà trong vòng một năm. Nhưng có lẽ, chưa bao giờ, Cống hiến lại mang sắc màu hào hùng như năm nay, khi những ca khúc, chương trình nhạc đỏ xuất hiện sôi nổi như một dòng chủ lưu trong danh sách đề cử.

Ðáng kể nhất phải nói tới sự thắng thế của "Giai điệu tự hào" khi đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký và có tuổi đời nhiều hơn như "Bài hát Việt", "In the Spot light"... để giành giải Chuỗi chương trình của năm. Khi nhạc đỏ được thể hiện theo cách khác với truyền thống, đôi lúc những tranh luận nảy lửa theo nhiều chiều đã diễn ra nhưng phải thừa nhận, "Giai điệu tự hào" là một trong số hiếm những chương trình âm nhạc đã tạo nên hiệu ứng tích cực khi đề cao những giá trị về truyền thống cha ông, tình yêu đất nước, tinh thần dân tộc. Với việc cho ra đời nhiều phiên bản nhạc đỏ mới, "Giai điệu tự hào" mở ra một cách thức tiếp cận đặc biệt cho thế hệ hôm nay với việc trình diễn và thưởng thức nhạc đỏ.

Phát sóng định kỳ hằng tháng, chương trình được ví như một cuốn từ điển bằng âm nhạc lật lại những sự kiện đáng tự hào của dân tộc, truyền cho khán giả trẻ ngọn lửa của tình yêu nước, đồng thời tôn vinh những nhạc sĩ, ca sĩ, những tác phẩm âm nhạc đã kết nối tâm hồn bao thế hệ Việt. Việc từ chối không để "Giai điệu tự hào" rút khỏi danh sách đề cử trước giờ bầu chọn và tiếp tục công tâm bỏ phiếu đã thể hiện sự ghi nhận trân trọng của các nhà báo đối với những cống hiến của chương trình, đồng thời cũng góp phần khẳng định sức sống và chỗ đứng của nhạc đỏ trong cuộc sống hôm nay.

Sự lên ngôi của dòng nhạc này còn được thể hiện ở đề cử Bài hát của năm. Ðây được xem là hạng mục thể hiện tính thời sự báo chí cao nhất khi đứng cạnh hai ca khúc nhạc trẻ "Bốn chữ lắm" (Phạm Toàn Thắng) và "Trót yêu" (Ái Phương), còn có "Nơi đảo xa" (Thế Song) và "Tổ quốc gọi tên mình" (Ðinh Trung Cẩn). Với giai điệu vừa da diết, vừa hào hùng, đây là hai nhạc phẩm đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong trái tim nhiều thế hệ Việt Nam. Và trong năm qua, trước thực trạng chủ quyền lãnh hải bị xâm phạm, những ca khúc này đã vang lên ở khắp mọi nơi, trở thành lời hiệu triệu, khơi dậy tình đoàn kết, ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân của mỗi người con đất Việt.

Với tiêu chí ưu tiên yếu tố trẻ và mới, hai ca khúc trên đã phải nhường vị trí Bài hát của năm cho "Bốn chữ lắm" (Phạm Toàn Thắng)-một bản "hit" đang làm mưa làm gió ở nhiều bảng xếp hạng âm nhạc , song dẫu sao, sự ghi dấu của dòng nhạc đỏ trong danh sách đề cử và sự ngân vang giai điệu lời ca trong lễ trao giải đã khẳng định sức sống âm thầm, nhưng mãnh liệt của dòng nhạc quê hương đất nước trong đời sống âm nhạc Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định giới trẻ không lãng quên dòng nhạc quê hương như nhiều người lầm tưởng.

Bên cạnh sắc đỏ của dòng nhạc quê hương, Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến còn nổi lên với sự ghi dấu của những tài năng trẻ. Sự phủ kín danh sách đề cử với những cái tên còn tương đối mới trong làng nhạc Việt như: Huyền Sambi, Thảo Trang, Oplus, Vũ Thắng Lợi, Phạm Toàn Thắng, Vũ Cát Tường, Ái Phương... cho thấy sức trẻ trong âm nhạc Việt Nam đã phần nào có sức lan tỏa và bắt đầu thuyết phục được những người làm nghề chuyên nghiệp. Họ, với sự dấn thân mạnh dạn, đôi khi là liều lĩnh đã ít nhiều tìm kiếm được những giá trị mới cho âm nhạc. Ít ai ngờ, Nguyễn Trần Trung Quân, một chàng trai mới 22 tuổi vừa bước ra từ cuộc thi Sao Mai Ðiểm hẹn với những ca khúc pop balad lại tự thể nghiệm theo dòng nhạc điện tử bằng an-bum "Khởi hành" để rồi cùng lúc đoạt giải "Nghệ sĩ mới của năm" và "An-bum của năm".

Tương tự, chàng nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng cũng đã tạo ra cú đúp giải thưởng khi cùng lúc "rinh" về hai giải "Nhạc sĩ của năm" và "Bài hát của năm". Bên cạnh đó, Cống hiến năm nay còn mang đến ấn tượng về một Vũ Cát Tường mang đậm cá tính trong vai trò nhạc sĩ-ca sĩ, một Tạ Quang Thắng vẫn kiên định với dòng Country Rock pha lẫn Blues, hay một Huyền Sambi với những sáng tác đột phá, tinh tế về giai điệu và cảm xúc...

Có thể nói, với sự thăng hoa của dòng nhạc quê hương và dấu ấn đậm nét của những nhân tố trẻ, có thể nói, bữa tiệc âm nhạc Cống hiến đã mở ra những hy vọng mới cho nền âm nhạc đại chúng Việt Nam, một nền âm nhạc trân trọng cả những giá trị truyền thống và luôn sung sức để đi tìm những giá trị mới.