Sở hữu thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú cùng các di sản thế giới được UNESCO công nhận, du lịch 5 địa phương miền trung, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Miền trung - miền di sản
Cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, 5 tỉnh, thành phố miền trung đã tổ chức hội nghị giới thiệu điểm đến với chủ đề “Miền di sản diệu kỳ” tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, Đặng Đông Hà (với vai trò là Trưởng nhóm, đại diện ngành du lịch 5 địa phương miền trung), “Con đường di sản miền trung” qua 5 địa phương là thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam.
Đây là một “Miền di sản diệu kỳ” với hệ thống di sản thế giới đồ sộ được UNESCO công nhận: di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, các di sản văn hóa: quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn. Du khách đến khu vực này còn được trải nghiệm miền nghỉ dưỡng, giải trí tại Đà Nẵng, cảm nhận không gian linh thiêng tại Quảng Trị-một trong những bảo tàng của lịch sử, hòa bình lớn nhất châu Á…
Những năm qua, du lịch 5 địa phương miền trung đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam và khu vực châu Á, thu hút khoảng 20 triệu - 25 triệu du khách/năm trong giai đoạn 2016-2019. Nơi đây có hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú cùng hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, trong đó nhiều sản phẩm, cơ sở lưu trú, điểm du lịch đạt đẳng cấp quốc tế. Năm 2019, du lịch 5 địa phương miền trung được Lonely Planet vinh danh là 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á, xứng đáng là hành trình không thể thiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
“Với xu thế du lịch xanh, du lịch gắn với thiên nhiên, giai đoạn hậu Covid-19 này, “Miền di sản diệu kỳ” Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam sẽ tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu, điểm “phải đến” của khách du lịch và hứa hẹn ngành du lịch sẽ phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ”- đồng chí Đặng Đông Hà nói.
Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, ngành du lịch 5 tỉnh miền trung đang trên đà tăng tốc phục hồi bằng việc tung ra nhiều chương trình quảng bá, kích cầu hấp dẫn. Hàng loạt lễ hội văn hóa, du lịch sẽ được tổ chức để du khách thỏa sức khám phá, trải nghiệm.
Mùa du lịch năm nay, tỉnh Quảng Bình triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới như: tour “Động Phong Nha-khám phá chiều sâu bí ẩn vào ban đêm”, tuyến “Rào Thương-hang Én-hang Nước lạnh”; “Khám phá hang Ba với những trải nghiệm khác biệt”; tour “Chinh phục Sơn Đoòng- hang động lớn nhất thế giới”; các điểm đến với trải nghiệm thú vị mới dưới tán rừng của dãy Trường Sơn... Tỉnh Quảng Trị tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị, khai trương mùa du lịch biển, đảo 2022, lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” và chương trình “Khát vọng hòa bình”.
Tại Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức các chương trình trải nghiệm miễn phí, tái hiện các nghi thức và hoạt động chốn cung đình xưa như lễ đổi gác, chương trình “Âm sắc cung đình và Huế xưa”, biểu diễn ca Huế. Một số sản phẩm mới cũng được khai trương là phố đi bộ Hoàng Thành, phố ẩm thực đường Đinh Tiên Hoàng...
Trong tháng 4 này, thành phố Đà Nẵng cũng tổ chức hàng loạt sự kiện để thu hút du khách như khai trương mùa du lịch biển và đêm Mỹ An, hội chợ Châu Âu tại khu du lịch Ba Na Hills. Đặc biệt, sau Cầu Vàng huyền thoại, Sun World Ba Na Hills đánh dấu sự trở lại ngoạn mục với kiệt tác mới-Thác Mặt trời.
Đây là cụm công trình điêu khắc nghệ thuật với hơn 40 bức tượng vàng hoàn toàn mới mang chủ đề thần thoại Hy Lạp cổ đại, được chủ đầu tư Sun Group đặt hàng Frilli Gallery-gia tộc lừng danh Italia trong lĩnh vực đúc đồng và chạm khắc đá cẩm thạch thực hiện. Là địa phương tổ chức Năm du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam-điểm đến du lịch xanh”, Quảng Nam cũng chủ trì tổ chức chuỗi 62 sự kiện, hoạt động đặc sắc, hấp dẫn với nhiều ưu đãi về giá và các dịch vụ đi kèm.
Với những bãi biển tuyệt đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa, rừng nguyên sinh bạt ngàn và hệ thống hang động kỳ vĩ, du lịch 5 tỉnh miền trung hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều cảm nhận thú vị, riêng có.
“5 địa phương 1 điểm đến”
Trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt” để khôi phục các thị trường du lịch nội địa và quốc tế khi dịch bệnh được khống chế, 5 địa phương miền trung cùng nhau kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng, hình thành chuỗi dịch vụ chất lượng cao trên cung đường thiên nhiên tuyệt tác và kết nối các di sản của miền trung. Đây cũng là nỗ lực nhằm đưa du lịch của các tỉnh miền trung trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo lãnh đạo ngành du lịch của 5 địa phương miền trung, vùng Đông Bắc Bộ với tam giác Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nước, trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Với tổng lượng khách du lịch khoảng 20 triệu khách/năm cùng việc kết nối các đường bay thẳng từ Cát Bi, Vân Đồn đến các tỉnh miền trung, Hải Phòng và Quảng Ninh là thị trường mục tiêu quan trọng của du lịch 5 địa phương miền trung. Sự kết nối giữa vùng du lịch trọng điểm miền trung và vùng Đông Bắc Bộ sẽ tạo nên hành lang du lịch xanh, hợp tác phát triển những sản phẩm du lịch chung độc đáo cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đánh giá cao những thành quả và sự vượt khó của ngành du lịch 5 địa phương miền trung thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, đây là điển hình cho mô hình liên kết “5 địa phương 1 điểm đến”. “Hội nghị giới thiệu du lịch của 5 địa phương miền trung là một trong những điểm nhấn của chương trình phục hồi, mở cửa trở lại hoàn toàn của du lịch Việt Nam”- Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ.
Theo Trưởng nhóm du lịch 5 tỉnh miền trung Đặng Đông Hà, trên cơ sở tiềm năng du lịch địa phương, các tỉnh, thành phố miền trung và vùng Đông Bắc Bộ đã ký liên kết, hợp tác để quảng bá sản phẩm, tuyến điểm du lịch kết nối giữa các địa phương; hợp tác giữa các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch nhằm cung cấp hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, thông tin điểm đến cho du khách; phối hợp triển khai ứng dụng du lịch thông minh trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, thực hiện chiến lược marketing điện tử... Mặt khác, các địa phương phối hợp thực hiện các gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa thông qua việc kết nối vận chuyển đường hàng không, đường bộ; phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường khách du lịch MICE, du lịch GOLF, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch biển đảo, khám phá thiên nhiên…
Nhóm du lịch các địa phương miền trung từng đạt được nhiều thành quả trong công tác quảng bá du lịch khu vực thông qua các nền tảng số. Năm 2019, Sở Du lịch Quảng Bình là đối tác, ký kết với Google Art and Culture và đại diện làm đầu mối cho các địa phương (gồm: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam) phối hợp với Google châu Á-Thái Bình Dương triển khai Chiến dịch quảng bá du lịch, văn hóa của các địa phương này trên thư viện văn hóa nghệ thuật trực tuyến hàng đầu thế giới Google Art and Culture và Chương trình khám phá vẻ đẹp du lịch và văn hóa Việt Nam (Google Adventure Việt Nam).
Mới đây nhất, ngày 14/4 vừa qua, Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới - đã được tôn vinh, quảng bá trên trang chủ tìm kiếm Google tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là kết quả của chương trình quảng bá du lịch Việt Nam sau đại dịch ra thế giới do Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp Tổng cục Du lịch và Oxalis Adventure thực hiện. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đánh giá, sự kiện hang Sơn Đoòng với những giá trị nổi bật toàn cầu được vinh danh trên trang chủ Google là niềm tự hào của Quảng Bình nói riêng và của ngành du lịch Việt Nam nói chung.