Sóng nhiệt ở châu Âu khiến du khách thay đổi thói quen du lịch

NDO - Theo các chuyên gia du lịch và môi trường, nhiệt độ mùa hè tăng vọt trên khắp miền nam châu Âu có thể dẫn tới sự thay đổi lâu dài trong thói quen du lịch. Nhiều du khách sẽ chọn các điểm đến mát mẻ hơn hoặc đi nghỉ vào mùa xuân hoặc mùa thu để tránh cái nóng khắc nghiệt.
0:00 / 0:00
0:00
Một tình nguyện viên của dịch vụ y tế khẩn cấp tại Hy Lạp phát nước miễn phí cho du khách tại thành cổ Acropolis hôm 14/7. (Ảnh: REUTERS)
Một tình nguyện viên của dịch vụ y tế khẩn cấp tại Hy Lạp phát nước miễn phí cho du khách tại thành cổ Acropolis hôm 14/7. (Ảnh: REUTERS)

Rút ngắn kỳ nghỉ vì sóng nhiệt

Anita Elshoy và chồng, những người đã trở về nhà ở Na Uy từ điểm nghỉ mát yêu thích của họ là Vasanello, một ngôi làng phía bắc Rome, Italia sớm hơn một tuần so với kế hoạch trong tháng này do nhiệt độ tại Vasanello đã lên tới khoảng 35 độ C.

"(Tôi) rất đau ở đầu, chân và các ngón tay (của tôi) sưng lên và tôi hay bị chóng mặt hơn", Elshoy nói với Reuters về các triệu chứng mà cô gặp phải liên quan đến tình trạng nhiệt độ tăng cao. "Chúng tôi dự định ở đó trong hai tuần, nhưng chúng tôi không thể (ở lại) vì nóng".

Sóng nhiệt ở châu Âu khiến du khách thay đổi thói quen du lịch ảnh 1
Một du khách đang làm mát tại một trong các đài phun nước công cộng tại Rome, Italia hôm 17/7. (Ảnh: REUTERS)

Nhu cầu đi du lịch đã tăng trở lại vào mùa hè này sau nhiều năm bị hạn chế do đại dịch. Hiện các công ty du lịch châu Âu cho biết, nắng nóng vẫn chưa gia tăng tình trạng hủy chuyến. Như tại Anh, người dân vẫn tiếp tục đặt các kỳ nghỉ ở Địa Trung Hải.

Nhưng điều này có thể thay đổi khi các đợt nắng nóng trở nên khắc nghiệt hơn. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng tình trạng biến đổi khí hậu do khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và gây chết người nhiều hơn.

Catherine Livesley, người sáng lập công ty điều hành tour du lịch miễn phí No Fly Travel Club, cho biết: “Mặc dù không dẫn đến gia tăng tình trạng hủy chuyến, nhưng đợt nắng nóng “chắc chắn khiến trải nghiệm kỳ nghỉ của khách trở nên kém thú vị hơn”.

Cô cũng nói thêm rằng một tác động đáng tiếc khác của đợt nắng nóng là tạo ra “sự đánh đổi giữa lượng khí thải và sự thoải mái của khách”, vì điều hòa không khí trở thành một yêu cầu về sức khỏe và an toàn đối với khách du lịch.

Hôm 16/7, tại Athens, khi nhiệt độ cao nhất trên 40 độ C, nhà chức trách đã phải đóng cửa thành cổ Acropolis, nơi có đền Parthenon được hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, từ 12 giờ đến 17 giờ (giờ địa phương) để bảo vệ sức khỏe của du khách.

Sóng nhiệt ở châu Âu khiến du khách thay đổi thói quen du lịch ảnh 2

Một nữ du khách hụt hơi trong nắng nóng tại thành cổ Acropolis. (Ảnh: REUTERS)

Rất đông du khách trước đó đã xếp hàng dài dưới cái nóng để vào thăm quan địa điểm thành cổ Acropolis. Nhiều người đội mũ và mang theo quạt cá nhân, những người khác uống nước và mang theo ô. Ngọn đồi trở nên đặc biệt ngột ngạt do độ cao và thiếu bóng râm. Một phụ nữ ngồi trên mặt đất đã được các nhân viên y tế chăm sóc sau khi bị ngất xỉu. Những người khác được đưa xuống từ đồi Acropolis bằng xe golf và chuyển sang xe lăn.

Ở Italia, khách du lịch tìm cách làm mát cơ thể bằng cách té nước từ các đài phun nước ở Rome và đứng dưới những chiếc quạt khổng lồ được dựng bên ngoài Đấu trường La Mã.

Các nhà khí tượng học dự đoán rằng nhiệt độ trong tuần tới có thể vượt qua mức kỷ lục 48,8 độ C đo được tại Sicily hồi tháng 8/2021.

Mùa du lịch cao điểm sẽ thay đổi do sóng nhiệt?

Khách du lịch ở Rome nói với Reuters rằng họ sẽ suy nghĩ kỹ về việc trở lại Rome vào tháng 7 khi họ phải vật lộn với cái nắng nóng bằng cách uống đủ nước, giữ mát và tìm những chỗ có điều hòa để nghỉ ngơi.

"Tôi sẽ đến khi trời lạnh hơn. Chỉ có tháng 6, tháng 4", cô Dalphna Niebuhr, một du khách người Mỹ đi nghỉ cùng chồng ở Rome tuần này, cho biết. Cô cho biết cái nóng khiến chuyến đi của cô "vô cùng vất vả".

Dữ liệu của Ủy ban Du lịch Châu Âu (ETC) cho thấy, khi thời tiết nắng nóng dẫn đến hạn hán và cháy rừng, số người hy vọng đi du lịch đến khu vực Địa Trung Hải từ tháng 6 đến tháng 11 đã giảm 10% so với năm ngoái.

Trong khi đó, mức độ quan tâm tới các điểm đến như Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Ireland và Bulgaria đã tăng đột biến.

Ông Miguel Sanz, người đứng đầu ETC cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng điều kiện thời tiết khó lường trong tương lai sẽ có tác động lớn hơn đến sự lựa chọn của du khách ở châu Âu”.

Sóng nhiệt ở châu Âu khiến du khách thay đổi thói quen du lịch ảnh 3

Khách du lịch xếp hàng để vào bảo tàng Cung điện Hoàng gia giữa đợt nắng nóng ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 17/7. (Ảnh: REUTERS)

Một báo cáo của cơ quan thương mại cũng cho thấy 7,6% du khách hiện coi các đợt thời tiết khắc nghiệt là mối quan tâm chính cho các chuyến đi từ tháng 6 đến tháng 11.

“Nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy sự sụt giảm lượng khách mong muốn đi du lịch vào tháng 8, vốn là tháng cao điểm, trong khi nhiều người châu Âu đang cân nhắc chuyển kỳ nghỉ vào mùa thu”, người đứng đầu ETC Miguel Sanz nói.

Bộ Môi trường Italia cảnh báo trong một báo cáo năm nay rằng, du khách nước ngoài trong tương lai sẽ đi du lịch nhiều hơn vào mùa xuân và mùa thu, chọn những điểm đến mát mẻ hơn.

Ở Hy Lạp, nơi lượng khách quốc tế đến bằng đường hàng không tăng 87,5% so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 1 đến tháng 3, tình trạng quá tải vào mùa hè đã gây khó khăn cho các điểm du lịch hấp dẫn như đảo Mykonos.

Bộ Môi trường Hy Lạp kỳ vọng lượng du khách tăng lên trong các tháng mùa đông, mùa xuân và mùa thu có thể giúp giảm bớt tình trạng quá tải trong mùa hè.

Theo báo cáo từ hiệp hội du lịch quốc gia Tây Ban Nha Exceltur, nhu cầu nghỉ dưỡng cao dự kiến sẽ diễn ra tại các điểm đến ven biển ở phía bắc đất nước và trên các hòn đảo du lịch, nơi nhiệt độ mùa hè có xu hướng mát hơn.

Đối với cô Elshoy, mùa hè ở Nam Âu có thể là dĩ vãng. Thay vào đó, cô cho biết sẽ cân nhắc đi nghỉ ở quê nhà Na Uy bởi gia đình cô không muốn có thêm một kỳ nghỉ với các triệu chứng đau đầu và chóng mặt vì nhiệt độ.