Sử dụng tiết kiệm để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

NDO - Ngày 14/7, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị “Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022”. Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành liên quan cùng đại diện Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022 tại Đà Nẵng.
Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022 tại Đà Nẵng.

Báo cáo của Bộ Công thương khẳng định, an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện và an ninh năng lượng nói chung cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức 8,5%/năm. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét năng lượng tái tạo chỉ khoảng 18%. Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Như vậy trong giai đoạn 2023-2025, miền bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện.

Theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025. Vì vậy, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời cần tiếp tục định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 và rà soát sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Sử dụng tiết kiệm để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ảnh 1

Đại biểu dự Hội nghị trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu các giải pháp, mô hình, thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng nhấn mạnh: “Song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050”.

Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội. Các văn bản Luật, Nghị Quyết, thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán về của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vai trò quan trọng mang tính chiến lược của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Triển khai Chương trình VNEEP3, Bộ Công thương đã phối hợp các Bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025. 63 tỉnh thành trong cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, trong đó nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn.

Tại Hội nghị, Bộ Công thương đã trình bày kế hoạch triển khai các hoạt động thuộc Chương trình VNEEP3 cũng như công tác rà soát sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian cho đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một số sở, ban ngành địa phương và các doanh nghiệp tích cực trình bày, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến công tác triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, triển khai Chương trình VNEEP tại địa phương, thúc đẩy mạng lưới hoạt động tiết kiệm năng lượng, công tác phát triển nguồn nhân lực.

Trong khuôn khổ hội nghị, đại biểu sẽ được tham quan tìm hiểu về mô hình hiệu quả năng lượng trong hệ thống điều hòa không khí, giải pháp hiệu quả năng lượng trong chiếu sáng; giải pháp tiết kiệm nhiên liệu đốt công nghiệp…

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình đề ra các giải pháp toàn diện và đồng bộ trong việc: (i) Xây dựng, kiện toàn và thực thi mạnh mẽ các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Thiết lập các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, các hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên tất cả các mặt của nền kinh tế và của toàn xã hội.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ-TW về định hướng chính lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị Quyết một lần nữa khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.

Ngày 7/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra.