Mường Thanh, cánh đồng xanh yên bình, hiền hòa của Tây Bắc Việt Nam được quân Pháp đặt cho cái tên đầy hù dọa Epervier, nghĩa là "chim cắt" với ý nghĩa rằng, từ đây, 16.200 quân viễn chinh Pháp với đầy đủ xe tăng, máy bay, súng to, súng nhỏ sẽ nuốt chửng quân đội Việt Minh như chim cắt hốt gà. Vậy mà, sau 56 ngày đêm giao chiến, tướng Đờ Cát bị chiến sĩ trẻ 19 tuổi Hoàng Đăng Vinh thúc súng vào bụng, bắt sống. Toàn bộ quân địch đã kéo cờ trắng ra hàng. Nhà báo Trần Cư, trên báo Quân đội nhân dân số ra ngày 11-5-1954 mô tả cảnh buổi chiều ngày 7-5-1954 là: "Ở Mường Thanh địch ra hàng như nước chảy".
Trong số các hàng binh ấy, có một nữ y tá tên là Giơ-nơ-vi-e Đờ Gan-la (Geneviève de Gallard). Gan-la vốn là tiếp viên hàng không. Năm 1953 cô được đưa đến Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ chuyển các thương binh nặng của Pháp về Hà Nội. Và ngày 31-3-1954, khi lưới lửa phòng không của ta khóa chặt bầu trời, cô bị kẹt lại Điện Biên, trở thành y tá mặt trận dưới quyền chỉ huy của thiếu tá quân y Pôn Grô-vanh (Paul Grauwin). Tại bệnh viện dã chiến này, G.Gan-la đã chứng kiến tiếng la hét, kêu gào, sự hoảng loạn của binh lính Pháp trong cơn hấp hối của tập đoàn cứ điểm, cách đây không lâu, nơi đây được coi là "bất khả xâm phạm".
Sáng 7-5-1954, tướng Đờ Cát lệnh cho các đơn vị còn lại chuẩn bị cho kế hoạch tháo chạy vào lúc nửa đêm bằng kế hoạch "Chim biển-Albatros". Bác sĩ trưởng P.Grô-vanh và G.Gan-la được triệu tập đến sở chỉ huy nhận nhiệm vụ ở lại chăm sóc thương binh.
Nữ y tá G.Gan-la kể lại, gương mặt Đờ Cát lúc đó tái đi, ông lệnh cho các bộ phận tiêu hủy toàn bộ tài liệu, điện đài và phá súng. Còn Chỉ huy phó tập đoàn Lăng-le thì đốt vội thư từ, sổ tay riêng, ảnh người vợ yêu quý và cả chiếc mũ bê-rê đỏ. Sau khi ôm hôn từ biệt cô nữ y tá, ông ta nhờ cô gửi cho mẹ mình ở miền quê Brơ-ta-nhơ lá thư đầy nước mắt...
17 giờ 30 phút chiều 7-5-1954, toàn bộ Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ bị bắt, trong đó có bác sĩ trưởng P.Grô-vanh và G.Gan-la. Khi nhóm nhân viên y tế bị dẫn giải qua cầu Mường Thanh, quân đội Việt Nam đã cho họ được phép quay trở lại chăm sóc thương binh của họ, G.Gan-la vô cùng cảm động, hăng hái giúp các bác sĩ của ta phân loại thương binh Pháp.
Và đột nhiên, cô nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cô mạnh bạo viết thư xin Chủ tịch khoan hồng, tha cho tù binh là thương binh nặng và cho chính bản thân mình. Cô không ngờ rằng, đề đạt của cô đã nhanh chóng được chấp thuận.
Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21-5-1954, tất cả thương binh nặng của Pháp và nữ y tá được lên máy bay rời Điện Biên Phủ về Hà Nội. Tại sân bay Gia Lâm, G.Gan-la đã trả lời phỏng vấn báo chí: "Nếu biết được lòng khoan dung của Cụ Hồ và nhân dân Việt Nam thì tôi đã xin làm tù binh sớm hơn".
Về Pháp, Ga-la quan tâm nhiều hơn Việt Nam, tích cực tham gia các phong trào vì hòa bình và nhân đạo. Gần đây, bà cho xuất bản cuốn hồi ký "Một phụ nữ ở Điện Biên Phủ" trong đó có đoạn: "Từ lâu, tôi ao ước được quay lại Việt Nam. Tôi biết Việt Nam đã thực hiện những nỗ lực cải cách. Qua một số bộ phim, tôi lại được thấy Điện Biên Phủ tươi đẹp hơn. Thời gian trôi qua, những ký ức về Điện Biên Phủ vẫn sống mãi trong lòng tôi".
Trong chuyến "Nghệ thuật hành hương về Điện Biên Phủ" đầu năm nay, Nghệ sĩ nhân dân Bùi Đình Hạc kể, từ Việt Bắc, ông được lệnh đi đón và làm trợ lý cho đạo diễn Liên Xô Rô-man Các-men làm phim "Việt Nam trên đường thắng lợi", trong đó có những cảnh quay trực tiếp tại Điện Biên Phủ. Đoàn làm phim đã hỏi chuyện Đờ Cát và nhiều nhân chứng khác. Trong đám tù binh, có một người hết sức run rẩy, ngỏ lời với Các-men rằng, anh ta rất sợ chết, chắc sẽ bị Việt Minh giết thôi. Các-men nói: "Anh yên tâm. Anh sẽ không chết. Một ngày nào đó, anh sẽ được đến Mát-xcơ-va, lúc đó tôi sẽ mời anh uống rượu vốt-ka".
Đó chính là Pi-e Sô-en-đơ-phơ (Pierre Schoendoerffer). Pi-e sinh năm 1928, vào lính năm 1952 và bị "ném" vào Điện Biên Phủ làm phóng viên điện ảnh mặt trận. Pi-e chỉ bị giam bốn tháng, sau đó được trao trả về Pháp. Trong một Liên hoan phim quốc tế tại Mát-xcơ-va, khi Bùi Đình Hạc đang ở trong phòng cùng với Các-men thì có tiếng gõ cửa. Các-men và Bùi Đình Hạc vô cùng ngạc nhiên thú vị vì đó là Pi-e. Các-men đã đãi Pi-e một trận vốt-ka như đã hứa. Pi-e không ngờ lời Các-men lại thành một tiên tri. Ông bày tỏ lòng biết ơn khôn xiết tới Cụ Hồ, tới Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bởi có lòng khoan dung, độ lượng ấy mà ông được sống, được có một sự nghiệp điện ảnh mà cả thế giới biết tới.
Tổng thống Pháp Ni-cô-lát Xác-cô-di mới đây đánh giá: "Pi-e Sô-en-đơ-phơ là một huyền thoại, ông giúp cho nước Pháp hiểu thêm về lịch sử của chính mình. Ông là một nhà làm phim và nhà viết tiểu thuyết tài năng. Nước Pháp sẽ mãi nhớ ông".
Năm 1958, Pi-e Sô-en-đơ-phơ là đồng tác giả bộ phim "Quá khứ của ma quỷ". Năm 1963 viết tiểu thuyết "Phân đội 317", hai năm sau dựng thành phim cùng tên và đoạt giải kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Can. Năm 1967, bộ phim "Phân đội Anderson" của ông đoạt giải Ô-xca về phim tư liệu hay nhất. Ông từng nhận giải Cersar, giải thưởng điện ảnh danh giá nhất nước Pháp. "Điện Biên Phủ", một bộ phim được quay tại Việt Nam năm 1991 là một tác phẩm điện ảnh lớn mà Pi-e là người vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn. Phim giành được giải thưởng lớn, nhưng quan trọng nhất, bằng sự chân thực của nó, làm cho người Pháp hiểu rõ hơn sự thật ở Điện Biên và sai lầm của người Pháp trong chiến tranh Đông Dương. Khi xem xong bộ phim này, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam trong nhiệm kỳ 1986 - 1988 Lu-i A-mi-gơ đã thốt lên "Ne pas oublier, pour ne pas reommencer" (Đừng bao giờ quên, để không bao giờ lặp lại).
Sự kính trọng nhân dân Việt Nam và sự thật lịch sử của Pi-e còn được thể hiện ở một cử chỉ khác. Năm 1968, ông đã khuyên người cháu của mình là Pa-trích Sô-ven (Patrick Chauvel), khi đó mới 18 tuổi sang miền nam Việt Nam, bắt đầu sự nghiệp của một phóng viên chiến tranh. Sau này, Sô-ven được trao tặng giải thưởng World Press Photo, một giải thưởng danh giá của nước Pháp dành cho nhà báo.
Pa-trích Sô-ven nhớ lại: "Năm 1968 tôi tới miền nam Việt Nam khi chưa hề biết thế nào là chiến tranh" - người chú Pi-e Sô-en-đơ-phơ của tôi - từng là phóng viên chiến tranh trên chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, đã khuyên tôi nên đến Việt Nam. Chú Pi-e nói, chính Việt Nam đã giúp chú trưởng thành.
Pa-trích Sô-ven giáp mặt chiến tranh trong một trận đánh hết sức khốc liệt ở Chợ Lớn (Sài Gòn trước đây): "Tôi đã thấy rất sốc khi phải chứng kiến cảnh những người lính bị bắn vỡ đầu. Trận đánh quá ác liệt khiến những phóng viên có mặt tại hiện trường không thể trụ vững"... Và ông đã gặp may, đã gặp được sự khoan dung của một chiến sĩ Quân Giải phóng như chú ông ta từng gặp Việt Minh trước đó. Sô-ven kể tiếp: "Tôi chạy thục mạng, bỗng nhiên đâm sầm vào ai đấy. Khi mở mắt ra tôi mới biết đó là người lính Việt cộng. Tôi cho anh biết trên người tôi không có súng, chỉ có chiếc máy ảnh và tôi là phóng viên người Pháp chứ không phải người Mỹ. Anh ấy đã để cho tôi đi".
Đó thật là một điều kỳ lạ với Sô-ven. Ông bắt đầu có cái nhìn khác về người lính Việt cộng và nhận thấy sự tàn bạo, phi lý của người Mỹ khi có mặt tại Việt Nam. "Mỗi ngày tôi phải chứng kiến thêm những cảnh giết chóc kinh hãi, những người dân vô tội, phụ nữ, trẻ em bị tàn sát dã man. Tôi bị sốc một thời gian dài và đã nghĩ đến việc rời khỏi đây cũng như công việc này. Nhưng tôi quyết định sẽ tìm hiểu sự thật vì sao người Mỹ lại phải tiến hành cuộc chiến tranh này".
Một lần khác, Sô-ven nhìn thấy một người lính Việt cộng bị thương trong cuộc ném bom của quân đội Mỹ: "Chúng tôi nhìn thấy máu chảy ướt đầm vùng bụng, nhưng anh vẫn đứng dậy bước đi, được vài bước anh khuỵu xuống nhưng vẫn đứng dậy bước tiếp. Sĩ quan chỉ huy quân đội Mỹ vô cùng cảm phục trước sự hiên ngang của một người lính trẻ dù mới 17 tuổi".
Ngày ấy, Sô-ven từng có ước muốn được đến miền bắc Việt Nam, để tìm hiểu vì sao nơi ấy lại không sợ Mỹ, lại có thể sinh ra những con người kỳ lạ ấy. Chuyện không thành, nhưng dù sao, chiến tranh Việt Nam đã tạo ra một Pa-trích Sô-ven nổi tiếng trong giới báo chí Pháp và quốc tế bởi những bức ảnh, những tác phẩm báo chí phản ánh trung thực và khách quan trên những chiến trường nóng bỏng. Nó cũng giúp ông xác lập một mục tiêu cho cả cuộc đời: "Tôi theo đuổi công việc không phải với lòng dũng cảm mà với một đức tin giúp thế giới biết sự thật".
Sau chiến tranh Việt Nam, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra thừa nhận: Chúng ta (Mỹ) đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, tướng Mác-xen Bi-gia (Marcel Bigeard) từng là thiếu tá, phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đánh giá Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại và nói: Nếu tôi là người Việt Nam ngày ấy, tôi cũng sẽ là Việt Minh. Đó chính là sự cảm hóa của văn hóa.
Vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm hết sức mình để tránh khỏi chiến tranh. Thực tế là "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!" (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến). Năm 1949, trong truyện ký "Giấc ngủ mười năm", Bác Hồ với bút danh Trần Lực đã dự đoán Pháp sẽ thua, sẽ đi đến hòa đàm sau một trận khủng khiếp đối với Pháp và nêu rõ đường lối đối ngoại thân thiện: "Việt Nam bằng lòng hợp tác thân thiện với nước Pháp trên lập trường bình đẳng và sẽ thừa nhận những lợi ích chính đáng của Pháp ở Việt Nam".
Giá như họ, những kẻ xâm lược trong quá khứ, những kẻ lăm le dòm ngó trong tương lai, hiểu được lòng yêu chuộng hòa bình, tình thân thiện của người Việt; hiểu được truyền thống văn hóa được hun đúc hàng nghìn năm mà cốt lõi là tinh thần yêu nước, đoàn kết muôn người như một, "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh"; "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" mỗi khi đứng trước họa xâm lăng; chắc hẳn sẽ không dám cất quân.
Cách đây 20 năm, ngày 9-11-1995, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã có cuộc gặp lịch sử giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Mắc Na-ma-ra. Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc tường thuật rằng, khi Mắc Na-ma-ra hỏi Đại tướng: Việt Nam có bỏ lỡ cơ hội hòa bình nào không, Đại tướng trả lời: "Có thể nói rằng phía Việt Nam đã không để lỡ một cơ hội nào vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình hơn ai hết và chiến tranh sẽ mang lại đau khổ trước hết cho người Việt Nam... Mỹ thua ở Việt Nam là do không hiểu về dân tộc Việt Nam, và nhất là không hiểu về chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam. Đại tướng nhấn mạnh rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc mà ý thức và quyết tâm bảo vệ độc lập đã trở thành một triết lý, bản sắc văn hóa và cũng là một nguyên tắc không lay chuyển của người Việt Nam".
Ngày hôm sau, 10-11-1995 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu trước các nhà báo: "Tôi thật sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều làm tôi thật sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh nhưng quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi".