Bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" thật sự là bài học rất có giá trị của cách mạng Việt Nam với những phân tích, đánh giá và tổng kết hết sức đầy đủ, rõ ràng về lý luận và thực tiễn trong hoạt động hơn 90 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua đều bắt nguồn từ sự kiên định của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức mạnh, khát vọng và niềm tin của nhân dân Việt Nam đối với chủ nghĩa xã hội - con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam. Đây là một trong những bài học lớn và cũng là di sản vô giá của cách mạng Việt Nam.
Ngay từ khi thành lập năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa.
Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam trải qua những chặng đường lớn. Đó là cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ kéo dài 21 năm, thống nhất đất nước năm 1975, sau đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cùng nhân dân Campuchia lật đổ bè lũ diệt chủng Pôn Pốt và xây dựng đất nước trong bối cảnh bị bao vây cấm vận. Trong suốt quá trình đấu tranh gian khổ này, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn kiên định với mục tiêu và con đường chủ nghĩa xã hội.
Năm 1986 có thể coi là mốc thời gian nổi bật khi Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới. Sau Đại hội VI - Đại hội “đổi mới” (tháng 12/1986), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1991) được tiến hành trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, trật tự thế giới bị thay đổi.
Ở trong nước, tình hình hết sức khó khăn bởi sự chống phá của các thế lực thù địch, tìm mọi cách thực hiện “diễn biến hòa bình”, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, hậu quả do sự “bao vây cấm vận”... nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xác định: lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, phù hợp với điều kiện thực tế của cách mạng Việt Nam để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng là: Lãnh đạo nhân dân xây dựng nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và cuối cùng thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Đây thật sự là sự sáng tạo hết sức mới mẻ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 01/2011) một lần nữa khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử (Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.24). Đại hội cũng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Để đưa đất nước phát triển đi lên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, có quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các nước trên thế giới.
Mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam và giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đó là “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người... sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội... hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”. Nội dung trên không chỉ là mục tiêu mang tính nhân văn của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ là khát vọng của nhân dân Việt Nam, không chỉ là tôn chỉ để cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam phấn đấu, trưởng thành, mà còn là vũ khí để đập tan sự xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng cản trở sự phát triển của Việt Nam theo con đường đã chọn.
Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 01/2021) nhấn mạnh: “35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử...”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.25)
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 343,6 tỷ đô-la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Tỷ lệ nghèo mỗi năm giảm 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ. Hơn 97 triệu người dân Việt Nam, gồm 54 dân tộc, trong đó hơn 60% số dân sống ở nông thôn được hưởng phúc lợi xã hội từ công cuộc đổi mới. Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1980 và cải thiện đáng kể đời sống nhân dân.
Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân... Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.
Là một nước láng giềng có quan hệ truyền thống hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với Việt Nam, Campuchia rất vui mừng chứng kiến những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã và đang đạt được. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, nhân dân Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.