Cách đây hơn 20 năm, nhận thấy tiềm năng kinh tế từ việc chăn nuôi bò sữa, ông Trương Văn Thuận, ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn quyết định đầu tư nuôi hai con bò sữa tơ. Sau nhiều năm nuôi bò sữa và trải qua nhiều khó khăn, ông Thuận đúc kết được kinh nghiệm riêng để chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, đứng trước việc khó khăn về tiêu thụ sữa bò, năm 2016, ông Thuận quyết định liên kết với bạn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất sữa tươi, sữa chua thanh trùng với số vốn đầu tư gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài sữa bò tự nuôi, ông Thuận còn thu mua sữa hơn 10 hộ dân chăn nuôi ở địa phương với sản lượng 700-800 kg sữa/ngày để làm nguyên liệu sản xuất sữa tươi, sữa chua theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường. “Hiện, trang trại chăn nuôi bò sữa của tôi rộng 7.250 m2, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập khá. Sản phẩm sữa tươi, sữa chua đã được các cấp có thẩm quyền chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và từng bước khẳng định chất lượng để tự chủ, mở rộng thị trường cho đầu ra”-ông Trương Văn Thuận nói. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thuận còn quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ nhiều hộ nông dân và tham gia các hoạt động xã hội. Hằng năm, ông đều dành nhiều phần quà tặng cho người nghèo, đóng góp kinh phí làm đường giao thông ở địa phương, ủng hộ quỹ hỗ trợ vốn nông dân của xã Đông Thạnh. Gia đình ông Thuận còn hiến 50 m2 đất để nâng cấp, mở đường giao thông.
Có tiếng về nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Nhà Bè, ông Trần Trang Tấn Hồng hiện có 10.000 m2 với ba ao nuôi tôm công nghiệp. Sản phẩm tôm thẻ chân trắng của ông được nuôi theo tiêu chuẩn không sử dụng thuốc tăng trưởng, không dư lượng thuốc kháng sinh. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp là hạn chế tác động xấu đối với môi trường, hạn chế thấp nhất xuất hiện dịch bệnh tại vùng nuôi, tăng số vụ nuôi, tăng năng suất so với cách nuôi tôm truyền thống. Ông Tấn Hồng chia sẻ: “Hiệu quả mô hình mang lại đạt lợi nhuận cao, bền vững. Tôm tiêu thụ đạt tiêu chuẩn sạch và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Đây là mô hình có thể nhân rộng giúp nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và làm giàu cho hộ gia đình”. Mô hình của ông Tấn Hồng còn là điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm cho nông dân trong sản xuất, nhân rộng quy trình cho người nuôi, nhất là nông dân tại các địa phương vùng ven thành phố có lợi thế về nuôi tôm. Với những nỗ lực của mình, ông Tấn Hồng được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố nhiều năm liền, được UBND thành phố Hồ Chí Minh và các cấp hội nông dân tặng nhiều bằng khen.
Trên đây là hai trong 20 gương nông dân tiêu biểu và 32 cá nhân, đơn vị có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu vừa được Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tuyên dương. Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: “Không chỉ 20 gương nông dân tiêu biểu và 32 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh lần này, mà còn có rất nhiều gương nông dân với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao thật sự là niềm tự hào của mỗi địa phương, các cấp hội nông dân. Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của những người nông dân đam mê với nghề, gắn bó với nền sản xuất nông nghiệp; đồng thời, là những điển hình nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; đột phá trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp”. Cũng theo bà Xuân, từ thực tiễn phong trào nông dân tiêu biểu và tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã góp phần cổ vũ, động viên và khuyến khích nông dân tiếp tục nỗ lực sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho bản thân, phát triển kinh tế địa phương và đóng góp cho xã hội. Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Cùng với đó, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để hình thành các chuỗi giá trị nông sản, tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu tiếp cận thị trường; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu sản phẩm, liên kết bền vững trong sản xuất. Tạo điều kiện tốt nhất để nông dân thành phố được thỏa sức sáng tạo, say mê lao động, ứng dụng công nghệ, cải tiến và phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên nền công nghệ số, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.