Sơn La thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học

NDO -

Không chỉ thực hiện tốt quy chế dân chủ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ..., ngành giáo dục Sơn La còn triển khai tốt việc thực hiện quy chế dân chủ trong dạy và học. Câu chuyện "bốc thăm" cô giáo chủ nhiệm, "bốc thăm" lớp học và tuyển sinh trực tuyến là những nội dung đã được ngành giáo dục Sơn La triển khai hiệu quả với sự đồng thuận cao từ nhiều phía.

Hội nghị bốc thăm lớp học cho giáo viên tại Trường Tiểu học Chiềng Lề, TP Sơn La.
Hội nghị bốc thăm lớp học cho giáo viên tại Trường Tiểu học Chiềng Lề, TP Sơn La.

Học sinh các bậc học của tỉnh Sơn La đã bước vào năm học mới được gần một tháng, nhưng câu chuyện về phát huy quy chế dân chủ trong tuyển sinh đã được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La triển khai thí điểm trước khi bước vào năm học vẫn đang được dư luận quan tâm và đánh giá cao.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sơn La, thông tin: Thực hiện sự chỉ đạo của ngành trong việc giảm áp lực trong tuyển sinh cho các trường khu trung tâm mỗi khi bước vào năm học mới và các giải pháp để tránh tình trạng tiêu cực trong việc tuyển sinh đầu cấp bậc mầm non, tiểu học, THCS khi vẫn còn việc chọn trường, chọn lớp, chọn giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã thông báo rộng rãi, có sự tham gia của phường, phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo các nhà trường. Tất cả các khâu thực hiện đều được triển khai dân chủ, minh bạch.

Sơn La thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học -0

Công khai minh bạch việc tuyển sinh đầu cấp sẽ giúp các giáo viên tránh được nhiều áp lực.

Đây là năm học đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La triển khai việc tuyển sinh trực tuyến với các nội dung được thực hiện công khai, minh bạch. Sở giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sơn La triển khai thí điểm tại 8 trường học thuộc bậc mầm non, tiểu học, THCS tại khu trung tâm. Đây là những trường học thường xảy ra tình trạng quá tải do học trái tuyến và có hiện tượng chạy trường, chạy lớp… Sau năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La sẽ đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai ra toàn tỉnh, nhất là đối với các đơn vị trường học khu trung tâm.

Bà Ngô Thị Minh The, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quyết Thắng, TP Sơn La cho biết, triển khai việc tuyển sinh trực tuyến và công khai việc bốc thăm chọn cô giáo chủ nhiệm, chọn lớp học và dùng phần mềm trộn đều số học sinh trong mỗi lớp sao cho cân bằng về giới tính, khu vực, dân tộc, đã đón nhận được sự ủng hộ cao của giáo viên và phụ huynh học sinh. Ngoài việc công khai dân chủ thông tin tuyển sinh đối với học sinh lớp 1, chúng tôi không còn áp lực do số hồ sơ nộp trái tuyến như trước, hay chịu áp lực từ việc xin cho con, cháu học trái tuyến từ nhiều phía. Đồng thời, thay đổi được tâm lý của phụ huynh luôn muốn xin cho con vào lớp có cô giáo dạy giỏi. Sẽ không còn việc lãnh đạo các trường khu xa trung tâm phải đi “đòi” học sinh của mình do phụ huynh cho con em mình học trái tuyến, dẫn tới trường thì nhiều học sinh, trường lại ít học sinh.

Trước khi bước vào năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo các nhà trường hoàn thành việc xây dựng quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường, nhất là việc tuyển sinh đầu cấp. Các nhà trường đã nhận thức rõ dân chủ trong đơn vị gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở và thực hiện những quy định của Luật Giáo dục theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong các hoạt động. Qua đó, góp phần bảo đảm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh được quyền giám sát, kiểm tra, đóng góp ý kiến, tham gia vào các hoạt động của nhà trường.

PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, thông tin: Để việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ đi vào thực tiễn, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, ban chuyên môn, đơn vị trường học.

Qua đó, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là quyền con người, quyền công dân và quyền dân chủ đã được Hiến pháp quy định. Việc bốc thăm giáo viên chủ nhiệm, bốc thăm lớp học hay dùng máy tính trộn học sinh phù hợp theo giới tính, sĩ số, thành phần dân tộc của mỗi lớp học là một trong nhiều nội dung nằm trong kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ của ngành đang triển khai. Thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần giảm thiểu những tiêu cực trong việc tuyển sinh khi đầu cấp thuộc các bậc học do tâm lý nhiều phụ huynh vẫn muốn chọn trường, chọn lớp cho con em mình. 

Đồng thời, cũng tránh ảnh hưởng tới tâm lý giảng dạy giữa các giáo viên trong trường, khi xảy ra việc phụ huynh chỉ thích chọn cho con mình học lớp giáo viên này chứ không phải giáo viên kia…

Bà Nguyễn Tuyết Minh, phụ huynh học sinh, phường Chiềng Lề, TP Sơn La, cho biết: Đúng là có tình trạng phụ huynh có con chuẩn bị vào học mầm non hay tiểu học đều dùng các mối quan hệ để xin được cho con học trái tuyến tại các trường trung tâm hay xin cho con vào lớp có cô giáo dạy giỏi... Cũng từ đó đã phát sinh ra những tiêu cực khi chạy trường, chạy lớp. Chúng tôi ủng hộ rất cao cách làm như năm nay khi phụ huynh là người tham gia giám sát trước sự chứng kiến của tổ, phường để tổ chức cho các cô giáo bốc thăm lớp học và học sinh, thay vì có sự xắp xếp, lựa chọn như trước.

Trong 2 năm trở lại đây, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã và đang giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành về tầm quan trọng, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Thông qua các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã quán triệt đến từng cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động về công tác dân chủ.

Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động có đủ phẩm chất chính trị, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phát huy được tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của mỗi cá nhân để tham gia làm việc có năng suất, hiệu quả hơn.