Sri Lanka dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm nhân Đại lễ Phật Đản

NDO -

Ngày 15/5, Sri Lanka đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc để người dân nước này tham gia các hoạt động mừng Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2566, Dương lịch 2022, sự kiện tôn giáo quan trọng nhất tại quốc gia Nam Á này.

Người dân tham gia các hoạt động mừng Đại lễ Phật Đản tại Chùa Gangarama ở Colombo, Sri Lanka, ngày 15/5/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân tham gia các hoạt động mừng Đại lễ Phật Đản tại Chùa Gangarama ở Colombo, Sri Lanka, ngày 15/5/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Sri Lanka công bố nghỉ Đại lễ Phật Đản hai ngày và tuyên bố dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trong ngày 15/5 nhưng không nêu rõ khi nào hay có tái áp đặt lệnh giới nghiêm hay không.

Trước đó, Chính phủ Sri Lanka cũng lên kế hoạch tổ chức mừng Đại lễ Phật Đản cấp nhà nước tại chùa Kuragala ở phía nam, nhưng đã phải hủy bỏ. Một quan chức Bộ Phật giáo Sri Lanka cho biết các Phật tử được phép tự tổ chức lễ mừng Đại lễ Phật Đản.

Nhân Đại lễ Phật Đản, Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đã kêu gọi người dân đoàn kết để tìm giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị tại quốc gia Nam Á này.

Trong thông điệp mới, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa kêu gọi tất cả các đại biểu nhân dân cùng nhau làm việc để đại diện cho người dân tìm ra giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe kêu gọi khôi phục sự ổn định và kiểm soát tình hình, trong đó người dân Sri Lanka cần tập hợp lại và đoàn kết để đưa ra các quyết định giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Lệnh giới nghiêm được áp dụng trong tuần qua sau khi xảy ra các vụ bạo loạn đường phố khiến 9 người thiệt mạng và hơn 225 người bị thương. Sau khi vụ việc xảy ra, cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã xin từ chức.

Tân Thủ tướng Wickremesinghe đang nỗ lực thành lập một chính phủ đoàn kết trước thềm cuộc họp quốc hội diễn ra vào ngày 17/5 tới. Đây là phiên họp quốc hội đầu tiên diễn ra sau khi ông Wickremesinghe nhậm chức.

Sri Lanka đang đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trong khi lạm phát cao kỷ lục và không đủ điện sử dụng. Cuộc sống người dân khó khăn dẫn tới những bất ổn chính trị và xã hội leo thang.

Trong ngày 15/5, tân Thủ tướng Wickremesinghe, 73 tuổi, cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm tìm nguồn hỗ trợ để khắc phục các vấn đề trong chuỗi cung ứng dược phẩm, thực phẩm và phân bón.