Các trạm cho thuê xe đạp công cộng được bố trí tại các bến tàu xe, trường học, cơ quan công sở, các điểm công cộng hay các danh lam thắng cảnh… để thuận tiện cho người dân, khách du lịch thuê và trả xe.
Giá thuê một chiếc xe đạp trợ lực điện là 10.000 đồng cho 30 phút sử dụng, còn đối với xe đạp cơ là 5.000 đồng. Ðây là mức chi phí được người tiêu dùng và khách du lịch đánh giá là khá rẻ. Ðể sử dụng xe, khách thuê sẽ tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng, nạp tiền vào tài khoản, dùng thẻ từ hoặc smartphone quét QR code trên khóa xe để mở khóa. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ nên quá trình vận hành sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả người dùng và đơn vị quản lý. Các trạm xe không cần người trông coi. Người dùng có thể trả xe ở điểm trạm bất kỳ và ngay cả khi số tiền trong tài khoản không còn đủ, vẫn có thể tiếp tục di chuyển bằng xe đạp điện công cộng. Bởi tiền thuê xe sẽ được tính trong lần tiếp theo khi người dân nạp tiền vào tài khoản.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Ðề án xe đạp công cộng được UBND thành phố phê duyệt triển khai từ đầu năm 2021. Dự án được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện để phục vụ người dân. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2024), dự án mở rộng vùng phục vụ, quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.
Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng đang thu hút sự chú ý, quan tâm của người dân Hà Nội. Nhưng để loại hình này phát triển bền vững, đơn vị vận hành cần cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân, thường xuyên kiểm tra chất lượng phương tiện, bố trí các trạm xe khoa học, thuận tiện đi lại, bảo đảm cảnh quan môi trường. Quá trình vận hành, quản lý đều trên nền tảng công nghệ nên cần thường xuyên cải tiến công nghệ cho đơn giản, dễ sử dụng với tất cả mọi người, nhất là những người lớn tuổi không thông thạo thiết bị thông minh. Ðồng thời, bảo đảm tính kỹ thuật, vận hành ổn định của hệ thống phần mềm trung tâm, kết nối ứng dụng thông suốt, chính xác. Mỗi người dân cũng cần có ý thức trong sử dụng và giữ gìn tài sản chung, thực hiện nhiều hành động thiết thực hơn để xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp ■