Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Bạc Liêu được khởi công xây dựng vào năm 2010, thuộc địa phận xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, với kinh phí hơn 200 tỷ đồng, do Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Sau hơn 10 năm xây dựng “ì ạch” kéo dài, đến đầu năm 2021 mới hoàn thành, gồm ba khu, quy mô một trệt, hai tầng lầu với hơn 100 giường bệnh.
Tuy nhiên, gần 2 năm qua, bệnh viện này chưa hề tiếp nhận một bệnh nhân nào, gây nhiều bức xúc, bất bình đối với cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, gần 2 năm qua, hơn 140 cán bộ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện này chủ yếu “ngồi không hưởng lương”, bởi bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân nào, do chưa được nghiệm thu chính thức.
Mặc dù là một tỉnh còn nghèo, thu ngân sách hàng năm rất khó khăn, nhưng tỉnh vẫn cố gắng “thắt lưng buộc bụng” đầu tư số tiền trên 200 tỷ đồng xây dựng bệnh viện này, nhằm phục vụ tốt nhân dân. Nhưng nhiều công trình, hạng mục thiết kế xây dựng không phù hợp. Nhiều máy móc, thiết bị y tế do chủ đầu tư là Sở Y tế Bạc Liêu mua về không đúng chủng loại theo hợp đồng; nhiều máy móc trị giá hàng chục triệu đồng chưa sử dụng đã hư hỏng, bỏ phế, lãng phí lớn.
Đây là bệnh viện có quy mô khá lớn, được “ưu tiên” đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất tỉnh Bạc Liêu tính đến thời điểm này. Trong đó có một máy chụp CT nhãn hiệu Canon do Nhật Bản sản xuất, loại 16 lát cắt, trị giá hơn 16 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều máy móc khác như: siêu âm, Xquang…, trị giá hàng tỷ đồng, nhưng không thể hoạt động vì không đồng bộ.
Máy CT hiệu canon 16 lát cắt, trị giá hơn 16 tỷ đồng mua về bỏ phế. (Ảnh: TRỌNG DUY) |
Một số công trình, hạng mục, máy móc tuy chưa sử dụng nhưng đã xuống cấp, hư hỏng. Trong đó có 4/8 máy giúp thở vừa lắp đặt, chưa hoạt động đã gặp “sự cố”. Ngoài ra, hệ thống máy xét nghiệm trị giá hàng tỷ đồng nhưng không có hóa chất kín để đưa vào hoạt động; ba xe cứu thương trị giá hơn năm tỷ đồng nhưng trang thiết bị kèm xe lại không đúng theo hồ sơ ban đầu; hệ thống xử lý nước thải chưa được nghiệm thu, cấp phép hoạt động…
“Trước tình trạng nêu trên, tôi đã mấy lần có báo cáo bằng văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu nêu rõ thực trạng tình hình; những bất cập, sai phạm của các cơ quan, đơn vị liên quan (chủ đầu tư là Sở Y tế Bạc Liêu và các đơn vị trúng thầu cung cấp các thiết bị y tế cho bệnh viện này”, bác sĩ Trần Văn Khánh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Bạc Liêu, nói.
Cụ thể, theo Báo cáo số 01 ngày 5/1/2022 của Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Bạc Liêu do Giám đốc bệnh viện Trần Văn Khánh ký, có nêu rõ về tình trạng các thiết bị: “Chủ đầu tư đã lắp đặt và bàn giao cho bệnh viện hệ thống thiết bị y tế theo Hợp đồng số 01/2020/MINEXPORT-SYTBL gói thầu số 11, gồm 77 danh mục, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều danh mục đã lắp đặt xong nhưng không thể nghiệm thu để bàn giao, đưa bệnh viện vào hoạt động, tiếp nhận bệnh nhân. Phần lớn các danh mục không có hồ sơ gốc, chỉ có bản photocopy, không thể bàn giao giá trị tài sản.
Nhiều thiết bị y tế mặc dù đã được Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng không thể bàn giao cho bệnh viện được do luôn gặp sự cố trong vận hành (toàn bộ hệ thống thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn và các máy giúp thở bị trục trặc). Ngày 3/12/2011, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu ban hành quyết định số 1254 tạm giao thiết bị cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi quản lý, sử dụng. Bệnh viện bất ngờ nhưng phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên, đồng thời không yên tâm khi đưa vào phục vụ người bệnh…”.
Máy chụp Xquang đời mới tại bệnh viện cũng bỏ phế. (Ảnh: TRỌNG DUY) |
Về vụ việc này, tại buổi Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: “Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng rất bức xúc về tình trạng này. Đồng thời, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan Thanh tra tỉnh vào cuộc thanh tra, kiểm tra kỹ nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần sớm chuyển hồ sơ qua cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để làm rõ, xử lý nghiêm minh đúng pháp luật”.
“Nhiều thiết bị, cấu hình không bảo đảm theo hồ sơ đấu thầu, máy móc trong hồ sơ ghi nước này nhưng nhận là nước khác nên đơn vị sử dụng chưa nghiệm thu. Vì vậy gần 2 năm nay bệnh viện chưa đưa vào hoạt động. Mặc dù gần đây chúng tôi đã nhờ các chuyên gia ở Bệnh viện Chợ Rẫy thẩm định các trang thiết bị có phù hợp hay không, song họ đều lắc đầu không dám đánh giá…”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết thêm.
“Chúng tôi thấy xót xa cho bệnh viện xây dựng xong rồi bỏ không. Theo tôi, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nên xem xét, có thể đưa Bệnh viện Lao và bệnh Phổi của tỉnh ghép vào một số khoa, phòng của Bệnh viện đa khoa tỉnh, vì hiện nay bệnh viện này đang rất quá tải, rất chật chội, có khoa 2 bệnh nhân chung một gường, rất khổ”, Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu, chia sẻ.