Sớm điều chỉnh tăng lương cơ sở

Đề xuất của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về phương án tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức từ ngày 1/7/2023 là một tín hiệu vui, thu hút sự quan tâm đông đảo dư luận xã hội.
0:00 / 0:00
0:00

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (khoảng 20%) nhằm bảo đảm giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công. Việc điều chỉnh này nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách trong bối cảnh 2,5 năm qua, có hơn 39.500 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo thống kê của Bộ Nội vụ (chiếm 2% tổng số biên chế được giao). Nguyên nhân chính là chế độ tiền lương từ ngân sách nhà nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Hiện nay, kinh tế nước ta đã dần hồi phục, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, do đó, việc tăng lương là hợp lý. Sau hai lần lỗi hẹn tăng lương vào tháng 7/2020 và tháng 7/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người hưởng lương hy vọng được tăng lương cơ sở sớm nhất có thể.

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, thời điểm thực hiện việc tăng lương từ ngày 1/7/2023 thay vì từ ngày 1/1/2023 là do thời gian đầu năm gần với Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân cũng như các doanh nghiệp tăng mạnh. Do đó, nếu thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm này sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.

Trước lý giải này của Bộ Tài chính, các đại biểu đang dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vẫn chưa thấy thỏa đáng và vẫn tiếp tục kiến nghị Chính phủ tính toán thời điểm tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023, bởi vì thời gian tăng lương kéo dài đã dẫn đến những khó khăn cho những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhất là ngành giáo dục, ngành y tế, cán bộ, công chức kể cả cấp xã. Việc tăng lương kịp thời giúp hỗ trợ những người làm công, ăn lương có thể vượt qua khó khăn sau thời gian ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Đây là nguồn động viên to lớn để người lao động tiếp tục gắn bó công việc lâu dài.

Đến nay, mức lương cơ sở và thời điểm tăng lương nêu trên cũng chỉ mới dừng lại ở đề xuất, kiến nghị. Dự kiến, phương án tăng lương sẽ được chốt vào ngày 10/11/2022 khi Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Rất nhiều người lao động mong chờ một quyết định điều chỉnh tiền lương bảo đảm quyền lợi và mang lại niềm vui trọn vẹn trong những ngày đầu năm mới 2023, bởi cơ chế tiền lương đang áp dụng vẫn còn tồn tại những bất cập, chưa đủ khuyến khích giữ chân cán bộ, công chức, viên chức. Lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng đây vẫn chưa phải là giải pháp dài hạn, mà cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để bảo đảm lương, thưởng phù hợp thực tế cho cán bộ, công chức, viên chức.