Sớm có hướng dẫn cụ thể về hàng thiết yếu

NDO -

Nhiều doanh nghiệp, chủ hàng đã khẩn thiết kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương sớm có hướng dẫn cụ thể về mặt hàng thiết yếu, hàng hóa được phép lưu thông tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải 63 tỉnh, thành phố về công tác vận tải hàng hóa gắn với phòng chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 26/7.        

Chốt kiểm soát phương tiện tại nút Pháp Vân – Cầu Giẽ, cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội.
Chốt kiểm soát phương tiện tại nút Pháp Vân – Cầu Giẽ, cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội - “điểm nóng” về giao thông

Hiện nay, dù Bộ Công thương đã ra văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7, hướng dẫn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, nhiều phản ánh thực tiễn từ phía doanh nghiệp vận tải, chủ hàng về những vướng mắc khi đăng ký vận chuyển những hàng hóa chưa có trong danh mục của Bộ Công thương và một số địa phương.

Đơn cử như thức ăn gia súc, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất phát triển kinh tế,… chưa được hướng dẫn đã gây lúng túng cho các Sở Giao thông vận tải khi xem xét cấp giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa (QR Code) cho doanh nghiệp, người dân.

Ngay khi nhận được phản ánh, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã trao đổi ý kiến ngay với Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông, đề nghị sớm có hướng dẫn, tháo gỡ cho doanh nghiệp cũng như người dân.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, từ khi TP Hà Nội triển khai Chỉ thị 17 của UBND thành phố, trong 3 ngày vừa qua “khu vực nóng nhất về giao thông” là tại các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố, cụ thể tại chốt trên Quốc lộ 1 (cầu Phù Đổng), chốt trên Quốc lộ 5 và chốt tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Đến ngày 26/7, qua kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đến nay tình trạng ùn tắc tại các chốt cửa ngõ TP Hà Nội đã cơ bản được giải quyết, giao thông đã trở lại thông thoáng hơn.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất với Cục Cảnh sát giao thông thành lập Tổ điều phối giao thông (có sự tham gia của các lực lượng chức năng tại địa phương, Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Đường bộ Việt Nam), xây dựng quy chế hoạt động của Tổ điều phối áp dụng thống nhất để điều tiết, phân luồng giao thông tại các chốt kiểm soát để giảm ùn tắc giao thông.

Đánh giá chung trong ngày 26/7, tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên quốc lộ, cao tốc và chốt tại một số tuyến đường đến TP Hồ Chí Minh cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Tại một số trạm kiểm soát như trạm Km376+200 (phía phải tuyến) Quốc lộ 6 tỉnh Điện Biên xảy ra ùn tắc dài khoảng 1km do các xe phải xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19, kéo dài từ khoảng 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút.

UBND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu tất cả những công dân khi vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, nếu xe nào không có buộc phải quay đầu về nơi xuất phát hoặc đợi để test nhanh tại trạm, do đó, nhiều xe phải xếp hàng đợi kết quả. Hoặc chốt trên Quốc lộ 18 đoạn qua Phả Lại (thị xã Chí Linh, Hải Dương) bị ùn tắc hơn 6km do Hải Dương không cho các lái xe không có kết quả xét nghiệm PCR âm tính đi qua chốt.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến ngày 26/7, tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT giao thông đều thực hiện tạm dừng thu phí hoặc miễn phí các phương tiện vận chuyển thuốc men, thiết bị, máy móc, vật tư, hàng hóa qua trạm. Toàn bộ các trạm thu phí trên địa bàn Hà Nội dừng thu phí từ 6 giờ sáng 24/7.

Xuất hiện tấn công mạng hệ thống cấp mã QR Code

Tính đến 12 giờ ngày 26/7, Sở Giao thông vận tải  TP Hồ Chí Minh đã cấp thẻ nhận diện ưu tiên trên “luồng xanh” cho 42.837 xe. Thống kê trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến 14 giờ ngày 24/7, đã cấp được 34.560 xe, đến thời điểm này, toàn quốc đã cấp được 77.397 xe.

Vài ngày qua, số lượng phương tiện gửi đến Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị cấp mã QR Code tăng vọt, dẫn đến hiện tượng quá tải trong việc kiểm tra và giải quyết của Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, trong 3 ngày triển khai thực hiện Chỉ thị 17, Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận được hơn 20 nghìn đề nghị cấp mã QR Code. Sở đã huy động 33 cán bộ, nhân viên làm việc 24/24 giờ để giải quyết và đã cấp được hơn 7.000 giấy.

Tuy nhiên, do nhiều hồ sơ không đủ điều kiện, phát sinh vướng mắc trong việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu được lưu thông qua địa bàn đã dẫn đến số lượng mã cấp rất thấp so với nhu cầu.

Để việc đăng ký Giấy nhận diện phương tiện nhanh chóng và thuận lợi cho đơn vị vận tải, giảm áp lực cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ngày 26/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị 11 Sở Giao thông vận tải khu vực phía bắc (Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hưng Yên, Tuyên Quang, Ninh Bình, Lạng Sơn và Hải Dương) tiếp nhận xe vận tải hàng hóa do Tổng cục điều chuyển từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội lại để giải quyết kịp thời, nhanh chóng.

Trong vài ngày qua, cơ quan quản lý liên tục ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm duy trì hoạt động của hệ thống an toàn, thông suốt, ngăn chặn các cuộc xâm nhập, tấn công mạng từ bên ngoài; trong ngày 26/7, Tổng cục đã đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao bảo mật, chống tấn công vào hệ thống.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị của bộ, đặc biệt là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố thường xuyên nắm bắt, tiếp thu phản ánh của doanh nghiệp, người dân để phân tích, rà soát và điều chỉnh phương án tổ chức giao thông phù hợp thực tế.

“Đối với quy định y tế đối với lái xe, cần thống nhất công nhận kết quả xét nghiệm theo hình thức test nhanh và PCR. Các Sở Giao thông vận tải khẩn trương tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 bố trí bãi đậu xe kết hợp tổ chức nơi nghỉ, xét nghiệm tại chỗ cho đội ngũ lái xe để không áp dụng cách ly y tế đối với lái xe khi đi về từ vùng dịch; ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng này.

UBND các tỉnh, thành phố căn cứ đặc thù hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, nhu cầu của địa phương để cập nhật, bổ sung các loại hàng hóa được phép lưu thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Ngoài ra, các địa phương phải xây dựng phương án, kịch bản để ứng phó khi xảy ra ùn tắc; chủ động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức giao thông, kiểm soát tại các chốt.

Các địa phương cần quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7, các trạm không kiểm tra xe có mã QR Code khi qua trạm, tăng cường kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 tại các điểm giao, nhận hàng hóa và lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm về luồng tuyến cũng như vi phạm về xét nghiệm Covid-19.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan