Từ năm 2018, thành phố Hà Nội đã triển khai thẻ vé điện tử thông minh cho tuyến buýt nhanh BRT, nhưng chỉ được một thời gian phải tạm dừng vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng vé điện tử cho hệ thống vận tải hành khách công cộng là yêu cầu tất yếu.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, hiện tại, mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố có 154 tuyến xe buýt, một tuyến đường sắt đô thị, việc khai thác vẫn chủ yếu được thực hiện thông qua việc sử dụng vé giấy, thanh toán thủ công bằng tiền mặt.
Các tuyến đường sắt đô thị đã và đang triển khai mặc dù có hệ thống thẻ vé điện tử, nhưng có các công nghệ thẻ vé khác nhau vận hành độc lập, dẫn đến chưa bảo đảm tính liên thông. “Việc chưa đồng bộ thẻ vé gây khó khăn rất lớn trong việc tính toán, phân bổ sản lượng, doanh thu; chưa đa dạng được hình thức thanh toán; không bảo đảm tính liên thông và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân”, ông Thường nói.
Việc sớm triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội là rất cần thiết. Đây là cơ sở để thành phố triển khai các chính sách giá vé có tính ưu việt, hỗ trợ nhiều hơn cho hành khách, từ đó thu hút, gia tăng sản lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giúp đa dạng, tiện lợi hình thức thanh toán, tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước, từng bước hình thành thói quen thanh toán tự động, hạn chế sử dụng tiền mặt. Thông qua hệ thống vé điện tử, cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở dữ liệu quan trọng cho công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý hệ thống xe buýt một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Cuối tháng 11/2023, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm thẻ vé điện tử trên 14 tuyến xe buýt. “Hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức ngoài việc thực hiện bán vé, rà soát vé nhanh chóng, thuận tiện còn đáp ứng các yêu cầu quản lý điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng”, lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết. Để chủ động sử dụng, hành khách có thể đăng ký vé, mua vé, thanh toán online (qua Website, qua App mobile) hoặc thanh toán trực tiếp tại các quầy vé khi triển khai dịch vụ. Hệ thống chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code...
Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội, sau khoảng ba tháng triển khai đã phát hành hơn 9.300 thẻ vé tháng điện tử liên tuyến và hơn 2.645.000 lượt khách sử dụng vé điện tử trên các tuyến thí điểm.
Dự kiến trong quý II/2024, thành phố sẽ mở rộng sử dụng vé điện tử trên 10 tuyến xe buýt nữa, nâng tổng số tuyến xe buýt sử dụng vé điện tử lên 24 tuyến, một tuyến BRT và kết nối liên thông với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông.
Đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị tham gia thí điểm và những đơn vị vận hành bám sát diễn biến thực tế để hiệu chỉnh, hoàn thiện vấn đề phát sinh; sẽ hướng dẫn và phối hợp các đơn vị để sau thời gian thí điểm sẽ có báo cáo toàn diện và chuyên sâu về hoạt động thí điểm gửi cơ quan quản lý.
“Hoạt động thí điểm chỉ được coi là thành công khi đáp ứng tốt yêu cầu của ba đối tượng: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân; đáp ứng tốt yêu cầu này từ khi thí điểm mới có cơ sở để định hình cho việc phát triển nhân rộng ra toàn hệ thống”, Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương chia sẻ.