Các mô hình tập hợp, phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân tại các địa bàn dân cư dù được thực hiện ở cấp độ nào cũng đều mang lại hiệu quả thiết thực.
Những mô hình đơm hoa trái ngọt
Cách đây hơn một năm, dọc tuyến đường sắt dài 5km đi qua địa bàn quận Phú Nhuận vẫn còn nhếch nhác với những đám cỏ dại, bãi rác tự phát khiến mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với quyết tâm xóa bỏ hình ảnh đó, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đơn vị đã huy động các tầng lớp nhân dân ra quân dọn dẹp vệ sinh, trồng mới cây xanh; thực hiện tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn. Giờ đây, hàng trăm cây xanh, chậu hoa được trồng mới dọc hai bên tuyến đường sắt được chính người dân tự tay chăm chút hằng ngày đang tạo ra bộ mặt mới cho mỹ quan đô thị của quận. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Phú Nhuận Trần Thị Mai Lý cho biết: Từ năm 2003-2023, gần 3.600 hộ dân đã hiến hơn 18.400m2 đất, trị giá ước tính khoảng trên 1.200 tỷ đồng; tham gia trực tiếp xây dựng 102 công trình mở rộng đường, hẻm. Cũng từ sức dân, đã lắp đặt hơn 1.100 camera với số tiền trên 6,5 tỷ đồng trong mô hình "Camera phòng chống tội phạm".
Huyện Bình Chánh có 15 xã và một thị trấn, 106 ấp, khu phố, 1.846 tổ nhân dân với 815.108 nhân khẩu. Ðây là địa phương có dân số đông nhất thành phố cho nên các hoạt động đoàn kết nhân dân càng trở nên quan trọng và ý nghĩa. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh Trương Thoại Linh khẳng định: Qua 20 năm tổ chức thực hiện ngày hội, nhiều công trình trên địa bàn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng có sự đóng góp rất quan trọng của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự phát triển chung, chất lượng sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kết nối, huy động các nguồn lực, Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức, đơn vị đã thực hiện 975 công trình mở rộng đường giao thông nông thôn, mở rộng hẻm và xây dựng các sân chơi thiếu nhi, bảo vệ môi trường tạo nên diện mạo nông thôn mới ở huyện ngoại thành này.
Phát huy bền vững các giá trị
Những ngày qua, các hoạt động tổng kết Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc được địa phương các cấp tổ chức trong không khí hân hoan, phấn khởi. Càng ý nghĩa hơn, đây là sự ghi nhận, đúc kết của quá trình 20 năm triển khai các hoạt động tập hợp sức mạnh toàn dân. Các công trình, phần việc được tạo ra đã tác động tích cực đến chất lượng đời sống nhân dân, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố ngày một văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 9,2 triệu dân; có 53 dân tộc thiểu số chiếm khoảng 5,2% dân số thành phố. Thành phố cũng là địa phương có nhiều tôn giáo lớn hoạt động như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Hồi giáo, Cao Ðài... với khoảng trên 1,6 triệu tín đồ, chiếm hơn 25% dân số thành phố. Ðồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng tôn giáo sống hòa thuận, đoàn kết. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn cho biết: Với sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, các hoạt động lớn của Mặt trận các cấp như: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; "Xây dựng nông thôn mới",… được triển khai sâu rộng, thành công, tác động tích cực đến đời sống xã hội. Ý nghĩa nhất, giai đoạn từ 2003-2023, toàn thành phố đã có 50.730 hộ tham gia hiến hơn 3 triệu m2 đất mở đường, hẻm, tổng trị giá khoảng hơn hai nghìn tỷ đồng. Qua 20 năm triển khai ngày hội, các địa phương đã xây mới 4.444 căn nhà tình nghĩa, tình thương; sửa chữa 6.875 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách khó khăn; tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa chu đáo, nghĩa tình,… Ngày hội góp phần khơi dậy trong nhân dân ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ðây là dịp để người dân bày tỏ các ý kiến, hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng và phát triển địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn gặp một số khó khăn như: việc triển khai còn nhiều lúng túng, thiếu tính sáng tạo, mang tính rập khuôn sau nhiều năm tổ chức; việc tổ chức ở các địa bàn đặc thù như chung cư, khu đô thị hiện đại,… rất khó triển khai. Ngoài ra, các nguồn lực, kinh phí tổ chức còn eo hẹp, thiếu hụt đã ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức ngày hội. Ông Phạm Minh Tuấn cho rằng, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Khơi dậy và phát huy tính tích cực, tự quản và sáng tạo của nhân dân trong việc triển khai các nhiệm vụ của địa phương; đồng thời, huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt các hoạt động ở khu dân cư ■