Sức mạnh đồng thuận xã hội nhìn từ Thái Bình

Thái Bình đang trong lộ trình xây dựng trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Quá trình này các cấp ủy toàn tỉnh đã tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tổ chức đảng là hạt nhân phát huy dân chủ cơ sở và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh THẾ DUYỆT)
Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh THẾ DUYỆT)

Phát huy nội lực từ dân chủ ở cơ sở

Trước các mục tiêu phát triển, trong bối cảnh quy mô nền kinh tế nhỏ, việc cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất còn chậm… Thái Bình luôn coi trọng phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, bảo đảm nhận diện, khắc phục kịp thời những yếu kém, lực cản phát triển. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong phát huy dân chủ ở cơ sở. Hệ thống dân vận toàn tỉnh coi trọng việc tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Thanh Tuấn trao đổi.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã luôn coi trọng phát huy những cách làm, giải pháp hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ở nhiều địa phương, phát huy dân chủ cơ sở đã thật sự trở thành "điểm tựa" để phát triển kinh tế-xã hội.

Tại huyện Thái Thụy, huyện ủy ban hành chương trình công tác bảo đảm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bùi Sỹ Hãn, quá trình này, các cấp ủy phối hợp chính quyền các cấp nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, gắn liền giải quyết các chương trình, nhiệm vụ công tác trên địa bàn. Các địa phương trong toàn huyện coi trọng phát huy dân chủ, công khai, minh bạch chủ trương, chính sách theo chế độ dân biết, dân bàn và quyết định trực tiếp.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Thụy Chính, Nguyễn Anh Dân: dân vận tạo được sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân, xã đã huy động từ nguồn xã hội hóa được gần 2 tỷ đồng để nâng cấp 3 nhà văn hóa…

Những năm gần đây, Thái Thụy đi vào phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời thu hút đầu tư những dự án có chất lượng vào địa bàn.

Huyện Hưng Hà, năm 2023 có thêm 285 mô hình dân vận khéo, trong đó 8 mô hình cấp tỉnh, 5 mô hình cấp huyện. Các mô hình khẳng định hiệu quả trong việc tạo đồng thuận xã hội trước các mục tiêu phát triển.

Bí thư Huyện ủy Trần Hữu Nam tâm đắc, các mô hình thực sự huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh. Đặc biệt cả với lĩnh vực khó như giải phóng mặt bằng các dự án; giảm nghèo bền vững.

Mới đây, Thái Bình đã triển khai Đề án "xây dựng chính quyền thân thiện vì dân phục vụ" trong toàn tỉnh. Khảo sát với 16 mô hình cho thấy cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc, bảo đảm đội ngũ công bộc gần dân, sát dân, thực thi công vụ với tinh thần trách nhiệm cao, đúng quy định, đúng pháp luật nhưng linh hoạt, mềm dẻo.

Ghi nhận tại "Bộ phận một cửa" nhiều xã, phường, cán bộ giải quyết thủ tục hành chính luôn giữ thái độ hòa nhã, niềm nở, giải quyết thủ tục nhanh gọn, minh bạch.

Theo ông Trần Đăng Linh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền, từ đầu năm đến nay, thị trấn tiếp nhận gần 5.000 hồ sơ, trong đó 347 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, tất cả hồ sơ đều được giải quyết đúng hạn, người dân rất hài lòng.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Hồng Sơn nhìn nhận, mô hình trên ở tỉnh phản ánh quá trình chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ ở cơ sở. Một mặt xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phục vụ nhân dân, mặt khác tập trung xây dựng đội ngũ công bộc của dân đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển. Thực tế ở các huyện Thái Thụy, Hưng Hà, Kiến Xương cho thấy khi chất lượng thực hiện quy chế dân chủ thật sự được coi trọng sẽ phát huy cao nội lực, sức dân trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm cải thiện đời sống cho người dân. Khối đại đoàn kết toàn dân nhờ vậy không ngừng được tăng cường, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn.

Sức mạnh đồng thuận xã hội nhìn từ Thái Bình ảnh 1
Một góc nông thôn mới ở thôn Hòe Nha, xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy. (Ảnh HOÀI THU)

Dân vận với khâu đột phá tạo động lực

Khảo sát cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối ở tỉnh Thái Bình được triển khai nhanh, đồng bộ. Các khu, cụm công nghiệp, tuyến đường bộ ven biển và các dự án trọng điểm được xây dựng mở ra cơ hội mới, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Bài học lớn được khái quát là do tỉnh Thái Bình chủ trương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó đặc biệt là vai trò công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng - được xem là khâu đột phá tạo động lực.

Được biết, nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng. Nhiệm vụ được triển khai đến Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội toàn tỉnh.

Các huyện ủy, thành ủy xác định rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của dân vận tham gia giải phóng mặt bằng. Hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quôc các cấp đẩy mạnh xây dựng, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo". Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc đồng bộ.

Tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ dân vận, cán bộ tham gia công tác giải phóng mặt bằng ở từng địa phương với yêu cầu nắm chắc các chủ trương, quy định pháp luật; kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân. Phong trào thi đua "Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư" được phát động trên toàn tỉnh.

Tại từng địa phương, các dự án, kế hoạch ở các bước, các khâu được công khai minh bạch đến người dân từ nhiều kênh thông tin. Cấp ủy, chính quyền phối hợp với cơ quan chức năng, chủ đầu tư dự án tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Giang trao đổi, tỉnh đặc biệt chú trọng nền nếp, chế độ của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức đối thoại với nhân dân trên địa bàn triển khai dự án. Từ đầu năm 2023, đến nay, 6/8 huyện, thành phố với 109/260 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, trong đó có nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Từ các vấn đề đặt ra, cấp có thẩm quyền tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhân dân trong vùng dự án. Các chủ trương lớn trên địa bàn đều được đưa ra xin ý kiến của người dân. Điển hình như tại các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Hưng Hà, Kiến Xương... Từ đó khi triển khai thực hiện, bà con đều đồng thuận cao và tích cực tham gia thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) Trần Đăng Linh, với các giải pháp, cùng tinh thần trên dưới "đồng lòng" đã tạo được đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn như: Khu công nghiệp Liên Hà Thái; tuyến đường bộ ven biển; Quốc lộ 37; mở rộng Quốc lộ 39A; tuyến đường quy hoạch số 2, số 5...

Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương Đỗ Xuân Khu nhìn nhận, với sự vào cuộc hiệu quả của hệ thống chính trị, người dân vùng có dự án đã chủ động bàn giao đất góp phần hoàn thành đúng tiến độ công trình. Điển hình như dự án cải tạo, nâng cấp đường Lê Lợi-Bình Nguyên đoạn qua xã Lê Lợi; dự án cải tạo, nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn từ đê sông Trà Lý đến đường 219 xã Bình Nguyên; dự án cải tạo, nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn liên xã Quang Bình-Quang Minh-Minh Tân-Bình Thanh (đoạn qua xã Quang Bình); dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV Kiến Xương 2…

Đặc biệt, nhiều huyện thời gian qua đã phát động và nhân rộng được phong trào tự nguyện "hiến" đất làm đường phục vụ các dự án của địa phương, được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 25 dự án làm đường được nhân dân tự nguyện "hiến" đất để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã với tổng số gần 4.400 hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức đồng thuận, "hiến" hơn 360.000 m2 đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác với tổng giá trị gần 470 tỷ đồng.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 289 dự án giải phóng mặt bằng nhận bồi thường hỗ trợ được triển khai thực hiện; trong đó 100% dự án có sự tham gia của khối dân vận cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng. Hầu hết dự án tại các huyện được bàn giao mặt bằng đúng hạn và không phải sử dụng đến các biện pháp cưỡng chế.

Các dự án trọng điểm của tỉnh có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh như: Khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy, chỉ trong 2 năm đã giải phóng mặt bằng được 582 ha, đạt 98% tổng diện tích; hay tuyến đường bộ ven biển và nhiều tuyến giao thông kết nối khác của tỉnh.

Cùng với đẩy mạnh việc xúc tiến, thu hút đầu tư, Thái Bình trở thành một điểm đến đầu tư mới hấp dẫn, đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, với tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là gần 1,3 tỷ USD, gấp gần 1,6 lần tổng vốn đầu tư FDI giai đoạn từ năm 2020 trở về trước. Năm 2022, Thái Bình vươn lên xếp vị trí 16/63 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số cấp ủy, địa phương vẫn còn hạn chế, bất cập, một số nơi còn hình thức, vẫn còn biểu hiện vi phạm dân chủ. Hiện các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Bình đang tiếp tục coi trọng phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.