Sớm thông dòng sông Tích

Là một trong những dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội, nhưng dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích sau gần 12 năm thi công vẫn dang dở. Thành phố Hà Nội đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, quyết tâm thông dòng sông Tích trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00

Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2010, có tổng mức đầu tư hơn 6.914 tỷ đồng, với mục tiêu cung cấp nước tưới cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp; bảo đảm tiêu thoát nước, phòng, chống lũ cho lưu vực và từng bước chuyển đổi công năng, khai thác hiệu quả nguồn nước hồ Suối Hai, Đồng Mô để phát triển du lịch... Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm chủ đầu tư.

Theo đại diện chủ đầu tư, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc. Cụ thể, các hạng mục cống đầu mối, kênh dẫn hạ lưu và thượng lưu cống đã hoàn thành, 18km trên tổng số 27,6km lòng dẫn cơ bản hoàn thành. Vừa qua, nhà thầu dự án đã hoàn tất việc thi công cống điều tiết Đầm Long, sáu cầu giao thông, bốn trạm bơm tưới, 23 cống tiêu 18km đường hai bờ sông Tích… Để hoàn thành 30% khối lượng còn lại của dự án, đơn vị thi công đã lập kế hoạch và tiến độ thi công chi tiết, sẵn sàng huy động đầy đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị, phấn đấu trước ngày 31/12/2022 sẽ thông dòng sông Đà với sông Tích. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi thực hiện phần khối lượng công việc còn lại là công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều vị trí dù đã được bàn giao mặt bằng, nhưng không liền tuyến, không có đường công vụ để tổ chức thi công...

Liên quan công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Phùng Hữu Lộc cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện Ba Vì còn 6,46ha chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, liên quan đến 46 hộ gia đình, cá nhân. Chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã hoàn tất. Các cơ quan chức năng của huyện đang tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng; đồng thời chuẩn bị phương án tổ chức cưỡng chế những trường hợp không chấp hành. Dự kiến ngày 25/8, huyện Ba Vì sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. Còn theo đại diện Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, đến nay trên địa bàn thị xã chỉ còn vướng mắc liên quan 450m2 của một hộ gia đình do chưa đồng ý giá đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Các cơ quan chức năng của thị xã đã áp dụng các chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo hướng có lợi nhất cho người dân. Trường hợp người dân không bàn giao mặt bằng, chậm nhất đến ngày 30/8, thị xã Sơn Tây sẽ hoàn thành cưỡng chế, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đưa nước sông Đà vào sông Tích trong năm 2022, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chu Phú Mỹ cho biết, nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thành toàn bộ cụm công trình đầu mối, thi công lòng dẫn và các công trình thủy lợi, giao thông, trong đó việc thi công lòng dẫn và các công trình thủy lợi, giao thông liên quan đến điều chỉnh định mức, bãi thải, bãi lấy đất đắp. Do đó trước mắt, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị ưu tiên hoàn thành cụm công trình đầu mối, hoàn chỉnh các hạng mục trên đoạn tuyến từ K0 đến K18.

Mới đây, tại buổi kiểm tra hiện trường dự án, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm của thành phố, được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, nhưng tiến độ thực hiện dự án chậm trễ. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu huyện Ba Vì chậm nhất đến ngày 26/8, còn thị xã Sơn Tây là ngày 31/8, phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư tổ chức thi công. Chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công hạng mục cấp điện, phai cống, xây lắp công trình cống đầu mối. Vị trí nào có mặt bằng sạch, các nhà thầu phải huy động cao nhất lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung thi công, bảo đảm đưa nước sông Đà vào sông Tích trong năm 2022.