Sức hút từ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Sau một năm đi vào hoạt động, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đón hơn 50 nghìn lượt khách tham quan, thậm chí có những ngày “quá tải”. Căn phòng trưng bày nhỏ hẹp, vẻn vẹn 300 m2 chỉ đủ để trưng bày khoảng một nghìn mẫu vật được sắp xếp khoa học, đã trở thành điểm đến hấp dẫn với những người yêu thích thiên nhiên.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội) tìm hiểu quá trình tiến hóa của loài người.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội) tìm hiểu quá trình tiến hóa của loài người.

Nhìn tận mắt, sờ tận tay

Sáng thứ năm, phòng trưng bày của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nhộn nhịp các em học sinh đến tham quan. Hôm nay, các em học sinh khối lớp 2, Trường tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) được các thầy giáo, cô giáo dẫn đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam như một hoạt động ngoại khóa. Các em chăm chú nghe cô hướng dẫn giảng giải tiến trình phát triển của con người, các kiến thức về hệ động vật, thực vật, cũng như thích thú trả lời những câu hỏi mà cô giáo đưa ra. Em Trần Hà Linh, học sinh lớp 2A7, Trường tiểu học Ban Mai hồ hởi: “Đây là lần đầu em được đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, có rất nhiều điều mới lạ và thú vị mà em chưa biết. Em thích nhất là tiêu bản của những con bướm, rất đẹp mắt và sống động”.

Thầy Trà Đức Hiếu (phụ trách đối ngoại Trường tiểu học Ban Mai) cho biết, từ năm 2014 đến nay, nhà trường đều tổ chức các buổi học ngoại khóa ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và các bảo tàng khác cho các em học sinh các khối của trường. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam giúp các em mở rộng kiến thức về địa lý, địa chất, sinh vật, bổ trợ trực quan sinh động cho những bài học mà các em đã học trong sách giáo khoa. Thông thường, các em sẽ được quan sát, nghe hướng dẫn và sau buổi tham quan, các em sẽ có những bài thu hoạch về những kiến thức thu nhận được.

Theo thầy Hiếu, được trực tiếp xem những tiêu bản của động vật trong bảo tàng sẽ ăn sâu vào ý nghĩ của các em, giúp dễ hiểu, dễ nhớ hơn rất nhiều. Với 40 nghìn mẫu vật gồm thú, bò sát lưỡng cư, cá, côn trùng, mẫu hóa thạch, thực vật... và một số loài mới của Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã giới thiệu câu chuyện sống động về lịch sử sự sống trên Trái đất qua 3,6 tỷ năm. Bước vào bảo tàng, người xem như đang được quay về với lịch sử tiến hóa, kể từ thời kỳ Trái đất chưa có sự sống, đến khi sự sống hình thành và phát triển được giới thiệu trên cây tiến hóa của sinh giới, lịch sử sự sống qua các thời kỳ, quá trình tiến hóa và sinh sống của thế giới sinh vật được biểu diễn qua các mẫu hóa thạch. Bảo tàng cũng dành không gian trưng bày về sự đa dạng của thế giới sinh vật hiện nay. Những vật mẫu khá phong phú của Bảo tàng hiện có gồm: Hai nghìn mẫu địa chất, cổ sinh (mẫu hóa thạch, thực vật bị si-lích hóa, mẫu cúc đá khổng lồ); 25 nghìn mẫu côn trùng (bướm, cánh cứng, chuồn chuồn, ve sầu, bọ que, bọ ngựa...); mười nghìn mẫu thực vật nấm; sáu nghìn mẫu động vật (thú, chim, cá, bò sát lưỡng cư).

Từng đưa con đến tham quan và nhận thấy những kiến thức ở bảo tàng mang lại vô cùng hữu ích, chị Hường, một phụ huynh đã phối hợp cùng với bảo tàng tổ chức các lớp học chuyên đề cho con và các bạn vào kỳ nghỉ hè vừa qua. Trong hơn một tháng hè, cứ ngày thứ sáu hằng tuần, hơn 30 em nhỏ lại đến bảo tàng và lần lượt được học năm chuyên đề: Sự tiến hóa của loài người, thế giới thực vật, thế giới côn trùng, bò sát - thú - chim, cá - lưỡng cư. Ngoài việc được hướng dẫn, dạy học, các con còn được xem phim 3D và làm các tiêu bản côn trùng. Theo chị Hường, từ lúc được tham gia các buổi tham quan và học tập ở bảo tàng, con gái chị thích tìm hiểu, đọc sách về động vật hơn. Dù đã bước vào năm học, chị Hường và các phụ huynh khác rất muốn tổ chức thêm các buổi học vào cuối tuần cho các con ở bảo tàng nhưng do cuối tuần lượng khách đến bảo tàng rất đông, cho nên mong muốn này không dễ thực hiện được.

Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam TS Vũ Văn Liên cho biết, hiện nay rất nhiều trường học nhận thấy ý nghĩa quan trọng của bảo tàng và thường xuyên có những hoạt động ngoại khóa để các em học sinh được đến tham quan và học tập tại bảo tàng, từ các trường mầm non, THCS đến THPT, nhất là các trường dân lập trên địa bàn Hà Nội.

Bảo tàng cũng… “quá tải”

Không giống với quang cảnh “đìu hiu” của một số bảo tàng hiện nay, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã cho thấy “sức hút” với khách tham quan nhờ số lượng mẫu vật khá phong phú và cách bài trí hiện đại. Các cán bộ của bảo tàng đã dày công nghiên cứu, tham khảo cách bài trí của các bảo tàng nước ngoài để sắp xếp các hiện vật theo góc độ, ánh sáng chiếu, không gian, thiết kế các bảng thông tin nhiều hình ảnh nhưng ít chữ theo các chủ đề, tạo cảm giác thích thú cho người xem. Bởi vậy, không quá ngạc nhiên khi mới chỉ hơn một năm mở cửa đón khách, bảo tàng đã đón hơn 50 nghìn lượt khách tham quan, trung bình mỗi tháng đón bốn nghìn lượt khách. Những dịp cuối tuần, số lượng khách đến với bảo tàng tăng đáng kể. Nhất là vào những kỳ nghỉ lễ như 30-4, 2-9 vừa qua, căn phòng trưng bày 300 m2 của bảo tàng chật kín khách, nhiều gia đình và khách tham quan phải đứng chờ ở ngoài đến lượt mới được vào. Thế nên mới có chuyện, một vị khách vốn là chuyên gia về bảo tàng ở Bỉ khi đến tham quan bảo tàng đã ngạc nhiên khi bảo tàng nhỏ mà thu hút lượng khách lớn như vậy.

Cho đến nay, bảo tàng đã thu thập được hơn 40 nghìn mẫu vật nhưng vì diện tích nhỏ hẹp nên mới chỉ có thể trưng bày được hơn một nghìn mẫu. Nhiều lúc, để tận dụng các mẫu vật hiện có, các cán bộ của bảo tàng phải thay đổi, sắp xếp lại các mẫu vật. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam Vũ Văn Liên cũng thừa nhận, số lượng mẫu tuy nhiều nhưng chưa đủ phong phú, đa dạng, đáp ứng được thực tiễn cũng như nhu cầu của khách tham quan, nhất là các mẫu động vật lớn có nguy cơ tuyệt chủng lại càng khó. “Các bảo tàng ở nước ngoài có lịch sử lâu đời, thu mẫu khắp nơi trên thế giới. Còn đối với Việt Nam, việc thu thập mẫu ngoài tự nhiên không dễ, thi thoảng bảo tàng tiếp nhận các mẫu từ các tổ chức, cá nhân, trong đó có các bộ mẫu hiến tặng cho bảo tàng”, TS Liên nói.

Theo Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Trung Minh, bảo tàng là một môi trường học tập nghiên cứu hấp dẫn về thiên nhiên và lịch sử tự nhiên của Việt Nam, ngoài ra cũng là nơi lưu giữ tiêu bản mẫu vật, lưu giữ mẫu ADN giúp cho việc nghiên cứu khoa học. Qua đó, thế hệ tương lai có thể biết rõ hơn về cả những loài đã tuyệt chủng. “Giá trị của bảo tàng có ý nghĩa lâu dài. Mô hình bảo tàng thiên nhiên đã có hằng trăm năm trên thế giới, Việt Nam mới chỉ hình thành mấy năm gần đây và đã cho thấy hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là diện tích quá hẹp. Tháng 1-2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng bảo tàng tại Quốc Oai (Hà Nội) với diện tích 32 ha, hiện nay việc triển khai xây dựng vẫn còn nhiều bề bộn do còn thiếu nguồn vốn”, Giám đốc Nguyễn Trung Minh cho biết.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đóng tại địa chỉ nhà A20, số 18 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội). Bảo tàng mở cửa cho khách tham quan tự do (miễn phí) từ thứ năm tới chủ nhật. Thứ ba, thứ tư là thời gian dành cho các đoàn nghiên cứu và học tập. Thời gian mở cửa từ 8 giờ 30 phút tới 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút tới 16 giờ 30 phút. Ngoài trưng bày, bảo tàng còn có lịch chiếu phim 3D (từ 15 khách ở độ tuổi 5 tuổi trở lên) với bốn ca chiếu/ngày gồm 9 giờ, 10 giờ, 14 giờ và 15 giờ.