Ngày 15/4/2022 là một ngày đặc biệt với không chỉ các thầy, cô giáo, học sinh điểm trường Bó Kiếng (thuộc Trường tiểu học Tà Vài, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), mà còn của toàn bộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Từ sáng sớm, nhiều phụ huynh đã đưa con em tới dự lễ khánh thành công trình “Trường đẹp cho em” tại nền điểm trường Bó Kiếng cũ.
Giữa bầu không khí hân hoan, Trưởng thôn Bó Kiếng, ông Vàng Lao Di xúc động chia sẻ: “Chúng tôi chưa bao giờ dám mơ đến một ngôi trường khang trang như thế này. Từ nay, trẻ em trong xã sẽ được học tập an toàn, không sợ nắng mưa. Các thầy, cô giáo cũng được cải thiện đáng kể điều kiện công tác”.
Sức mạnh từ 2.000 đồng
Cách đây chưa lâu, gần 60 hộ dân H’Mông xã Chiềng Hặc vẫn quen với cảnh con em ngày ngày cắp sách tới điểm trường Bó Kiếng dựng bằng gỗ và ván, do nhân dân địa phương và giáo viên nhà trường góp công xây dựng nép bên triền núi. Thời gian trôi qua, ngôi trường nhỏ cách trung tâm xã 14 km ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Toàn điểm trường có hơn 50 học sinh tiểu học, gồm cả một số em khuyết tật và bệnh hiểm nghèo, nhưng mỗi khi mưa to gió lớn đều phải cùng các thầy, cô giáo đi tránh trú rất vất vả...
Nắm bắt những khó khăn này, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện quốc gia (VVC), dự án “Sức mạnh 2.000” đã phối hợp triển khai công trình “Trường đẹp cho em” như một món quà đặc biệt dành tặng đồng bào xã Chiềng Hặc cũng như tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh điểm trường Bó Kiếng.
Với kinh phí 785 triệu đồng, ngôi trường mới có quy mô năm phòng học, xây bằng gạch không nung theo công nghệ mới, vừa có giá trị thẩm mỹ, thân thiện với môi trường, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, lại sở hữu không gian mở gần gũi, thân thiện, sáng tạo cho học sinh. Thầy giáo Phan Chí Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tà Vài, bồi hồi cho biết: “Trong bảy tháng thi công, công trình được nhiều phụ huynh, cán bộ, giáo viên, người dân và nhất là đoàn viên, thanh niên trong xã hỗ trợ xây dựng. Nhờ đó, các hạng mục được hoàn thành rất nhanh chóng. Điều ước của tập thể thầy, cô giáo và học sinh về một ngôi trường không lớp học tạm đã thành hiện thực”.
Điểm trường Bó Kiếng mới nằm trong khuôn khổ dự án “Sức mạnh 2.000” do VVC và Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Hoàng Hoa Trung triển khai qua hình thức gây quỹ với thông điệp “Tiền lẻ mỗi ngày, triệu người chung tay”. Mỗi người chỉ cần đóng góp ít nhất 2.000 đồng mỗi ngày, dần dần sẽ tạo nên những công trình giá trị hướng đến cộng đồng, đặc biệt là trẻ em các địa bàn khó khăn.
Theo Giám đốc VVC Đỗ Thị Kim Hoa, từ cuối năm 2020 đến nay, VVC đã phối hợp xây dựng 82 “Trường đẹp cho em”, “Nhà nội trú cho em” tại 16 tỉnh, 30 huyện và 66 xã ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu tập trung tại Tây Bắc, Đông Bắc Bộ với kinh phí gần 22 tỷ đồng, phục vụ gần 2.500 học sinh dân tộc thiểu số.
“Vì một Việt Nam hạnh phúc”
Không chỉ dừng lại ở “Trường đẹp cho em” và “Nhà nội trú cho em”, dự án “Sức mạnh 2.000” còn hai chương trình mũi nhọn khác là “Ngôi nhà hạnh phúc” và “Cây cầu hạnh phúc”, cùng hướng tới khẩu hiệu “Tình nguyện vì một Việt Nam hạnh phúc”. Trong đó, chương trình “Ngôi nhà hạnh phúc” đặt trọng tâm xây dựng nhà tặng học sinh mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống trong nhà tạm, nhà xuống cấp. Ngoài ngôi nhà mới, dự án vận động chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm trao tặng các em bàn học, vật dụng gia đình mới và kêu gọi, huy động các nguồn lực triển khai học bổng dài hạn theo hình thức “Em nuôi của Đoàn”, mỗi tháng hỗ trợ 500 nghìn đồng tới khi các em đủ 18 tuổi.
Tính từ tháng 12/2020 đến 3/2022, dự án đã xây mới 43 “Ngôi nhà hạnh phúc” với giá trị hơn 3,3 tỷ đồng. Trong đó, gần đây nhất có thể kể đến công trình tặng gia đình em Quàng Thị Hiền tại bản Kia (xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Là em út trong gia đình dân tộc La Ha thuộc diện nghèo của xã, từ nhỏ Hiền đã theo anh trai lên nương trồng ngô, đào sắn. Vốn mồ côi, anh trai nay đã lấy vợ và sống ở nơi khác, cô bé lớp 8 phải ở cùng ông nội.
Chia sẻ với chúng tôi, Hiền cho biết em chỉ ước mơ học thật giỏi để sau này trở thành giáo viên, mang con chữ dạy dỗ đàn em thơ giỏi giang, xây dựng quê hương thoát nghèo, giàu đẹp. Dự án “Sức mạnh 2.000” đã triển khai một món quà đặc biệt ngay trong khu vườn của ông nội Hiền. Dự kiến, “món quà” khi hoàn thiện sẽ là căn nhà có hai phòng với diện tích 100 m2. Ngoài nguồn kinh phí xây dựng khoảng 100 triệu đồng từ dự án, chính quyền và các đoàn thể địa phương sẽ hỗ trợ ngày công.
Năm 2020, dự án đã khởi công, đưa vào sử dụng 77 công trình “Trường đẹp cho em”, “Nhà nội trú cho em” và “Ngôi nhà hạnh phúc”. Đến năm 2021, có thêm 100 công trình tương tự trên cả nước được khánh thành. Năm nay, dự án đặt mục tiêu xây dựng thêm 200 công trình, trải đều trên cả bốn chương trình “Trường đẹp cho em”, “Nhà nội trú cho em”, “Ngôi nhà hạnh phúc” và “Cây cầu hạnh phúc”.
Đồng chí Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chia sẻ: “Dự án “Sức mạnh 2.000” đã góp phần không nhỏ trong thay đổi suy nghĩ cố hữu “chỉ người giàu mới làm từ thiện”, mở ra những góc nhìn mới cho cộng đồng về thiện nguyện thông qua các thành quả, công trình mà 2.000 đồng có thể mang lại. Chương trình “Ngôi nhà hạnh phúc” không chỉ thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sự sẻ chia, chung tay từ các tấm lòng nhân ái, mà thật sự đã trở thành địa chỉ để tổ chức đoàn, hội các địa phương tập trung nguồn lực hỗ trợ các em nhỏ vượt khó, trở thành công dân tốt, có ích”.