Sớm đầu tư hệ thống thoát nước khu vực Long Biên

Nằm ở cửa ngõ phía đông bắc Thủ đô, quận Long Biên có tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế phát triển. Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, tạo sức ép lớn đến môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Úng ngập thường xuyên xảy ra trên địa bàn quận Long Biên.
Úng ngập thường xuyên xảy ra trên địa bàn quận Long Biên.

Thời gian qua, quận Long Biên đã quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường giao thông. Tại các tuyến đường giao thông chính, hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải cũng được đầu tư tương đối đồng bộ. Công tác duy tu duy trì, quản lý vận hành hệ thống thoát nước được giao cho ba đơn vị thực hiện với tổng chiều dài hơn 500km cống rãnh, hơn 6.000 hố ga, 42km kênh mương, 18 hồ và 7 trạm bơm cục bộ.

Công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường được quận quan tâm, trong đó riêng năm 2021, lực lượng chức năng đã kiểm tra 110 cơ sở về nước thải công nghiệp, qua đó xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền 376 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng đối với 5 cơ sở.

Nửa đầu năm 2022, UBND quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 18 cơ sở có xả nước thải ra hệ thống sông Cầu Bây, qua đó xử phạt ba đơn vị có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường với tổng số tiền phạt 18,6 triệu đồng. UBND quận cũng khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước và đề xuất cải tạo 16 vị trí thường xuyên ngập úng.

Địa bàn quận Long Biên tập trung nhiều khu đô thị, như Khu đô thị mới Việt Hưng, Sài Đồng, Thạch Bàn, Thượng Thanh, Vinhome..., với tổng lượng nước thải phát sinh trung bình 140.000 m3/ngày đêm, nhưng đến nay chưa có hệ thống xử lý nước thải. Khu đô thị mới Việt Hưng đã đầu tư hệ thống như xử lý nước thải, nhưng chưa đưa vào hoạt động.

Cùng với đó, nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, từ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất cũng xả thải trực tiếp ra sông Cầu Bây, sông Hồng, sông Đuống, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Đặc biệt, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư cho nên phần lớn nước thải tiêu thoát theo hình thức tự chảy về sông Cầu Bây.

Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, quy hoạch hệ thống thoát nước trên địa bàn quận gồm hai lưu vực. Lưu vực một đã được đầu tư xây dựng trạm bơm dã chiến tại gầm cầu Đông Trù và Trạm bơm Gia Thượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu thoát nước, nhưng đối với lưu vực hai thì toàn bộ hệ thống mương, hồ và trạm bơm Cự Khối chưa được đầu tư xây dựng cho nên thường xuyên xảy ra úng ngập khi mưa lớn từ 100mm/ngày đêm.

Để giải quyết triệt để vấn đề úng ngập, HĐND thành phố đã có nghị quyết phê duyệt chủ trương, giao cho quận Long Biên đầu tư ba dự án thoát nước, gồm dự án xây dựng tuyến mương Việt Hưng, Cầu Bây, dự án xây dựng Trạm bơm Cự Khối và dự án tuyến mương Long Biên, Cự Khối. HĐND quận Long Biên đã thông qua việc cấp vốn cho ba dự án nêu trên và dự kiến khởi công cuối năm 2023.

Còn để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu Bây và các điểm tiếp nhận từ các nguồn thải sinh hoạt trong khu dân cư, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại Long Biên, gồm: Dự án Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng, công suất 31.500m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải An Lạc, công suất 29.600m3/ngày đêm và Nhà máy xử lý nước thải Ngọc Thụy, công suất 22.000m3/ngày đêm.

Mới đây, phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn quận Long Biên, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Long Biên cần gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, xã hội.

Trong lĩnh vực thoát nước, quận rà soát lại các nhiệm vụ thành phố đã giao, tập trung triển khai dứt điểm và phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, thoát nước, nhất là dự án xây dựng Trạm bơm Cự Khối; đồng thời giữ gìn cảnh quan và phát huy hiệu quả điều hòa của các hồ và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.