Thành tựu nhân quyền của Việt Nam

Sự thật không thể phủ nhận (Kỳ 2)

Bảo đảm cho mọi công dân được hưởng các quyền của mình và có cơ hội phát triển toàn diện, xây dựng kinh tế để cuộc sống toàn dân ngày càng nâng cao, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội,... đó là những thành tựu có ý nghĩa to lớn mà Ðảng, Nhà nước cùng nhân dân Việt Nam đã luôn nỗ lực phấn đấu đạt được. Những thành tựu đó là không thể phủ nhận, và là bằng chứng cụ thể bác bỏ mọi luận điệu vu cáo, vu khống, xuyên tạc, bịa đặt về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. (Tiếp theo và hết) (★)

Nhận thức nhân quyền là giá trị phổ quát trên mọi lĩnh vực xã hội cho nên chủ trương, chính sách, biện pháp của Nhà nước Việt Nam về nhân quyền vừa mang tính cụ thể, vừa mang ý nghĩa phổ cập trong phạm vi toàn xã hội. Ðiều này thể hiện rất rõ qua việc cụ thể hóa và thực hiện quyền toàn dân bình đẳng trước pháp luật, mọi người có quyền sống, được tôn trọng nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể; quyền tự do đi lại; quyền của người bị giam giữ... Có thể dễ dàng nhận thấy rõ việc thực hiện các quyền này qua thành tựu: 1. Ban hành các chiến lược quốc gia bảo vệ và chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng và chống loại trừ bệnh sốt rét, lao, ung thư, tim mạch; năm 2015 Việt Nam đã đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về tử vong mẹ, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm còn 14,7‰...; 2. Bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, thông qua Luật Trẻ em tạo ra khung pháp lý về quyền trẻ em; các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em, quy định các yêu cầu và cấp độ bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em trong tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và giúp tái hòa nhập cộng đồng... 3. Ở Việt Nam giáo dục là một ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia, dù ngân sách còn khó khăn, hạn chế, Nhà nước vẫn ưu tiên duy trì mức 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục. Hiện 63 tỉnh, thành phố đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học; cả nước có 235 trường đại học, 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, năm học 2017 - 2018 có 23.025.299 học sinh, sinh viên; 4. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới; quyền xác định lại, hoặc chuyển đổi giới tính; ban hành chương trình quốc gia về bình đẳng giới, phòng và chống bạo lực gia đình, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; 5. Nhằm bảo đảm quyền của người khuyết tật, nhiều chương trình, đề án phát triển phục hồi chức năng, chăm sóc trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, nhiễm chất độc da cam, phơi nhiễm HIV/AIDS, khuyết tật, bị ảnh hưởng thiên tai được triển khai; Chính phủ bảo đảm trợ cấp xã hội cho người khuyết tật nặng, đặc biệt; 6. Quyền của người cao tuổi được thể hiện qua các đề án chăm sóc sức khỏe, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ, tháng 10 hằng năm tổ chức Tháng hành động vì người cao tuổi; 7. Ðể bảo đảm quyền của người lao động, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng hỗ trợ tạo việc làm, xây dựng Quỹ quốc gia về việc làm, xác định mục tiêu trong giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động, quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm, chương trình phòng ngừa, hạn chế lao động trẻ em, Bộ luật Hình sự năm 2015 có các quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lao động; 8. Ðể bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số, Chính phủ có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi với Chương trình 135, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người, hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Các chính sách này đem lại kết quả tích cực đối với các dân tộc thiểu số, như: tỷ lệ hộ nghèo còn 16,8%, 98% số người thoát nghèo không bị tái nghèo, 38% số người dân tộc thiểu số dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn; 42% số nhóm dễ tổn thương kinh tế chuyển sang nhóm an toàn kinh tế. Cả nước có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú với 94 nghìn học sinh, 1.013 trường phổ thông dân tộc bán trú với 159.212 học sinh, bốn trường dự bị đại học dân tộc với khoảng 4.000 học sinh; năm học 2017 - 2018 tại 22 tỉnh, thành phố có 715 trường tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số, tám ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số được đưa thành môn học; có sáu bộ sách giáo khoa xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2018, 92% số người dân tộc thiểu số đã tiếp cận đài phát thanh, 85% số người xem truyền hình với nhiều chương trình bằng tiếng dân tộc thiểu số; có 13 báo, tạp chí có ấn phẩm chuyên đề dân tộc thiểu số và miền núi...

Những thành tựu nêu trên là kết quả của quá trình phát huy bản chất nhân văn của chế độ xã hội, nâng cao nhận thức và khẳng định nhân quyền là giá trị thuộc về toàn dân. Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định các mục tiêu, phương hướng, chủ trương và ban hành chính sách đúng đắn, kết hợp chặt chẽ với xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, thích hợp, đầu tư hợp lý,... để nhân quyền luôn mang ý nghĩa trực tiếp, thiết thực, vì thế đã được toàn dân tích cực ủng hộ, đóng góp và cùng phấn đấu. Ðó cũng là kết quả của nỗ lực ban hành nhiều luật và bộ luật để hiện thực hóa các quyền của con người được Hiến pháp năm 2013 khẳng định, như: bình đẳng, không phân biệt đối xử trước pháp luật; quản lý nhà nước và xã hội; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hoặc bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; bình đẳng giới; bảo vệ đời tư; tiếp cận thông tin; sở hữu tài sản tư nhân; xét xử công bằng, công khai, không bị coi là có tội đến khi được chứng minh theo trình tự luật định, có bản án kết tội của tòa án; bảo đảm, được hưởng an sinh xã hội; có việc làm; có nơi ở hợp pháp; nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật, thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng cơ sở văn hóa; xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; được sống trong môi trường trong lành... Ngay tại các trại giam, phạm nhân cũng được tham gia lớp xóa mù chữ, tổ chức lao động phù hợp với giới tính, độ tuổi, sức khỏe, được học nghề, hướng nghiệp, được nghỉ chủ nhật, ngày lễ theo quy định. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian để chăm sóc con; con của phạm nhân được trại giam hỗ trợ chăm sóc tại nhà trẻ ngoài khu giam giữ; phạm nhân là người chưa thành niên giam giữ theo chế độ riêng và được tạo điều kiện theo học chương trình giáo dục phổ thông, đào tạo các kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, học nghề. Chỉ tính riêng từ ngày 31-12-2012 đến 13-12-2016, các trại giam đã tổ chức khám, điều trị tại bệnh xá 1.153.451 lượt cho 351.917 phạm nhân; khám, điều trị tại bệnh viện 37.798 lượt cho 33.822 phạm nhân. Từ năm 2014 đến ngày 30-9-2018, tổ chức dạy nghề cho 211.396 lượt phạm nhân, và cơ quan có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ nghề cho 20.499 phạm nhân...

Cần nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế còn phát triển ở trình độ thấp, năng suất lao động xã hội chưa cao, một số lề thói và quan niệm lạc hậu còn đeo bám một bộ phận xã hội, thiên tai xảy ra thường xuyên, cần hỗ trợ (Thí dụ: Ðể giúp nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, riêng năm 2017 Chính phủ hỗ trợ các địa phương 3.696,7 tỷ đồng; 40.828 tấn gạo cứu đói, 3.265 tấn lúa giống; 835 tấn ngô giống; 82 tấn hạt rau giống và hàng nghìn cơ số thuốc, vắc-xin, hóa chất để khử trùng; ngân sách trung ương bổ sung cho địa phương 244.107 tỷ đồng, tạm ứng 664 tỷ đồng mua giống, hỗ trợ sản xuất),... nhưng Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành nhiều công sức, đầu tư nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Báo chí thế giới đã có rất nhiều đánh giá tích cực về Việt Nam, như: "Ðiều kỳ diệu Việt Nam", "Việt Nam - ngôi sao đang nổi trên bản đồ kinh tế thế giới", "Việt Nam - Ðiểm sáng kinh tế thế giới 2017"... và coi Việt Nam là "tấm gương với nhiều nước đang phát triển trên thế giới", đồng thời nhấn mạnh "thành tựu mà Việt Nam đạt được trong bối cảnh nền thương mại toàn cầu đang bị đình trệ". Tại Hội nghị cấp cao Kinh doanh Việt Nam (VBS 2018) ở Hà Nội ngày 13-9-2018, ông B.Brende (B.Bơ-ren-đơ), Chủ tịch WEF - Diễn đàn Kinh tế thế giới, cho rằng Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng kinh tế tuyệt vời, và sẽ tiếp tục phát triển vững chắc. Ông đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong xóa đói, giảm nghèo, nhấn mạnh Việt Nam chứng minh cho thế giới thấy có thể đẩy lùi đói nghèo với chính sách phù hợp... Ðáng chú ý, phân tích các yếu tố cơ bản để Việt Nam đạt nhiều thành tựu, cùng với nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực trẻ, giá rẻ, vị trí địa lý, chính sách hợp lý về hội nhập kinh tế toàn cầu, tự do hóa nội bộ, đầu tư nguồn nhân lực,... các ý kiến đều khẳng định sự ổn định về chính trị, coi đó là yếu tố quan trọng thu hút giới kinh doanh, đầu tư trên thế giới.

Từ sự phát triển, ổn định mọi mặt, ngày nay Việt Nam trở thành một địa chỉ để người nước ngoài đến làm việc, trong đó có nhiều người gốc Việt. Ngày 15-3-2019, tập đoàn quản lý đầu tư VinaCapital bổ nhiệm ông P.Roesler (P.Rô-ê-xlơ) làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Vinacapital Ventures (quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc VinaCapital). Ông P.Roesler là người Ðức gốc Việt, từng là Chủ tịch Ðảng Tự do dân chủ (FDP), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ CHLB Ðức, thành viên ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới. Với trải nghiệm của mình, chắc chắn trước khi nhận lời, ông P.Roesler đã xem xét kỹ các yếu tố bảo đảm công việc của ông ở Việt Nam tiến hành thuận lợi, hiệu quả. Cũng chắc chắn, nếu nhân quyền ở Việt Nam như bức tranh các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã vẽ ra, ông P.Roesler sẽ không đến Việt Nam hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp (startup). Vì thế, các cá nhân, tổ chức đang vu cáo, bịa đặt về nhân quyền ở Việt Nam nên tiếp cận ý kiến của những người gốc Việt sau khi về thăm quê hương, để thấy nhân quyền đích thực là gì. Thí dụ ngày 14-3-2019, ông Dương Xuân Phương, người Mỹ gốc Việt, nói khi ghi hình tại California trong chương trình Tiếng quê hương: "Mỗi lần về Việt Nam, tôi lại thêm sung sướng vì thấy đất nước đã thay đổi nhiều quá. Ðến đâu, chỗ nào cũng làm tôi ngạc nhiên". Và họ nên tự vấn trước ý kiến của ông Ðức Lê - David Lee (Ða-vít Li), người Mỹ gốc Việt, trên Youtube ngày 11-3-2019, khi phản biện số người chưa đến Việt Nam nhưng vẫn hàm hồ phê phán: "Chưa đến Việt Nam thì biết gì mà nói, mà phán?!", từ đó có suy nghĩ, phát ngôn phù hợp với đạo lý, lương tri.

Với Việt Nam, dù còn nhiều khó khăn nhưng từ những thành tựu về nhân quyền đã đạt được và để khẳng định bản chất nhân văn của chế độ xã hội, thông qua Chính phủ kiến tạo vì dân để thúc đẩy phát triển bền vững, Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu với ưu tiên cao nhất là xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật để củng cố nền tảng thể chế, pháp lý và chính sách bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Ðồng thời, Việt Nam sẽ nỗ lực đẩy mạnh các chương trình cải cách hành chính để ngăn chặn, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực Nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ nhân quyền. Ðó là cơ sở bảo đảm sinh kế bền vững cho toàn dân, mọi người có quyền mưu cầu hạnh phúc, và phát huy ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Ðó là giá trị, ý nghĩa cao cả mà nhân quyền đích thực mang lại cho xã hội - con người Việt Nam, không ai có thể phủ nhận.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 19-3-2019.

Sự thật không thể phủ nhận