Các thành phố ở nước ta không chỉ mang bản sắc chung của các vùng, miền mà còn có những nét đặc trưng riêng và thế mạnh tiềm năng của mình để có thể vừa phát huy trở thành những thành phố sáng tạo, vừa phát triển kinh tế. Nếu như thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế để phát triển ngành điện ảnh, thành phố Huế có thế mạnh về thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật dân gian và liên hoan, lễ hội thì các thành phố Đà Nẵng, đô thị cổ Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt đều có thế mạnh riêng trong các lĩnh vực âm nhạc, văn học, thiết kế…
Trong bảy lĩnh vực UNESCO xét ghi danh Mạng lưới thành phố sáng tạo, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) có tiềm năng rất lớn về âm nhạc, văn học và mỹ thuật. Thành phố gần 130 năm tuổi với kiến trúc châu Âu đặc trưng, không gian yên bình, phong cảnh lãng mạn… là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ. Vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, phù hợp phục vụ các hoạt động sáng tạo, Đà Lạt rất thuận lợi để hình thành các trung tâm sáng tác âm nhạc và trại sáng tác mỹ thuật. Thực tế tại Đà Lạt đang có các Nhà sáng tác thu hút các văn nghệ sĩ thường xuyên lui tới, tổ chức các chuyến đi thực tế, sáng tác nên các tác phẩm có giá trị. Đây cũng là thành phố có truyền thống về sáng tác âm nhạc, nơi cho ra đời nhiều ca khúc trữ tình với những giai điệu lãng mạn, ngọt ngào, là không gian nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ và truyền cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị. Thành phố cũng là địa điểm thường xuyên tổ chức các sự kiện âm nhạc, trong đó có Tuần lễ âm vang nhạc cụ dân tộc tại Đà Lạt, trại sáng tác âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các liveshow và dự án âm nhạc, nghệ thuật. Hằng năm, tại Đà Lạt cũng diễn ra rất nhiều sự kiện văn hóa thu hút khách du lịch như Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội văn hóa trà… Hiện tại, nơi đây đã hình thành nhiều cộng đồng sáng tạo và không gian nghệ thuật, không gian trình diễn hấp dẫn, quy tụ nhiều nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, đưa nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng cũng như tạo điều kiện để cộng đồng được trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo. Có thể thấy, từ không gian, văn hóa, con người và âm nhạc nơi đây đều hòa quyện với nhau, tạo nên sức sống riêng của thành phố sương mù này. Nếu lựa chọn lĩnh vực âm nhạc để phát triển Đà Lạt là thành phố sáng tạo về âm nhạc sẽ tạo nên một đô thị văn hóa mang bản sắc riêng biệt và độc đáo của Việt Nam.
Cùng có thuận lợi về giao thông, chỉ cách Hà Nội hơn 100 km, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có tiềm năng về âm nhạc và phát triển các không gian nghệ thuật tạo hình, thị giác. Vị trí địa lý và thiên nhiên ưu đãi, thành phố vừa lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời và di sản thiên nhiên phong phú, lại là một thành phố biển năng động, hiện đại, đa dạng các loại hình nghệ thuật. Thành phố cũng phát triển nhiều khu vui chơi giải trí, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, đồng thời thường xuyên tổ chức các triển lãm nghệ thuật sáng tạo, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị, thu hút du khách tham gia. Hạ Long hội tụ các yếu tố để phát triển thành phố sáng tạo lĩnh vực nghệ thuật thị giác cũng như ngành công nghiệp âm nhạc trong tương lai.
Thành phố sáng tạo không chỉ là một thương hiệu mà khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, các thành phố đã khẳng định đặt văn hóa và sáng tạo là trung tâm của sự phát triển và chìa khóa của quy hoạch phát triển đô thị. Hiện nay, mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO có 246 thành phố, trong đó khu vực Đông Nam Á có khoảng 10 thành phố. Hà Nội là thành viên của mạng lưới vào tháng 10/2019, là thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế và đang là thành phố duy nhất của Việt Nam tham gia mạng lưới này. Từ khi gia nhập mạng lưới, Hà Nội đã tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và tăng mức đầu tư cho văn hóa, nâng tầm cho các lĩnh vực sáng tạo thiết kế, tạo xung lực và hình ảnh mới cho Thủ đô. Thành phố triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sáng tạo cũng như biểu đạt đa dạng của văn hóa trong phát triển bền vững của địa phương. Với lợi thế tập trung rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, di sản thiên nhiên, Hà Nội tiếp tục khai thác, phát huy các tài nguyên nhằm tạo nên các không gian văn hóa và cộng đồng sáng tạo, mở rộng cơ hội cho người sáng tạo, góp phần quảng bá giá trị văn hóa Thủ đô và phát triển Thủ đô thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Đó là câu chuyện phát triển của những thành phố lớn, đầu mối trung tâm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên định hướng xây dựng thành phố sáng tạo từ các đô thị tầm trung hoặc nhỏ hơn. Chia sẻ về quan điểm này, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung cho biết: Việc lựa chọn lĩnh vực nổi trội nào để phát triển ở các thành phố lớn thường rất phức tạp bởi mọi ngành nghề đều phát triển, có thể tạo nên mâu thuẫn, xung đột giữa các lĩnh vực. Chính vì vậy, việc lựa chọn những thành phố nhỏ để xây dựng thành phố sáng tạo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn. Cần nhìn nhận những lợi thế và hướng sáng tạo cho thành phố bởi nó liên quan đến sự phát triển trong tương lai. Bên cạnh yếu tố giao thông thuận lợi và những hỗ trợ phát triển sáng tạo thì các cơ quan quản lý cần có chiến lược và sự hậu thuẫn để tạo cảm hứng cho nghệ sĩ.
Nhìn từ những lợi thế và tiềm năng của các thành phố tầm trung và nhỏ hơn như Đà Lạt, Hạ Long và nhiều đô thị khác, các giá trị hiện tại như du lịch, âm nhạc, văn học… đều là những gợi mở thú vị để phát triển các thành phố sáng tạo ở Việt Nam. Sự lựa chọn tham gia hạng mục nào phụ thuộc vào thực trạng và tiềm năng sẵn có của thành phố, nhưng rất cần có những chính sách cụ thể để phát triển, giúp các thành phố có khả năng hội nhập, phát triển bền vững. Việc lựa chọn một lĩnh vực nổi trội, cộng hưởng, liên kết, tích hợp các lĩnh vực khác như sân khấu, nghệ thuật biểu diễn dân gian, điện ảnh, âm nhạc sẽ góp phần tôn vinh tính sáng tạo của một cộng đồng phát triển trong một đô thị hay thành phố. Sự chủ động, quyết tâm của địa phương sẽ góp phần định vị vị trí của văn hóa và sáng tạo trong kế hoạch phát triển bền vững của thành phố, đưa sự sáng tạo là động lực cho sự phát triển bền vững của đô thị. Giá trị cốt lõi của thành phố sáng tạo vừa là trụ cột của công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo, vừa quy tụ và thu hút tầng lớp sáng tạo cũng như sự tham gia của cộng đồng, tạo nên các sản phẩm văn hóa cho người dân ■