Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thuộc các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang, người dân và học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, cuộc thi thu hút nhiều người Việt Nam, du học sinh đang sinh sống, học tập, công tác ở nước ngoài; du học sinh quốc tịch Lào, Campuchia đang học tập tại Việt Nam.
Nguồn tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy
Ngay sau buổi phát động, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã ban hành kế hoạch triển khai đến các đơn vị trực thuộc và các tầng lớp nhân dân.
Hưởng ứng cuộc thi do Bộ Công an tổ chức, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động cuộc thi tìm hiểu về Luật Phòng, chống ma túy riêng cho công nhân, viên chức, người lao động.
Trao giải thưởng tặng các thí sinh đạt giải Nhất. |
Nhiều đơn vị, địa phương đã tích cực, chủ động tổ chức phát động, hướng dẫn dự thi với các hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp nhằm lan tỏa cuộc thi trực tuyến.
Công an các tỉnh Bình Dương, Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên, Bộ Tư lệnh vùng 2 Cảnh sát Biển, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân… đã phát động cuộc thi tới hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, nhân viên và công nhân lao động; đồng thời vận động tích cực tham gia hình thức thi viết tự luận.
Ban Tổ chức đã nhận được 4.765 bài thi chất lượng cao được các đơn vị, địa phương tổ chức chấm sơ loại và gửi về.
Trong đó, có 2,5 nghìn bài đầu tư công phu, 650 bài dự thi viết tay, bài dài nhất 360 trang, đặc biệt có thí sinh 76 tuổi viết tay 130 trang, 50 bài có kèm mô hình.
Bài dự thi có số trang nhiều nhất: 3.500 trang, gồm 12 tập, nặng 25kg; thí sinh nhỏ tuổi nhất: 9 tuổi, thí sinh lớn tuổi nhất 81 tuổi.
Theo báo cáo của Ban tổ chức, sau 3 tháng triển khai cuộc thi, có hơn 3,2 triệu lượt thí sinh tham gia. Hiện, nước ta có khoảng 44,5 triệu người trong độ tuổi từ 15-45 tuổi. Với số lượt người dự thi như nêu trên cho thấy, cuộc thi đã tiếp cận hơn 7% dân số ở độ tuổi này. Đây là lứa tuổi cần được tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Con số này cũng cho thấy tính lan tỏa, sức ảnh hưởng về nội dung cuộc thi tới đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký hưởng ứng cuộc thi, chứng tỏ cuộc thi đã được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo các cấp, các ngành.
Một số đơn vị, địa phương có số lượng dự thi đông đảo như: Học viện Cảnh sát nhân dân; Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai); Công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên); Công an Thành phố Hồ Chí Minh; Học viện An ninh nhân dân; Công an tỉnh Ninh Thuận; Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hội liên hiệp phụ nữ xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp (Bình Phước).
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang; Trường Trung học cơ sở Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình); Học viện Tài chính; Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh; Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ; Đoàn thanh niên xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải (Thái Bình) ….
Trung tướng Nguyễn Văn Viện phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi. |
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (Bộ Công an) cho biết: Đặc biệt, có bài viết tay tham gia dự thi của cụ bà 81 tuổi, cụ ông 76 tuổi ở Hà Nội và nhiều bài dự thi của học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Tuy trình bày ngắn gọn, đơn giản, chưa hẳn là một bài dự thi, nhưng các tác phẩm đã thể hiện sự hưởng ứng, quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn ma túy, đồng thời gửi gắm trong đó nhiều mong mỏi, kỳ vọng đối với công tác phòng, chống ma túy. Các sản phẩm quý giá nêu trên sẽ là nguồn tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy sau này đạt hiệu quả cao.
Mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài
Qua số điện thoại đường dây nóng và email của cuộc thi, Ban Tổ chức thường xuyên nhận được phản hồi, trao đổi từ những tập thể, cá nhân quan tâm đến cuộc thi phản ánh những vướng mắc trong quá trình tổ chức, tham gia thi cũng như công tác phòng, chống ma túy.
Điển hình, có thí sinh là thợ sửa chữa xe máy ở Quảng Nam, thông qua tin nhắn trên điện thoại chủ động tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để tham gia cuộc thi và cho biết cuộc thi có ý nghĩa thiết thực đối với người dân tại nơi anh sinh sống. Có thí sinh từng sử dụng ma túy, thông qua cuộc thi thí sinh bày tỏ sẵn sàng phối hợp cơ quan chức năng để triệt phá tụ điểm bán lẻ ma túy trên địa bàn….
Ban Tổ chức nhận được nhiều lời chia sẻ, động viên, lời chúc, lá thư cảm ơn gửi đến các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy nói riêng, lực lượng Công an nói chung đã không quản ngại khó khăn, vất vả đương đầu với loại tội phạm nguy hiểm; đồng thời đánh giá cao công tác tổ chức của cuộc thi.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải. |
Tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an khẳng định: Đấu tranh phòng, chống ma túy là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, lâu dài, cần phải kiên trì và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chuyên trách, sự hỗ trợ, giúp đỡ của từng người dân. Trong đó, Luật Phòng, chống ma túy là hành lang pháp lý quan trọng cho cuộc chiến này.
"Thông qua buổi trao thưởng, tôi muốn gửi thông điệp: "Mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài, các cấp, các ngành cùng chung sức, cộng đồng trách nhiệm đấu tranh có hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần xây dựng một nước Việt Nam sạch về ma túy" - Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Để phát huy hơn nữa và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực thi pháp luật phòng, chống ma túy của các cấp, các ngành và địa phương, Thứ trưởng Công an yêu cầu cần tổ chức tập huấn cho lực lượng trực tiếp thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống ma túy theo hướng chuyên sâu, tập trung vào lực lượng cơ sở, nhất là lực lượng Công an cấp xã; lực lượng được phân công quản lý và giám sát người nghiện ma túy.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa, hướng về cơ sở, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm hạn chế phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy mới, giảm nguồn cầu về ma túy; rà soát, đánh giá các mô hình phòng, chống ma túy trên toàn quốc, xây dựng và nhân rộng các mô hình, các cách làm hay trong công tác phòng, chống ma túy; chú trọng xây dựng, duy trì, nhân rộng xã, phường, thị trấn không ma túy.
Đồng chí Thứ trưởng Công an lưu ý: ngành Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, điều trị nghiện và lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xác định tình trạng nghiện; tăng cường các giải pháp giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện chính sách cho vay vốn, đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người bị quản lý sau cai nghiện ma túy.
Sáng 5/12, tại Nhà hát Hồ Gươm, Bộ Công an tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Tìm hiểu Luật phòng, chống ma túy.
Ban Tổ chức đã trao hai giải Đặc biệt tặng tác giả Lê Bảo Toàn - học viên năm thứ nhất, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng và Lê Thanh Hòa, giáo viên Trường trung học cơ sở Lý Tự Trọng (tỉnh Đồng Nai); trao 10 giải Nhất, 30 giải Nhì, 60 giải Ba và 90 giải Khuyến khích tặng các tác giả, nhóm tác giả trên toàn quốc.