Sớm điều tra, làm rõ những sai phạm mua sắm thiết bị dạy ngoại ngữ tại Quảng Nam

NDO - Qua thanh tra đột xuất, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến 4 gói thầu mua sắm thiết bị dạy ngoại ngữ do Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, nơi xảy ra nhiều sai phạm trong mua sắm thiết bị dạy ngoại ngữ do AIC thực hiện.
Trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, nơi xảy ra nhiều sai phạm trong mua sắm thiết bị dạy ngoại ngữ do AIC thực hiện.

Giai đoạn từ năm 2011 đến 2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 7 gói thầu do AIC trực tiếp thực hiện, với tổng giá trị 64,157 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị hợp đồng đã ký kết và đã thanh, quyết toán 56,624 tỷ đồng. Trong 7 gói thầu, có 4 gói thầu cung cấp trang thiết bị dạy học ngoại ngữ do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư, 3 gói thầu xây lắp hệ thống xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Những dấu hiệu bất thường

Ngày 19/10/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3947/KH-UBND về thực hiện Quyết định 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 về việc phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện đề án, từ 2012-2020: 342,550 tỷ đồng; từ các nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia: 274,040 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp 34,255 tỷ đồng, nguồn khác 34,255 tỷ đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo mua sắm 4 gói thầu trang thiết bị dạy ngoại ngữ cho các trường phổ thông, với tổng mức đầu tư 37,689.715 tỷ đồng. 4 gói thầu này đều do AIC thực hiện, với số tiền 37,661.345 tỷ đồng.Trong đó, gói thầu số 1: 3,990 tỷ đồng, gói thầu số 2: 16,568.800 tỷ đồng, gói thầu số 3: 3,263.185 tỷ đồng và gói thầu số 4: 13,839.360 tỷ đồng.

Qua thanh tra, Đoàn Thanh tra cho rằng, việc Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức lựa chọn nhà thầu chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu số 1 là không đúng quy định; lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa bảo đảm theo quy định của Luật Đấu thầu 2013; cụ thể, không có quyết định mua sắm được phê duyệt.

Việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình duyệt giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng theo quy định. Gói thầu số 1 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3909/QĐ-UBND (ngày 11/12/2014) với giá là 4 tỷ đồng, nhưng tại Tờ trình số 32/TTr-GDĐT (ngày 12/02/2015) của Sở Giáo dục và Đào tạo trình với giá đề nghị 4,025 tỷ đồng, vượt 25 triệu đồng.

Đối với gói thầu số 2 về mua sắm trang thiết bị dạy ngoại ngữ cho các trường phổ thông phục vụ năm học 2016-2017, Đoàn Thanh tra nhận thấy, Sở Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa bảo đảm theo quy định; đề xuất giá hàng hóa trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu chỉ căn cứ vào thông tin chứng thư thẩm định giá, không có báo cáo kết quả thẩm định giá của cơ quan thẩm định giá.

Do vậy, không đủ cơ sở để xác định mức độ chính xác, tin cậy của thông tin về giá tài sản, không đúng theo quy định và không thực hiện thẩm định hồ sơ mời thầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Thanh tra tỉnh cho rằng, Sở Tài chính thực hiện thẩm định giá gói thầu số 2 về mua sắm trang thiết bị dạy học ngoại ngữ không đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo có Tờ trình số 110/TTr-SGDĐT (ngày 19/5/2016) về phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm phòng dạy học ngoại ngữ cho các trường phổ thông năm học 2016-2017 do ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ký; trong đó, phần giá trị đề nghị mua sắm trang thiết bị 19.865.525.000 đồng trên cơ sở chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá BTCvalue-Chi nhánh Đà Nẵng, nhưng không có báo cáo thẩm định giá.

Qua thẩm định, Sở Tài chính có Tờ trình số 301/TTr-STC (ngày 14/6/2016) gửi Ủy ban nhân dân tỉnh về ý kiến thẩm định giá gói thầu số 2 là 14.067.000.000 đồng dựa trên thông tin liên hệ qua điện thoại, email của một nhà cung cấp là không đủ cơ sở pháp lý.

Ngày 16/6/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn 2763/UBND-KHTH đề nghị Sở Tài chính chủ trì, làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo để rà soát, kiểm tra lại danh mục, cấu hình, xuất xứ trang thiết bị cần mua sắm và giá gói thầu để thống nhất báo lại Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngày 24/6/2016, hai bên đã tiến hành làm việc và Sở Tài chính có Văn bản số 1410/STC-GCS (ngày 29/6/2016) gửi Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất phê duyệt giá gói thầu số 2 là 16.578.715.000 đồng và đã được Ủy ban nhân dân phê duyệt giá gói thầu số 2, với số tiền 16.578.715.000 đồng.

Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 1104/QĐ-SGDĐT (ngày 1/12/2016) phê duyệt đơn vị trúng thầu là Công ty AIC, với giá trị 16.568.800.000 đồng. Việc xác định, thẩm định giá gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính không đúng quy định pháp luật nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, qua thanh tra gói thầu số 3 về mua sắm trang thiết bị dạy ngoại ngữ cho các trường phổ thông phục vụ năm học 2017-2018, Đoàn Thanh tra nhận thấy, việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng quy định Luật Đấu thầu năm 2013, cụ thể như: Không có quyết định mua sắm được phê duyệt, không có báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Qua thanh tra gói thầu số 4 về mua sắm trang thiết bị dạy ngoại ngữ cho các trường phổ thông phục vụ năm học 2016-2017, Đoàn Thanh tra phát hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa bảo đảm theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 34 Luật Đấu thầu 2013; cụ thể, không có quyết định mua sắm được phê duyệt.

Đối với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam phê duyệt hồ sơ mời thầu không bảo đảm công bằng minh bạch trong đấu thầu theo quy định Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Còn Sở Tài chính thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Đấu thầu năm 2013; cụ thể, không có báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan

Đáng nói, qua xem xét hồ sơ tổ chức lựa chọn nhà thầu, Đoàn Thanh tra nhận thấy, các nhà thầu tham dự các gói thầu có dấu hiệu vi phạm khoản 3 (các hành vi thông thầu) Điều 89 (các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu) Luật Đấu thầu năm 2013 mà Sở Giáo dục và Đào tạo không phát hiện.

Cụ thể, các công ty cùng tham gia dự thầu các gói thầu nộp hồ sơ không đáp ứng yêu cầu theo hồ sơ mời thầu lặp đi lặp lại lỗi là không cung cấp hàng mẫu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nên bị loại, chỉ có mỗi AIC là đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu nên trúng thầu?!

Mặt khác, Thanh tra tỉnh tiến hành xác minh, kiểm tra thực tế về số lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ, hãng sản xuất, model, series các trang thiết bị dạy ngoại ngữ do Sở Giáo dục và Đào tạo đã mua của AIC tại 4 gói thầu và bàn giao cho các trường học trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam, với tổng số tiền sai phạm không có xuất xứ, không đúng xuất xứ, không có nguồn gốc, với số tiền 4.853.625.000 đồng.

Trong đó, trang thiết bị dạy học ngoại ngữ Sở Giáo dục và Đào tạo mua của AIC xuất xứ là Singapore nhưng thực tế thiết bị bàn giao tại các trường không có xuất xứ, với số tiền 1.433.470.000 đồng.

Trang thiết bị dạy học ngoại ngữ Sở Giáo dục và Đào tạo mua của AIC là Singapore, nhưng thực tế thiết bị bàn giao tại các trường là của Trung Quốc, với số tiền 720.245.000 đồng.

Trang thiết bị dạy học ngoại ngữ Sở Giáo dục và Đào tạo mua của AIC xuất xứ là Đài Loan (Trung Quốc), nhưng thực tế thiết bị bàn giao tại các trường không có xuất xứ, với số tiền 2.699.910.000 đồng.

Ngoài ra, công tác giao nhận không chặt chẽ, buông lỏng quản lý; trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ đã mua sắm không thực sự phát huy hiệu quả như đề án đề ra, gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước.

Cụ thể, khi bàn giao cho đơn vị thụ hưởng tại một số trường không có biên bản nghiệm thu, bàn giao; khi nghiệm thu, bàn giao không có chủ đầu tư; có nơi sau khi nghiệm thu, bàn giao vài ngày, không sử dụng được; nơi sử dụng lâu nhất là 2 năm và mục đích sử dụng cũng không phải vào việc dạy và học ngoại ngữ như mục tiêu của đề án.

Với những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định đối với tập thể lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và các ông: Hà Thanh Quốc, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thân Đức Sửu, Phó Giám đốc Sở Tài chính; Đỗ Xuân Anh, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng tỉnh do vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm trang thiết bị dạy học ngoại ngữ tại 4 gói thầu thuộc đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.

Đồng thời, thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước số tiền sai phạm liên quan đến việc thực hiện các gói thầu dạy và học ngoại ngữ do AIC nhận thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo 4.856.242.000 đồng, cụ thể:

Ông Hà Thanh Quốc (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) và Tổ nghiệm thu bàn giao trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ của 4 gói thầu do AIC trúng thầu và cung cấp, gây thiệt hại ngân sách nhà nước, với số tiền 4.853.625.000 đồng; Sở Giáo dục và Đào tạo nộp số tiền sai phạm 2.617.000 đồng (do vi phạm về quản lý và sử dụng nguồn kinh phí bán hồ sơ mời thầu không đúng quy định).

Được biết, sau khi có kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành hồ sơ, chuyển thông tin sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật về mua sắm trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư và AIC nhận thầu sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết luận thanh tra cho thấy, việc xác định, thẩm định giá gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ (gói thầu số 2) do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính thực hiện không đúng theo quy định pháp luật, nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Các nhà thầu tham dự các gói thầu có dấu hiệu vi phạm khoản 3 (các hành vi thông thầu) Điều 89 (các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu) Luật Đấu thầu năm 2013.

Công tác nghiệm thu, bàn giao về số lượng, chất lượng, xuất xứ trang thiết bị không đúng theo danh mục mời thầu, trúng thầu, theo hợp đồng đã ký kết, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 4.853.625.000 đồng.