Sức mua tăng nhờ giảm thuế VAT

Sau gần một tháng thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%, sức mua tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên đáng kể. Điều này mang đến những tín hiệu tích cực và khả quan cho tình hình kinh tế sáu tháng cuối năm.
0:00 / 0:00
0:00
Một siêu thị treo bảng thông báo việc điều chỉnh thuế VAT.
Một siêu thị treo bảng thông báo việc điều chỉnh thuế VAT.

Những ngày đầu tuần, tại nhiều siêu thị như MM Mega Market, Aeon Mall, Co.opmart... liên tục đón khách hàng vào mua sắm thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng.

Tiết kiệm được 100.000 đồng/tháng từ khi các cửa hàng áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT, anh Lê Văn Hậu (công nhân may, ngụ quận Tân Bình) cho biết, số tiền này dùng để trả tiền nước sinh hoạt của cả gia đình. "Khi mua sắm thấy các mặt hàng đều được giảm giá, tôi mừng lắm! Tuy số tiền giảm không nhiều nhưng trong lúc việc làm khó khăn, lương giảm... thì rất có ý nghĩa, anh Hậu bày tỏ.

Ngay khi việc giảm thuế VAT xuống còn 8% được áp dụng từ đầu tháng 7/2023, các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại... đã dán thông báo đỏ rực ngay lối ra vào để thông tin đến khách hàng. Sau gần một tháng thực hiện, phần lớn siêu thị đều thông tin, sức mua đã tăng đáng kể với mức tăng trung bình từ 10-15% so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market cho biết, đơn vị đã điều chỉnh giá bán nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Giảm thuế giúp giảm giá thành cuối cùng mà khách hàng sẽ phải trả. Nhờ đó, nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng lên, doanh nghiệp sản xuất bán được nhiều hàng hơn... Chính sách về thuế còn hỗ trợ siêu thị tiết kiệm chi phí vận hành chuỗi cung ứng và gián tiếp hỗ trợ doanh thu thông qua việc kích thích tiêu dùng.

Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết: Đơn vị đã áp dụng triển khai giảm thuế VAT ở 800 điểm bán trên toàn quốc. Không chỉ cam kết giảm 2% thuế VAT theo quy định, đơn vị phân phối hiện đại này còn thực hiện chương trình giảm giá tại nhiều ngành hàng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc thời trang, hóa phẩm và đồ dùng gia đình. Tổng mức giá giảm trung bình từ 22-62%. Qua đó, mang đến những sản phẩm chất lượng, giá cả hấp dẫn, kích cầu tiêu dùng.

Giới thiệu nhiều sản phẩm mới đến người tiêu dùng với giá giảm mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) Phan Văn Dũng chia sẻ: Giảm thuế xuống còn 8% đã tạo hiệu ứng rất tích cực cho người tiêu dùng, đẩy sức mua tăng nhanh, góp phần tăng doanh thu bán hàng. "Với chương trình giảm thuế của Chính phủ cộng với những chương trình khuyến mãi mà chúng tôi đã thực hiện, Vissan kỳ vọng doanh thu sáu tháng cuối năm sẽ tăng từ 10-15%", ông Dũng phấn khởi nói.

Nhiều doanh nghiệp còn mạnh dạn đặt ra những mục tiêu tăng trưởng cho quý III, quý IV sau khi được giảm thuế VAT. Thí dụ như Công ty may Thanh Niên (thành phố Thủ Đức) chuyên gia công các mặt hàng thời trang xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, công ty vô cùng khó khăn do không có đơn hàng. Để giữ lao động, giữ nhịp sản xuất, Công ty may Thanh Niên phải vay vốn từ ngân hàng... Trong lúc khó khăn, việc giảm 2% thuế VAT đã hỗ trợ công ty mua nguyên vật liệu được rẻ hơn, từ đó giảm giá sản phẩm để tìm đơn hàng mới. "Mọi người nghĩ rằng 2% là nhỏ, nhưng với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn như chúng tôi, đây là vấn đề rất quan trọng. Nó giúp sản phẩm được giảm giá thành và tạo cho doanh nghiệp có lợi nhuận, cũng như những thuận lợi khác trong giá thành khi ký kết hợp đồng với các đối tác", đại diện công ty Lê Thanh Nhã khẳng định.

Theo Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Lý Kim Chi, thuế VAT nằm trong giá, khi giảm 2% thuế VAT sẽ giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. "Việc giảm thuế VAT có thể khiến giảm thu ngân sách nhưng mặt được lợi có thể sẽ lớn hơn nhiều. Bởi giảm thuế VAT sẽ giúp tăng thu các khoản thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; kích thích tiêu dùng, mua sắm... góp phần kích thích nền kinh tế", bà Chi chia sẻ.

Trưởng Ban Chính sách Hội tư vấn và đại lý thuế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết: Việc giảm thuế sẽ giúp người tiêu dùng có cùng một lượng tiền nhưng sẽ mua được nhiều hơn so với trước, qua đó làm cầu tăng lên, kích thích tích cực tới quá trình lưu thông hàng hóa, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, quay trở lại sản xuất. Điều này giúp các doanh nghiệp tạo nhiều việc làm hơn, góp phần khôi phục nền kinh tế. Đặc biệt, khi nền kinh tế phục hồi, Nhà nước sẽ được bổ sung thêm thuế từ quá trình kích cầu này.

Lãnh đạo Sở Công thương thành phố cho biết, giảm thuế góp phần giảm giá hàng hóa, nhất là ở những nơi có chứng từ, hóa đơn, cho nên người mua được lợi.

Số liệu từ đầu năm đến nay cho thấy, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước phục hồi. Ngành công thương kỳ vọng việc giảm thuế VAT từ đầu tháng 7, cùng với hàng loạt giải pháp kích cầu mua sắm đang diễn ra trên địa bàn thành phố, sẽ giúp khách hàng chi tiêu nhiều hơn, vực dậy nền kinh tế thành phố nói riêng, cả nước nói chung.

Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: Thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Do vậy, khi giảm thuế VAT, giá cả hàng hóa sẽ giảm. Việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng có hóa đơn, chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Khi đó, chính sách giảm thuế VAT giúp hàng hóa rẻ hơn và kích thích sức mua.