Sức lan tỏa của giải thưởng văn học cho người trẻ

Khởi động từ năm 1994 với mô hình là một cuộc vận động sáng tác, đến nay, “Văn học tuổi 20” đã có được sức hút, sự lan tỏa của một giải thưởng văn chương uy tín dành cho tác giả trẻ trong và ngoài nước…

Đại diện Ban tổ chức giải thưởng “Văn học tuổi 20” nói về điểm mới của các tác phẩm dự thi mùa thứ 7.
Đại diện Ban tổ chức giải thưởng “Văn học tuổi 20” nói về điểm mới của các tác phẩm dự thi mùa thứ 7.

Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị tổ chức giải thưởng “Văn học tuổi 20”, vừa công bố 12 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung khảo trong mùa thứ 7 với chủ đề “Tuổi trẻ hôm nay - cuộc sống và góc nhìn”. Đây là năm mà giải thưởng thu hút được nhiều cây bút trẻ tham gia nhất từ trước đến nay với 511 tác phẩm.

 Đa số tác giả đều ở độ tuổi 20-30, trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Họ làm nhiều ngành nghề, từ giáo viên, nhà báo, nhà văn, kỹ sư,... đến kinh doanh cà-phê hoặc đang làm nghiên cứu sinh. Họ sống trải dài khắp ba miền bắc, trung, nam và có cả những cây bút đã từng hoặc đang học tập, sinh sống ở nước ngoài.

 Theo Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Thành Nam, chính sự đa dạng trong độ tuổi, ngành nghề, nơi sinh sống, chất liệu viết, lối viết ... đã giúp cho 12 tác phẩm được các giám khảo sơ khảo chọn lựa phản ánh được phần lớn góc cạnh của cuộc sống mà tuổi 20 hôm nay quan tâm, đúng với chủ đề của giải thưởng. Đó là cuộc sống khi du học hay sinh sống nơi đất khách phải nỗ lực vươn lên; là trách nhiệm của người trẻ trước cuộc sống và xã hội; là vấn đề môi trường, chữa lành tâm lý; là những thân phận dưới đáy xã hội; là những áp lực của cuộc sống công sở, hay cuộc mưu sinh nơi thành thị; hay đó chính là văn chương, ngôn ngữ và nghệ thuật được chính các tác giả chọn làm đề tài. Tất cả được các tác giả thể hiện qua lối viết khá đa dạng, chỉn chu, mới mẻ và hiện đại…

Qua bảy lần tổ chức với 2.133 tác phẩm dự thi, giải thưởng đã khẳng định được mình trong dòng chảy văn học nước nhà. Từ đây, không ít tác giả đã định danh trên văn đàn và nhiều cây bút vẫn tiếp tục sáng tác hay làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến sáng tác, chữ nghĩa. Có người “chạm” cuộc thi với tác phẩm đầu tay, đầy bỡ ngỡ, hân hoan và có cả những cây bút trở thành bạn đồng hành của “Văn học tuổi 20” với nhiều đầu sách được chọn lọc vào tủ sách cùng tên do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức phục vụ bạn đọc.

Phã Nguyện, một trong 12 cây bút lọt vào vòng chung khảo mùa này, chia sẻ, nếu không mạnh dạn đến với “Văn học tuổi 20”, bạn sẽ chẳng thể nhận biết mình có khả năng viết lách nghiêm túc. Là tác phẩm đầu tay nhưng truyện dài “Kẻ săn chuột” của Phã Nguyện đã tạo được ấn tượng mạnh với góc nhìn khác biệt từ những điều bình thường trong cuộc sống. Tác giả trẻ chọn viết về người nghèo, về những cùng cực, bế tắc mà họ phải đối diện trong cuộc vật lộn mưu sinh vui ít, buồn nhiều. “Em chọn viết về những điều gần gũi mà đôi khi bị chúng ta lãng quên để truyền tải những suy nghĩ, trăn trở của mình trong cuộc sống. Thực sự mà nói, việc tác phẩm đầu tay được vào vòng chung khảo của một giải thưởng văn học lớn như thế này là bước ngoặt của cuộc đời em khi được diễn tả những gì xảy ra chung quanh mình, những điều khó nói bằng câu chữ”, Phã Nguyện cho biết thêm.

Chẳng phải “tân binh” như Phã Nguyện, Nguyễn Dương Quỳnh, giảng viên Khoa Thiết kế nghệ thuật, Trường đại học Hoa Sen, đã là cái tên quen thuộc của “Văn học tuổi 20” với nhiều tác phẩm giá trị, độc đáo. “Đỏ”, “Thỏ rơi từ mặt trăng” và bây giờ là “Ngủ ngon nhé, nàng thơ” đủ để thấy sức hút của cuộc thi với cây bút sắc sảo này. Trong “Ngủ ngon nhé, nàng thơ”, Dương Quỳnh tiếp tục làm mới chính mình khi quyết định chọn một đề tài khó với tạo hình phức tạp rồi từng bước giải thoát cho nhân vật của mình bằng những chất liệu quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết để chọn lựa cách chữa lành.

 Giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần thứ 7 tiếp tục thể hiện những góc nhìn mạnh mẽ, trực diện và đầy chất suy tưởng của người trẻ. Họ viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người, của xã hội và thời cuộc. Chất liệu âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, triết học, ngôn ngữ học, tâm lý học… được vận dụng và biểu tượng hóa để trở thành một dòng chảy văn chương trong sự kết nối không ngừng của liên tưởng và ngôn từ.

Theo ông Dương Thành Truyền, nguyên Trưởng ban tổ chức giải thưởng “Văn học tuổi 20”, sự hội tụ nhiều yếu tố đã giúp sân chơi ý nghĩa này không chỉ phát hiện ngày càng nhiều cây bút trẻ mà còn góp phần nuôi dưỡng một đội ngũ sáng tác trẻ cho văn đàn nước nhà. Sau gần 30 năm, giải thưởng đã có được một lực lượng các cây bút trẻ sung sức viết và giàu sức sáng tạo. Họ có phương thức biểu đạt bằng những suy tưởng có tính triết lý, bằng những ám ảnh có tính hình tượng và bằng những chất liệu được khai thác từ khoa học và nghệ thuật. Từ cuộc thi, nhiều tác phẩm đã đến với công chúng.