Sửa luật để khơi thông nguồn lực đất đai quốc gia

Hiện nay, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương nghiên cứu để thống nhất các nội dung còn vướng mắc, sự giao thoa giữa các chính sách pháp luật để nguồn lực đất đai được khơi thông, đóng góp vào sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng, bổ sung các nội dung mới là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân. Bên cạnh đó, sửa đổi luật nhằm thực hiện tiến bộ, công bằng và các định hướng xã hội chủ nghĩa, quan tâm lợi ích của người dân trong từng chính sách.

Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây vừa chủ trì cuộc họp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và một số bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trước đó, các cơ quan đã cùng nhau thảo luận rõ hơn các nội dung về nguyên tắc áp dụng pháp luật; về phạm vi quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá; về nội dung quy định cụ thể của vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất…

Bên cạnh đó, ba bộ trưởng tham gia thảo luận các nội dung về thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất có yếu tố nước ngoài; nội dung đất sử dụng cho khu kinh tế và nội dung xử lý chuyển tiếp đối với quy hoạch sử dụng đất.

Lãnh đạo nhiều bộ, ngành, giới chuyên gia pháp luật đều chung nhận định, đây là một dự án luật rất khó, liên quan vấn đề đất đai đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, điều đó gây khó khăn trong khơi thông nguồn lực để phát triển đất nước. Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường thay đổi phương thức, quan điểm, lý luận xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã góp phần để các chính sách pháp luật được hoàn thiện và thống nhất, kết quả mang lại giá trị sử dụng đất có hiệu quả cao nhất.

Vấn đề nữa là cần xem xét cụ thể để bảo đảm việc thống nhất, không vi phạm hay đi ngược với những cam kết mà Việt Nam đã ký với các công ước quốc tế.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề cập trong quy định các điều khoản pháp luật cần thống nhất với Luật Đấu giá tài sản về các vấn đề như trình tự, thủ tục đấu giá, không làm thay đổi so với hiện hành. Trong quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định tiêu chí, điều kiện, tính toán có các quy định xử lý các trường hợp vi phạm đất đai như tại Thủ Thiêm.

Nhằm giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật liên quan đất đai, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này hướng tới thống nhất điều chỉnh mọi quan hệ quản lý, sử dụng đất đai, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực, cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.

Báo cáo bước đầu tại buổi làm việc gần đây với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quan điểm nhất quán của Ban soạn thảo là bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; bảo đảm kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) và thi hành Luật Đất đai.

Mục tiêu quan trọng khác là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, chuyển đổi số dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.

Trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Trong năm 2022, cùng với quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi); lấy ý kiến của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; hội thảo để lấy ý kiến đại diện đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan liên quan; tổ chức hội thảo với các bộ, ngành liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...

Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành (ngày 16/6/2022), Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo luật; tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập; báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về nội dung cơ bản, định hướng, chính sách lớn thể chế trong dự thảo luật.

Bộ cũng đã gửi dự thảo luật để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); chủ động, trực tiếp làm việc với các bộ hữu quan để hoàn thiện nội dung dự thảo luật trước khi gửi đăng lên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, các đối tượng chịu tác động của dự án luật...

Theo báo cáo, từ quá trình tổng kết, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và tổng hợp có 112 luật có liên quan quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có 24 luật có nội dung được các địa phương phản ánh là có mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Đất đai, nhất là các luật có phạm vi giao thoa lớn là các luật có liên quan lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng tài sản công... Do đó, đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng cần có quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật để điều chỉnh quan hệ đất đai bảo đảm thống nhất, đồng bộ.