Ở tạm trên đất người quen
Sau đợt mưa lũ tháng 11 năm ngoái, chị Đinh Thị Xơ cùng con gái và mẹ là bà Đinh Thị Rôn ở khu dân cư Măng Lăng chuyển đến khu dân cư Huy Duỗi, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây ở tạm. Trên nền đất hơn 50 m2 mượn tạm của người thân, căn nhà sàn nhỏ được dựng lên ngay đầu đường vào thôn. Căn nhà tạm là nơi ngủ, sinh hoạt cho ba người phụ nữ. Anh Đinh Văn Hới cùng con trai vẫn ở tạm khu nhà cũ để đi làm rẫy thuê. Năm ngoái, mưa lớn gây sạt lở đường Đông Trường Sơn, hàng nghìn khối đất đá trên cao đổ xuống khu dân cư Măng Lăng khiến nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Gia đình chị Đinh Thị Xơ chia đôi nơi ở để an toàn và về nơi cũ trồng mì, làm rẫy thuê. Nhiều tháng trôi qua, chị mong mỏi có nơi ở mới để an cư sinh sống. “Ổng ở bên nhà cũ đi làm thuê vì mùa nắng nên không sao. Mình ở đây tạm, đất mượn mang gỗ cũ qua dựng tạm ở. Giờ chờ nhà nước cho đất mới là mình đi” - chị Đinh Thị Xơ mong muốn.
Gia đình chị Đinh Thị Thương và anh Đinh Văn Trí ở ngay vùng sạt lở núi thôn Mang He, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây. Sau mưa lũ năm ngoái, để bảo đảm an toàn, vợ chồng chị Thương chuyển đến nơi ở tạm, cách nơi cũ hơn 2 km. Trên vườn nhà mượn tạm của cha mẹ, vợ chồng chị Thương dựng một phần ngôi nhà cũ làm nơi sinh hoạt tạm. Chưa thể ổn định nơi ở mới, cuộc sống, sinh hoạt khó khăn hơn trước.
“Mới dựng một phần nhà cũ ở tạm thôi, còn cây gỗ nhà sàn cũ chất ở đó cất chờ có đất làm lại. Mong cho có nơi ở để sớm làm nhà chứ không gỗ, cây hư mối ăn hết rồi” - anh Đinh Văn Trí sốt ruột.
Tại vùng sạt lở Sơn Tây, mùa mưa đi qua, nhiều hộ dân quay trở về nơi ở cũ để sinh sống, làm rẫy, trồng keo. Trong khi chờ di dời sang nơi ở mới, bà con vẫn lo lắng, bất an khi ở tạm dưới chân núi, bên cạnh tuyến đường đổ núi cũ.
“Ở đây mùa nắng thì không sao nhưng lúc mưa thì sợ, không dám đi đâu. Ở núi sắp là mùa mưa dông rồi, vài tháng nữa là mưa lớn. Mình cũng lo không biết tới lúc đó sẽ thế nào” - chị Đinh Thị Phi, suối Nước Nỏ, khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua lo lắng.
Cần sớm an cư cho bà con sạt lở núi
Liên tiếp những cơn bão lớn cuối năm 2020, đặc biệt là bão Molave đã xảy ra sạt lở núi nghiêm trọng vùi nhiều nhà dân và đe dọa các khu dân cư triền núi hai xã Sơn Long, Sơn Bua huyện Sơn Tây. Sạt lở nghiêm trọng đe dọa tính mạng trực tiếp 120 hộ dân và hàng trăm hộ dân các khu vực sạt lở nặng. Do vậy, việc di dời đến khu vực an toàn, xây dựng nơi ở mới là cấp thiết cho bà con vùng sạt lở huyện miền núi.
Ngay sau mùa mưa bão, chính quyền địa phương đã đưa ra các biện pháp khắc phục. Để bảo đảm nơi ở an toàn cho người dân các khu dân cư vùng sạt lở xã Sơn Bua và Sơn Long, huyện Sơn Tây đã lập phương án di dời dân đến nơi mới.
Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư xã Sơn Bua xây dựng trên tổng diện tích gần 5 ha, với tổng mức đầu tư 37 tỷ đồng. Trong đó, bố trí đất ở cho 53 hộ dân; xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng năng lượng mặt trời.
Tại vùng sạt lở xã Sơn Long, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư tập trung tại khu dân cư Măng Lăng trên diện tích 2,6 ha. Trong đó, bố trí đất ở, đất sản xuất cho 56 hộ; mỗi gia đình được 400 m2 nhà ở và đất sản xuất.
Với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng, chính quyền địa phương sẽ di dời 56 hộ dân trong vùng sạt lở khu dân cư Huy Duỗi về nơi ở mới. Cơ sở hạ tầng tại nơi ở mới đáp ứng yêu cầu cần thiết của người dân gồm đường giao thông, san nền, hệ thống điện - nước sinh hoạt.
Sau gần 7 tháng xảy ra mưa lũ, sạt lở đến nay, huyện Sơn Tây vẫn chưa xây dựng khu tái định cư mới cho người dân vùng lũ. Hiện chính quyền địa phương hoàn tất chọn lựa mặt bằng, các thủ tục hồ sơ dự án đang được gấp rút hoàn thành.
Ông Bùi Thanh Vân, Trưởng Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây cho biết, tiến độ thực hiện các công trình tái định cư cho nhân dân vùng sạt lở vẫn đang nỗ lực triển khai. Khó khăn nhất của vùng núi thường xuyên sạt lở, động đất là tìm kiếm mặt bằng, khu vực an toàn cho người dân ổn định đời sống.
“Chúng tôi không thể đưa bà con từ nguy hiểm này sang nguy hiểm khác, nên việc chọn vùng tái định cư phải cẩn trọng. Và cũng tránh tình trạng làm xong bà con không đến ở, nên khi chọn nơi ở mới cũng mời người dân tham gia để thống nhất chung. Phải an toàn và phù hợp với sản xuất, canh tác là quan trọng nhất” - ông Bùi Thanh Vân cho biết.
Theo tính toán của chính quyền địa phương, phương án và thời gian triển khai khu tái định cư vùng sạt lở phải qua mùa mưa sang năm mới có nhà ở cho nhân dân. Vì vậy, chuẩn bị cho mùa mưa đến, các đơn vị thi công đẩy mạnh san lấp mặt bằng và hoàn thành trước mùa mưa năm nay. Trong mùa mưa khi cần thiết, di dời tất cả các hộ dân bị sạt lở, nằm trong vùng sạt lở đến vị trí mặt bằng mới an toàn.
“Hiện nay vẫn còn nhiều hộ ở nhờ, ở ghép và một số ở vùng nguy cơ sạt lở. Nếu có mặt bằng chúng tôi chủ động tính toán sắp xếp bà con về tạm cho an toàn, trong khi chờ khu tái định cư, nhà mới hoàn thành. Các phương án đưa ra phù hợp sẽ giúp chính quyền địa phương chủ động hơn và an toàn cho dân khi mùa mưa lũ đến” - Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt chia sẻ.
Mỗi năm, hụyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra từ 3-5 vụ động đất. Mùa mưa lũ thường xuyên xảy ra sạt lở tuyến đường Đông Trường Sơn và cơ sạt lở núi, các khu dân cư xảy ra. Vì vậy, cùng với việc xây dựng khu tái định cư mới, giải quyết tình trạng sạt lở năm ngoái, huyện Sơn Tây tiếp tục đưa ra các biện pháp căn cơ hơn để vận động, di dời dân vùng triền núi, chân núi ra khỏi vùng nguy hiểm.
“Chúng tôi vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và một trong những nội dung quan trọng là lo cho người dân vùng sạt lở. Sắp tới chúng tôi rà soát tổng thể các vùng, khu vực dân cư nguy cơ sạt lở để tham mưu, đề xuất các biện pháp dài lâu hơn cho bà con vùng núi” - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân khẳng định.