Sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Vĩnh Phúc

Nhờ liên tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng hành động thực chất, tỉnh Vĩnh Phúc đã nâng được các chỉ số về môi trường đầu tư. Ý thức phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách tận tâm, vô tư, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức đã trở thành nếp nghĩ, thói quen.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cam kết cải thiện môi trường đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cam kết cải thiện môi trường đầu tư.

Các giải pháp thu hút đầu tư không chỉ được Vĩnh Phúc triển khai một cách đồng bộ, theo hệ thống, mà còn bảo đảm tính thực dụng, sáng tạo và linh hoạt. Chính vì điều đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến với địa phương này.

Đối đãi thực lòng, phục vụ tận tâm

Thực tế là hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc trong những tháng đầu năm 2022 gặp không ít khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Các hoạt động xúc tiến chủ yếu được triển khai qua các kênh không trực tiếp như: Tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư online, điện thoại, qua văn bản, tài liệu xúc tiến đầu tư…

Khi tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định, tỉnh phối hợp các bộ, ngành tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư quy mô, trong đó phải kể đến Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Vĩnh Phúc, Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam-Nhật Bản và nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh giao các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó có các chỉ tiêu về đất đai, vận động giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính ...

Là đơn vị trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tích cực hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư hạ tầng, sản xuất; kịp thời giải đáp ý kiến về sử dụng đất, cấp điện, cấp nước, phí xử lý nước thải, rác thải...

Sáu tháng đầu năm, Ban đã làm thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án; điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 208,56 triệu USD và 230,86 tỷ đồng. Ban cũng nỗ lực phối hợp các ngành giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hơn 110.000 lao động trong các khu công nghiệp, từ nhà trọ, đi lại cho đến phòng ngừa dịch bệnh; việc nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Phương phấn khởi thông báo:

Hàng loạt khu công nghiệp được thành lập hoặc mở rộng, mở thêm dư địa cho doanh nghiệp thuê. Cán bộ của Ban trực tại Trung tâm hành chính công có trách nhiệm trả hồ sơ càng sớm càng tốt. Tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước thời hạn đạt xấp xỉ 100%. Có doanh nghiệp nhận giấy chứng nhận đầu tư và khởi công trong cùng một năm.

Ông Phương đánh giá: Ở Vĩnh Phúc không có chuyện đẩy đi đẩy lại công việc giữa các sở, ngành, đơn vị. Doanh nghiệp cũng đã quen với việc nộp hồ sơ điện tử, thanh toán điện tử.

Trong lĩnh vực thuế, hầu hết công tác quản lý đăng ký, kê khai và kế toán thuế được thực hiện trên môi trường điện tử. Tất cả doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử. Nghiệp vụ hải quan cũng chủ yếu được thực hiện trên môi trường điện tử.

Ông Đặng Hoàng Hiệp, Chi cục trưởng Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh sự thuận lợi của khai báo điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử. Hơn 60% số tờ khai luồng xanh được xử lý tự động, nhanh chóng. Số lượng doanh nghiệp đến cơ quan hải quan làm việc trực tiếp còn dưới 1%. Cán bộ hải quan sẵn sàng làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Sáu tháng qua, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 3.196 tỷ đồng, tăng 23,78% so cùng kỳ.

Các cơ quan, địa phương trong tỉnh phối hợp ngày càng chặt chẽ, thống nhất quan điểm “chính quyền luôn đồng hành, chủ động hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng, triệt để những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”. Trao đổi với các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cam kết:

Vĩnh Phúc đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tỉnh triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng giải quyết kịp thời kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Sáu tháng qua, Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận khoảng 70 văn bản, 90 cuộc điện thoại, 120 tin nhắn của doanh nghiệp liên quan đến quy trình thủ tục đầu tư, thủ tục nhập cảnh, mặt bằng xây dựng nhà máy, thủ tục hành chính về đất đai, thuế đất và cơ chế quyết toán tài chính, hoạt động thanh tra, kiểm tra, pháp luật về lao động, tiền lương, tiền thưởng. Hầu hết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ và giải quyết kịp thời, triệt để.

Nhận xét về sự hỗ trợ của chính quyền, bà Hoàng Thị Thuận, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH CDL Precision Technology (Vietnam) tại Khu công nghiệp Bình Xuyên cho biết: Hai năm qua, tỉnh cho phép công ty chậm nộp thuế, được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu. Tỉnh triển khai chính sách cho vay, chậm trả tiền trong giai đoạn dịch bệnh. Về thủ tục hành chính, các nhóm mạng xã hội của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích, nhanh chóng, tiện lợi. Nhiều thắc mắc của doanh nghiệp được giải đáp ngay qua những kênh như thế.

Sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Vĩnh Phúc ảnh 1
Trạm biến áp 11022kV của khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.

Những con số thể hiện sự hài lòng của nhà đầu tư

Những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có thêm 15 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất. Một số dự án có vốn đầu tư hơn 10 triệu USD như Dự án nhà máy Key Technology Hà Nội sản xuất khung thép cho máy xúc thủy lực; Dự án nhà máy công nghiệp King Duan Việt Nam sản xuất các sản phẩm phụ tùng xe ô-tô, xe gắn máy; Dự án nhà máy Sumiriko Việt Nam sản xuất ống dẫn khí, ống dẫn nước và ống dẫn nhiên liệu cho xe ô-tô. Hầu hết sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều tăng so cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu linh kiện điện tử tăng 25,64% so cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, thông tin thêm: Việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp được triển khai trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử 6 tháng đầu năm đạt 97,8%, cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu cả nước. Đến cuối tháng 6/2022, có 723 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới là hơn 9,5 tỷ đồng. Điều đáng mừng là, các doanh nghiệp mới đầu tư vào tỉnh có vốn đầu tư lớn hơn, quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là hàng điện tử, công nghiệp hỗ trợ ô-tô, xe máy, phù hợp định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Năm 2021, chỉ số PCI của Vĩnh Phúc đứng thứ 5 toàn quốc, tăng 24 bậc so năm trước. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) đứng thứ 5 toàn quốc, tăng 10 bậc so cùng kỳ. Hiện có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh. Nhìn chung, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng vào hệ thống chính quyền của tỉnh.

Ông Masuoka Hiroyoshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: Ngày càng nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản đến Vĩnh Phúc vì họ muốn tranh thủ những thế mạnh của Vĩnh Phúc như vị trí sát cạnh Hà Nội, logistics, nhân lực, hỗ trợ của chính quyền. Nguồn nhân lực luôn dồi dào, được đào tạo tốt. Mỗi khi chúng tôi gặp vấn đề hay khó khăn gì thì đều nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền. Họ sẵn sàng gặp gỡ chúng tôi để giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại chỗ. Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã lấp đầy 81%, thu hút nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghiệp cao.

Từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn Chính phủ có giải pháp rút ngắn thời gian giao đất thực hiện dự án. Thời gian trung bình để giao đất cho doanh nghiệp mất từ 2 đến 4 năm, khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Chính phủ cần nghiên cứu phân cấp mạnh cho cấp tỉnh trong việc điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp; giao cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư xây dựng khu công nghiệp. Đối với các tỉnh, thành phố có điều kiện, có thể cho phép địa phương chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghệ cao, dự án công nghệ cao từ nguồn vốn ngân sách. Doanh nghiệp cũng mong muốn điều chỉnh chính sách để công nhân có thể tăng ca xây dựng ký túc xá cho công nhân.

Bằng những hành động cụ thể, nhất quán, Vĩnh Phúc đã xây dựng và củng cố vững chắc lòng tin của các nhà đầu tư. Tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện chính sách đặc thù về thu hút đầu tư, khơi thông các điểm nghẽn về thủ tục, đất đai để làm hài lòng các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.

Sáu tháng đầu năm 2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án FDI đạt hơn 225 triệu USD và các dự án đầu tư 100% vốn trong nước (DDI) đạt hơn 7.700 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có 1.267 dự án, trong đó có 438 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD; 829 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 118 nghìn tỷ đồng.