Sơn Tây lấy văn hóa làm động lực

Triển khai Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, thị xã Sơn Tây đã tập trung phát triển văn hóa-xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh. Việc xác định nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm giúp Sơn Tây nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình số 06.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm lý thú khi đến với làng du lịch Lòng Hồ (thị xã Sơn Tây).
Khách du lịch được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm lý thú khi đến với làng du lịch Lòng Hồ (thị xã Sơn Tây).

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chưa đến một giờ lái xe, thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây) đang nổi lên là một điểm du lịch mới đầy hấp dẫn, với những trải nghiệm độc đáo. Thôn Lòng Hồ có diện tích đất tự nhiên 90 ha, nằm trên một bán đảo vươn ra hồ Đồng Mô thơ mộng. Đến đây, du khách sẽ được hít thở không khí trong lành, dễ chịu, cảnh vật còn nhiều nét hoang sơ, được trải nghiệm nét đẹp cuộc sống thôn quê với các hoạt động nông nghiệp, trải nghiệm bơi thuyền trên hồ...

Nhận thấy tiềm năng du lịch to lớn của Lòng Hồ, thị xã Sơn Tây đã phát triển các cơ sở kinh doanh du lịch, phát triển theo nhiều mô hình đa dạng. Những điểm dừng chân hấp dẫn ở thôn Lòng Hồ gồm có: vườn lan Nghinh Xuân Việt Nam; ẩm thực Hoa Viên; nhà vườn ông Bảy, homestay Nhà Duối... kết hợp với các địa danh du lịch nổi tiếng khác như: Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, đền Và, các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh..., đưa Sơn Tây trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch. Đây chính là một trong những điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Sơn Tây là trung tâm của xứ Đoài xưa, hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, mang đặc trưng nổi bật của vùng đất xứ Đoài. Địa bàn Sơn Tây có 244 di tích, trong đó có 74 di tích đã được xếp hạng. Thị xã Sơn Tây còn có 75 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, nổi bật nhất là Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh.

Sở hữu một kho tàng văn hóa lớn, triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Thị ủy Sơn Tây đã xây dựng và triển khai Chương trình số 11-CTr/TU ngày 21/12/2020 của Thị ủy Sơn Tây về “Phát triển văn hóa-xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Đối với công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, giai đoạn từ 2021 đến 2025, thị xã Sơn Tây được đầu tư 24 dự án với tổng đầu tư hơn 1.190 tỷ đồng. Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hiện thị xã đã giải ngân đầu tư bốn dự án với tổng số vốn 13,8 tỷ đồng.

Từ năm 2021 đến nay, thị xã đã xếp hạng năm di tích cấp thành phố và nâng cấp xếp hạng ba di tích cấp quốc gia. Đối với di tích Làng cổ Đường Lâm, thị xã đã lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích, đề nghị thành phố nhất trí chủ trương cho phép thực hiện điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm.

Việc đầu tư, tu bổ di tích là tiền đề để phát triển du lịch. Ngoài ba khu du lịch chính theo quy hoạch gồm: Khu du lịch Đồng Mô; khu trung tâm thị xã và khu du lịch hồ Xuân Khanh, những năm gần đây, thị xã tập trung phát triển thêm những địa chỉ du lịch mới như: Chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, Văn Miếu Sơn Tây…

Trong đó, việc xây dựng điểm du lịch Lòng Hồ thành điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn là một nỗ lực mới nhằm tăng sức hút cho du lịch Sơn Tây. Thị xã cũng tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá, thu hút du khách như “Mùa thu Làng cổ” với các hoạt động chợ quê, trưng bày trang phục truyền thống, thi cỗ truyền thống; tổ chức các chuyên đề trưng bày tại Thành cổ...

Với những nỗ lực này, Sơn Tây đang trở thành điểm sáng du lịch của Thủ đô. Mới đây, tại Hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia đã đề xuất xây dựng Sơn Tây-Ba Vì thành thành phố du lịch, lấy thị xã Sơn Tây làm trung tâm, để tạo động lực phát triển cho vùng.

Phó Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, thời gian tới, Sơn Tây tiếp tục tập trung làm tốt Chương trình Phát triển văn hóa-xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh; phát triển công nghiệp văn hóa thông qua đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Thị xã cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao nhằm quảng bá tiềm năng và phục vụ phát triển du lịch dịch vụ; phối hợp các doanh nghiệp lữ hành kết nối di tích lịch sử-văn hóa, các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian trên địa bàn với các tour, tuyến du lịch của thành phố ■