Thực tế đã cho thấy, nhu cầu sử dụng đất của các địa phương vào mục đích an sinh, phát triển kinh tế-xã hội là rất lớn.
Việc có thêm một nguồn quỹ đất để sử dụng đang là mong mỏi của người dân cũng như các cấp chính quyền địa phương. Trong khi đó, mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng người dân trước thiên tai.
Phạm vi quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình bao gồm địa phận 15 tỉnh, thành phố, gồm Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Thực tế, Quyết định số 429 đã thỏa mãn nhu cầu cho các khu vực dân cư tập trung hiện có theo quy định được tồn tại, bảo vệ, cụ thể: được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.
Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở trong khu dân cư hiện có sẽ thuộc thẩm quyền của các địa phương theo quy định tại Điều 27 Luật Đê điều, tạo điều kiện thuận lợi ổn định đời sống người dân ở các khu vực này.
Đối với các khu dân cư hiện có dọc các hệ thống sông này nhưng chưa có trong quy định, UBND cấp tỉnh tổ chức xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu vực dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ để đưa vào quy hoạch tỉnh và chịu trách nhiệm về số liệu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: khu phố cổ, làng cổ theo quy định; diện tích nhỏ hơn 5 ha và có từ 400 người (hoặc 100 hộ) trở lên; diện tích lớn hơn 5 ha và có mật độ dân cư từ 80 người/ha (20 hộ/ha) trở lên, trong đó không được quy đổi khu vực có mật độ dân cư cao bù cho khu vực có mật độ dân cư thấp; có cao độ nền tự nhiên khu dân cư cao hơn mực nước lũ thiết kế đê.
Trao đổi về những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện với chúng tôi, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội có diện tích bãi sông lớn. Các bãi Tàm Xá - Xuân Canh (huyện Đông Anh) và Long Biên - Cự Khối (quận Long Biên) được quy hoạch xây dựng đô thị.
Trong đó diện tích xây dựng công trình, nhà ở mới và các hoạt động tôn cao bãi sông không vượt quá 15% diện tích bãi sông, phần diện tích bãi sông còn lại được sử dụng cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội bao gồm cả xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng nhưng không làm tôn cao bãi sông hiện có.
Qua tính toán của các chuyên gia, một số khu vực được phép xây dựng 15% tổng diện tích xây dựng của các bãi sông trên tuyến sông không làm thay đổi mực nước và lưu lượng lũ trên hệ thống sông.
Những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp trình Chính phủ để thực hiện quy định mới về phòng chống lũ trên các hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, nhằm phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương ven hệ thống các sông này. Các quy định bảo đảm nguyên tắc chống lũ triệt để bằng hệ thống đê và không để tình trạng sử dụng tràn lan bãi sông.
Việc xây dựng, sử dụng bãi sông được cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán chung cho toàn hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để bảo đảm không gian thoát lũ.
Theo Trưởng phòng Quản lý đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Trần Công Tuyên, đến thời điểm này, nhiều địa phương đã và đang lập quy hoạch tỉnh, cho nên cần đưa ngay phương án phòng chống lũ vào quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi bức thiết có quỹ đất lớn phục vụ kinh tế-xã hội, nhiều địa phương lại mong muốn tăng diện tích xây dựng hoặc đề xuất ở vị trí không đúng.
Cá biệt, có địa phương xây xong trở thành vi phạm thì lại báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tồn tại. Điển hình như ở Vĩnh Phúc có khu vực FLC Vĩnh Thịnh, khu vực trung tâm nhà văn hóa đa năng của FLC. Bộ đã có nhiều văn bản khẳng định việc xây dựng vi phạm Luật Đê điều và Bộ chưa thẩm định, chưa trình Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù vậy, khi bị đề nghị xử lý vi phạm thì tỉnh Vĩnh Phúc lại có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ là để phát triển kinh tế-xã hội và đề nghị xem xét tháo gỡ.
Sử dụng đất bãi sông cần cân đối hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế với an toàn trước thiên tai. Theo đó, địa phương nào có nhu cầu tăng diện tích ở một bãi sông nào đó cần đề xuất, xin ý kiến.
Tuy nhiên tổng diện tích xây dựng bãi sông trên địa bàn toàn tỉnh không quá 5%. Ngoài ra, diện tích còn lại cũng phải làm theo hướng dẫn.
Cụ thể, làm sân golf mà đắp đồi làm ảnh hưởng không gian thoát lũ vẫn được tính là xây dựng và chỉ được xây dựng không quá 5%. Còn 95% còn lại cho phép xây dựng công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật nhưng không tôn cao bãi sông như đường giao thông, sân bóng đá, công viên,...
Trong chuyến đi khảo sát một loạt tỉnh có đất bãi sông dọc sông Hồng, sông Thái Bình chúng tôi nhận thấy, hầu hết các địa phương đều kiến nghị đề xuất điều chỉnh diện tích sử dụng bãi sông tăng lên từ 15-100% để mời gọi đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Qua thống kê, 7/15 tỉnh đề xuất tăng tỷ lệ diện tích xây dựng tại các bãi sông được phép nghiên cứu xây dựng từ tỷ lệ 5% lên 15% đến 100%.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Công Tuyên cho biết, từ các đề xuất của địa phương, qua tính toán sơ bộ, nếu tăng tỷ lệ sử dụng bãi sông theo đề xuất thì sẽ làm gia tăng nước lũ trên hệ thống sông.
Với diễn biến thiên tai bất thường và quy mô của nền kinh tế hiện nay, nếu để xảy ra vỡ đê thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Thí dụ sông Hồng đoạn qua Hưng Yên, nếu đồng ý theo đề xuất của địa phương thì sẽ làm gia tăng 45cm nước lũ. Hay có địa phương đề nghị cho phép sử dụng bãi sông theo nhu cầu quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương mình.
Như vậy, về phòng chống lũ là rất mất an toàn, cho nên xuyên suốt quá trình thực hiện, các địa phương phải bảo đảm mục tiêu và tiêu chuẩn phòng chống lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình là số một.
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 8/12/2023.